Thông thường, ở mỗi vị trí, nhà tuyển dụng sẽ rao tuyển mức lương tối thiểu và tối đa. Theo "Khảo sát lương 2022" từ 6.800 người tìm việc và ứng viên do Navigos Group vừa công bố, vị trí giám đốc hoặc trưởng bộ phận kinh doanh bán hàng trong doanh nghiệp xây dựng - bất động sản nội địa có lương tối thiểu là 3.400 USD và tối đa là 10.000 USD mỗi tháng, tương đương khoảng 230 triệu đồng. Ở các doanh nghiệp khối FDI cùng ngành, mức lương này lần lượt là 3.000 USD và 9.000 USD.
Trong khi đó, một nhân viên kinh doanh (sales) bất động sản có kinh nghiệm nhận lương tới là 500 USD và 650 USD mỗi tháng. Các vị trí trưởng phòng kinh doanh của cả hai nhóm doanh nghiệp ngành này cùng nhận mức lương từ 500 đến 3.000 USD.
Xét trong cùng cấp bậc quản lý, mức lương tối đa của các giám đốc kinh doanh tương đương giám đốc tiếp thị, nhưng vẫn thấp hơn nhiều vị trí quản lý khác như các giám đốc phụ trách về đầu tư, tài chính, hay phát triển dự án. Lương tối đa ba vị trí này có thể nhận được lần lượt là 15.000 USD, 17.300 USD và 13.000 USD mỗi tháng. Riêng vị trí tổng giám đốc có thể nhận lương tới 30.000 USD.
So với những ngành khác, sếp kinh doanh bán hàng bất động sản thường có mức lương tối đa cao hơn ngành may mặc - dệt may - da giày; khách sạn - du lịch; thương mại điện tử - dịch vụ trực tuyến - công nghệ tài chính.
Bất động sản là lĩnh vực đứng đầu về ngành thiếu hụt nhân sự nhất trong năm 2021, theo báo cáo thường niên phát hành đầu tháng 3 của TopCV. 58,4% doanh nghiệp ngành này được hỏi nói bị thiếu người.
Theo tính toán của TopCV, mức lương tối đa (tính theo trung bình) của người làm trong ngành bất động sản nói chung với 5 năm kinh nghiệm là 33,6 triệu đồng
Còn mức lương cao nhất của vị trí giám đốc kinh doanh ở Việt Nam năm nay là 120,1 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, vị trí nhân viên kinh doanh kinh nghiệm 3 năm trở lên là 35,6 triệu đồng mỗi tháng.
Về thị trường chung, theo báo cáo thị trường lao động quý I của Adecco Việt Nam, số lượng yêu cầu tuyển dụng tương đương cùng kỳ 2021 nhưng số người chủ động tìm việc và số ứng viên giảm khoảng 20%.
Giải thích về điều này, ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Phó giám đốc bộ phận tuyển dụng Adecco TP HCM, cho biết, đa số các nhân sự kinh nghiệm thấy bản thân có chỗ đứng tốt và quyết định ở lại công ty hiện tại trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi với nhiều triển vọng phía trước.
Theo khảo sát của Navigos, đa số người được hỏi lựa chọn môi trường làm việc, đồng nghiệp và công việc ổn định là 3 yếu tố hàng đầu để họ ở lại. Trong khi yếu tố lương chỉ xếp vị trí thứ tư. Năm qua, gần 28% người tham gia khảo sát đã thành công trong việc đề xuất tăng lương. Các mức lương được tăng nằm trong khoảng từ 3% đến trên 20%.
Tuy nhiên, tiền lương lại là yếu tố quan trọng nhất khi họ quyết định chuyển việc với 17% người lao động lựa chọn yếu tố này. Khi được hỏi về dự định trong tương lai, có 42,45% cho biết sẽ chuyển sang công việc mới nếu tìm được cơ hội tốt hơn.