CTCP Chứng khoán VNDirect (mã VND) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 trong đó có đưa ra dự báo về tình hình vĩ mô và thị trường chứng khoán.
Trong kịch bản cơ sở (xác suất 50%), VNDirect cho rằng GDP năm 2022 có thể tăng 7,0 - 7,5% và lạm phát tăng khoảng 3,4 - 3,5%. Tăng trưởng tín dụng dự kiến 13,0 - 14,0% trong khi lãi suất huy động tăng 30 - 50 điểm cơ bản và lãi suất huy động bình quân 12 tháng trong khoảng 5,8 - 6,0%. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng nhẹ trong khoảng 22.850 - 23.000.
Về thị trường chứng khoán, VNDirect dự báo tăng trưởng EPS 2022 của các doanh nghiệp niêm yết HoSE đạt 22 - 24% và P/E kỳ vọng 16 - 16,5x. VN-Index trong khoảng 1.700 - 1.750 điểm không thay đổi so với báo cáo chiến lược 2022 đưa ra hồi đầu năm. Thanh khoản trên 3 sàn năm 2022 tăng khoảng 10 - 15% so với bình quân 2021 lên khoảng 29.000 - 31.000 tỷ đồng/phiên và dư nợ margin cuối năm 2022 có thể tăng khoảng 13 - 16% so với cuối 2021.
Với kịch bản cơ sở, VNDirect đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.605 tỷ đồng năm 2022, tăng 32% so với thực hiện năm 2021. Các mảng hoạt động đều dự kiến tăng trưởng doanh thu trong năm 2022 như dịch vụ chứng khoán (1.963 tỷ đồng, tăng 20%), dịch vụ đầu tư tài chính (598 tỷ đồng, tăng 60%), dịch vụ ngân hàng đầu tư (371 tỷ đồng, tăng 41%) và dịch vụ đầu tư nguồn vốn (2.463 tỷ đồng, tăng 35%).
Năm 2021 vừa qua chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội của thị trường chứng khoán Việt Nam, với thanh khoản trung bình tăng 258% so với năm 2020, đạt bình quân 26.000 tỷ đồng/phiên và ước tính dư nợ cho vay trên toàn thị trường khoảng 193.000 tỷ đồng (tương đương 8,4 tỷ USD), tăng khoảng 100.000 tỷ đồng so với cuối năm 2020.
Nhờ đó, VNDirect cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế kỷ lục 2.734 tỷ đồng trong năm 2021, gấp 3,2 lần cùng kỳ và vượt 36% kế hoạch sau điều chỉnh (tăng 82% so với ban đầu). Với kết quả đạt được, công ty dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 5% cho năm 2021.
Chào bán riêng lẻ 20% cổ phần
VNDirect cho biết, trong năm 2021, nhiều thời điểm dư nợ cho vay ký quỹ đã gần chạm ngưỡng cho phép theo quy định gây ra hạn chế khả năng cho vay đối với khách hàng trong giai đoạn thị trường bùng nổ. Đến tháng 7/2021, CTCK này đã hoàn thành quá trình tăng vốn, đưa vốn điều lệ lên 4.349 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu gần 8.000 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, quy mô cho vay ký quỹ (margin) của VNDirect đã đạt tối đa hơn 15.000 tỷ đồng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho các hoạt động đặc biệt là cho vay margin, VNDirect đã triển khai các phương án bán ưu đãi và thưởng cổ phiếu tăng vốn gấp 2,8 lần lên 12.178 tỷ đồng. Công ty đã thực hiện chốt quyền trong tháng 3 và đang hoàn tất quá trình tăng vốn điều lệ. Nếu thành công, VNDirect sẽ tạm thời trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.
Tại Đại hội tới đây, VNDirect sẽ tiếp tục trình cổ đông kế hoạch chào bán riêng lẻ 20% cổ phần cho tối đa 5 đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là các tổ chức có năng lực tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, đầu tư, tài chính, chứng khoán và/hoặc công nghệ. Cổ phiếu phát hành hạn chế giao dịch 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Giá chào bán được xác định trên cơ sở căn cứ theo giá trị sổ sách và giá thị trường tại thời điểm thực hiện việc chào bán. Giá chào bán không thấp hơn giá bình quân giá đóng cửa 10 phiên liên tiếp trước ngày HĐQT thông qua nghị quyết về việc triển khai chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022 hoặc 2023.
Ngoài ra, VNDirect cũng trình cổ đông phương án phát hành tối đa 2% lượng cổ phiếu lưu hành theo chương trình ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Ủy quyền cho HĐQT quyết định cụ thể về việc hạn chế chuyển nhượng trên nguyên tắc chỉ được chuyển nhượng tối đa là 50% kể từ sau khi kết thúc thời hạn 01 năm kể từ thời điểm kết thúc đợt phát hành.