Trong những tuần gần đây, đồng USD đang ngày càng có xu hướng mạnh lên so với VND, buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải nâng tỷ giá trung tâm lên mức cao nhất trong lịch sử. Theo dữ liệu từ Google Finance, tính từ đầu 2023 đến nay, USD đã mạnh lên khoảng 2% so với VND. Nếu lấy mốc là đầu năm 2022, con số này là 5,5%.
- TIN LIÊN QUAN
-
Số phận các đồng tiền khi Fed tăng lãi suất
Tuy nhiên, trong khi mất giá khi so với USD, VND cũng đang mạnh hơn khá nhiều đồng tiền. Cụ thể, nếu lấy mốc thời gian là đầu năm 2022, khi so với một rổ gồm 26 đồng tiền thì VND mạnh hơn 19 đồng (73%). Nhóm 26 đồng tiền trên được lựa chọn từ những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, những đồng tiền được giao dịch nhiều nhất và một số thành viên trong khối ASEAN.
Nếu chọn mốc thời gian là 16/3/2022, thời điểm Fed bắt đầu chiến dịch tăng lãi suất, thì VND đã tăng giá so với 15 đồng (58%). Còn nếu sử dụng mốc thời gian là đầu năm 2023, VND vẫn mạnh lên so với 12/26 đồng tiền (46%).
Ngoài ra, trong danh sách 26 đồng tiên trên, riyal của Arab Saudi (SAR) và dollar Hong Kong (HKD) được neo giá với USD và luôn diễn biến cùng chiều với đồng tiền của nước Mỹ. Trong khi đó, dollar Singapore (SGD) hiện đang được neo giá với một rổ tiền tệ chưa được tiết lộ, trong đó có USD.
Như vậy, có thể nói, nếu lấy mốc là đầu năm 2022, VND đang mạnh lên so với đa số các đồng tiền lớn trên thế giới, chỉ thua kém peso Mexico (MXN), real Brazil (BRL), franc Thụy Sỹ (CHF), USD (cùng với những đồng được neo giá theo nó).
Trong đó, yen Nhật (JPY) đã yếu đi 17,5% so với VND. Nhân dân tệ (CNY) giảm giá 8% so với đồng tiền của Việt Nam còn won Hàn Quốc (KRW) cũng mất đi 5,4% giá trị. Những đồng tiền lớn như bảng Anh (GBP) hay euro (EUR) cũng lần lượt yếu đi khoảng 2,6% và 0,1% khi so sánh với VND.
Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2022 đến tháng 10/2022, VND đã chống chịu tương đối tốt trước áp lực của USD. Đồng bạc xanh chỉ mạnh lên chưa đến 5% so với VND khi Fed liên tục nâng lãi suất với tốc độ chóng mặt, còn NHNN vẫn giữ nguyên lãi suất. Cùng giai đoạn trên, các đồng tiền như JPY, EUR, CNY hay GBP đều yếu đi so với VND, một số giảm gần 20%.
Tới cuối năm, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã dần bắt kịp đà tăng lãi suất của Fed và lợi thế của VND dần thu hẹp. Trong giai đoạn này, NHNN cũng đã điều chỉnh lãi suất nhằm ổn định tỷ giá VND/USD.
Nếu lấy mốc là đầu năm 2023 thì sẽ có nhiều đồng tiền mạnh lên so với VND hơn là yếu đi. Nguyên nhân có thể do trong khi NHNN đã hạ lãi suất điều hành 4 lần để kích thích nền kinh tế, đa số các quốc gia trong danh sách trên vẫn duy trì chính sách thắt chặt, cùng pha với Fed.
GBP và EUR mạnh lên đáng kể so với VND trong bối cảnh Ngân hàng trung ương (NHTW) của hai quốc gia này vẫn tiếp tục chiến đấu với lạm phát (cao hơn Mỹ) và chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy khả năng đảo chiều chính sách.
Xu hướng giảm giá của JPY và CNY vẫn tiếp tục được duy trì trong bối cảnh cả hai nước cùng giữ chính sách tiền tệ lỏng và đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn. Hiện tỷ giá JPY/VND đang gần mức thấp nhất được ghi nhận vào tháng 10 năm ngoái.
Nhìn chung, những đồng tiền mạnh lên so với VND từ đầu năm đến nay thường năm ở khu vực châu Âu, châu Mỹ và có xu hướng duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.
Theo các công ty chứng khoán, từ này đến cuối năm VND được dự báo sẽ tiếp tục yếu đi so với USD. Tuy nhiên, một số dữ liệu tích cực trong 8 tháng đầu năm đang hỗ trợ cho tỷ giá, chẳng hạn như tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định, thặng dư thương mại cao gấp 3,8 lần cùng kỳ và dự trữ ngoại hối vẫn ở ngưỡng an toàn.
Nhìn chung, đa số công ty chứng khoán dự đoán việc VND yếu đi so với USD trong năm nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát và không có biến động quá lớn. Chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính trong cả năm 2023, VND có thể mất giá khoảng 3% so với đồng USD, thấp hơn mức biến động ghi nhận vào năm ngoái.