Không còn lãi suất thấp
Lãi suất tiền gửi ở mức thấp nhất lịch sử kể từ năm 2020 đã tạo điều kiện cho chi phí vốn của các ngân hàng giảm mạnh trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, điều này sẽ không còn duy trì kể từ nửa cuối năm 2022 trở đi.
Theo Chứng khoán VNDirect, việc lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh chủ yếu do một lượng lớn tiền đồng được rút ròng khỏi hệ thống ngân hàng do NHNN đẩy mạnh hút ròng thông qua bán tín phiếu và ngoại tệ trong tháng 8.
Ngoài ra, NHNN muốn giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái sau khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất điều hành và nhu cầu huy động vốn tăng sau khi hạn mức tín dụng mới được ban hành.
"Chúng tôi kỳ vọng lãi suất liên ngân hàng sẽ hạ nhiệt trong những tuần tới, nhưng lãi suất qua đêm vẫn dao động ở mức cao 4-5%", các chuyên gia VNDirect nhận định
Nguyên nhân là đợt tăng giá mạnh gần đây của USD có thể đã phản ứng quá mức trước thông tin tăng lãi suất của Fed và có thể giảm sau đó, áp lực tỷ giá hạ nhiệt, cùng với các động thái hỗ trợ gần đây của NHNN như việc bơm ròng ra thị trường trong những phiên đầu tháng 9 sẽ góp phần hạ nhiệt lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Lãi suất huy động cũng được kỳ vọng sẽ tăng nhanh trong nửa cuối năm 2022 trở đi do nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng lên do hạn mức tín dụng mới, chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng-huy động.
Cụ thể, theo VNDirect, cung tiền M2 cải thiện 3,8% từ đầu năm đến nay và 10% so với cùng kỳ vào cuối quý II, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng hệ thống (9,4% từ đầu năm đến nay), dẫn đến chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng - huy động do lãi suất huy động kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác.
Điều này sẽ gây áp lực lên thanh khoản của hầu hết các ngân hàng trong nửa cuối năm 2022, thể hiện qua hệ số LDR tăng đáng kể vào cuối quý II so với mức cuối năm 2021. Hệ số LDR của một số ngân hàng đã gần chạm mức quy định là 85%. Do đó, các ngân hàng cần phải tăng lãi suất huy động để giảm bớt áp lực này.
Về tiền gửi không kỳ hạn, hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận CASA giảm vào cuối quý II so với cuối năm 2021 do khách hàng đã rút tiền nhàn rỗi để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của mình trong bối cảnh tín dụng hạn chế, do đó chúng tôi cho rằng dòng tiền này sẽ không quay trở lại sớm trong hệ thống của ngân hàng.
Bên cạnh đó, Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất hơn nữa vào cuối năm 2022 và đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực lên tỷ giá và lãi suất. Các chuyên gia cho rằng lãi suất huy động sẽ tăng 0,3-0,5 điểm % vào năm 2022.
Không quá lo ngại về nợ xấu
Ngoài ra, đã có những lo ngại về rủi ro nợ xấu tăng đột biến sẽ xảy ra trong nửa cuối năm 2022 khi Thông tư 14 không còn hiệu lực vào cuối tháng 6/2022.
Tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng lên 1,34% vào cuối quý II/2022 so với mức 1,28% vào cuối năm 2021. Trong khi đó, hầu hết tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) của các ngân hàng đều giảm so với mức vào cuối năm 2021, ngoại trừ Vietcombank.
Chi phí dự phòng trong quý II giảm 12,8% so với cùng kỳ nhưng tăng 11,2% so với quý trước chủ yếu do Sacombank trích lập dự phòng trái phiếu VAMC và FE Credit trích lập dự phòng lớn để chuẩn bị cho rủi ro nợ xấu tăng.
Tuy nhiên, tỷ lệ chi phí tín dụng bình quân của các ngân hàng niêm yết đã giảm xuống mức trước đại dịch là 1,53% trong 6T22 từ mức 1,84% năm 2021.
VNDirect cho rằng áp lực trích lập dự phòng sẽ không kéo dài do hầu hết các ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% cho các khoản vay tái cơ cấu. Do đó, tỷ lệ chi phí tín dụng sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2022, theo nhận định của các chuyên gia.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng vấn đề này sẽ không đáng lo vì chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ để đối phó với rủi ro này. Các ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng rất mạnh mẽ và tỷ lệ bao nợ xấu đã đạt mức cao nhất lịch sử trong thời gian qua.