Đóng cửa, VN-Index tăng 9,24 điểm (0,74%) lên 1.254,56 điểm, HNX-Index tăng 0,98 điểm (0,41%) đạt 238,56 điểm, UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (0,24%) xuống 97,3 điểm.
Điểm nhấn của thị trường phiên chiều nay đến từ lực kéo sau 14h15 giúp các nhóm ngành đồng loạt lấy lại sắc xanh. VN-Index đóng cửa cao nhất phiên, thành công lấy lại mốc 1.250 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với số mã xanh gấp gần 2 lần số mã đỏ.
Loạt mã trụ trong rổ VN30 hồi phục mạnh mẽ trong phiên chiều nay phải kể đến như MWG (+5,4%), CTG (+3,2%), VPB (+1,9%), SHB (+1,8%), MSN (+1,7%), STB (+1,7%). VRE thậm chí tăng hết biên độ lên 21.850 đồng/cp, kết phiên dư mua giá trần 87.100 đơn vị. Không chỉ tăng giá, MWG, VPB, SHB và VRE đều nằm trong Top4 mã có thanh khoản cao nhất thị trường.
Theo quan sát, Top10 mã ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index đóng góp gần 8,5 điểm cho chỉ số, trong khi 10 lực cản lớn nhất thị trường lấy đi chưa đến 2,5 điểm. Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là nhân tố dẫn dắt thị trường phiên hôm nay với phần lớn các mã trong ngành đóng cửa trên ngưỡng tham chiếu, nổi bật nhất là CTG tăng 3,2% lên 32.000 đồng/cp, trở thành là công thần lớn nhất của thị trường với mức đóng góp gần 1,4 điểm cho VN-Index. VPB, SHB, STB, BID, MSB, OCB, MBB, VCB tăng hơn 1%.
Là nhóm nhạy cảm với diến biến thị trường, cổ phiếu của các công ty chứng khoán hồi phục mạnh mẽ trong phiên chiều, trong đó VDS tăng mạnh nhất ngành với tỷ lệ 6,1%, theo sau là HAC tăng 4,5% lên 14.000 đồng/cp. Cùng chiều, FTS, AGR, BMS, TVB, CTS, BSI, MBS, VCI tăng trên 2%.
Họ bất động sản cũng có phiên giao dịch khởi sắc trở lại. Bên cạnh VRE kết phiên trong sắc tím trần, sắc xanh cũng lan tỏa trên các cổ phiếu như HDG (+2,7%), HDC (+2,1%), HQC (+1,9%), DXS (+1,7%), CII (+1,3), DIG (+1,3%), PDR (+1,3%), VPH (+1,3%), CEO (+1,2%), …
Dòng tiền nhập cuộc trong phiên chiều giúp thanh khoản có sự cải thiện hơn so với phiên sáng. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 574 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 14.700 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 13.115 tỷ đồng, giảm 37% so với phiên trước.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 3,82 điểm (0,31%) xuống 1.241,5 điểm, HNX-Index giảm 1,01 điểm (0,43%) về 236,57 điểm, UPCoM-Index giảm 0,85 điểm (0,87%) còn 96,69 điểm.
Sau phiên đỏ lửa cuối tuần trước, VN-Index ghi nhận hồi phục với sắc xanh nhẹ khi mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7. Tuy nhiên nỗ lực tăng điểm khá mong manh khi áp lực bán dần chiếm ưu thế, chỉ số đảo chiều sau đó và giao dịch dưới ngưỡng tham chiếu trong thời gian còn lại của phiên sáng.
Trước tâm lý giao dịch thận trọng của nhà đầu tư, VN-Index giao dịch trong biên độ hẹp, dừng phiên sáng giảm gần 4 điểm. Trong đó, nhóm vốn hóa lớn tiếp tục gây sức ép lên thị trường với loạt bluechips giao dịch kém sắc như TCB (-2,4%), FPT (-1,2%), GVR (-1,2%), VHM (-0,8%), HPG (-0,7%), POW (-3%).
Chiều ngược lại, VCB với mức tăng 0,4% lên 85.500 đồng/cp đang là trụ đỡ chính của thị trường với mức đóng góp 0,4 điểm cho VN-Index. Ngoài ra, sắc xanh của MWG, GAS, MSN, VPB, CTG, SAB, ... cũng góp phần níu lại đà giảm của VN-Index.
Nhóm vốn hóa vừa diễn biến phân hóa với sắc xanh được chứng kiến ở các cổ phiếu như HDG (+2,8%), DXS (+1,6%), PTB (+1,3%), OCB (+1,1%), cùng với OCB, DGW, DHC, HDC, TLG, VCI tăng 1%, DIG, PVT, VCG, FTS, ... xanh nhẹ trên ngưỡng tham chiếu. Ở phía đối diện, PPC giảm 4,6% xuống 15.450 đồng/cp, cùng với loạt mã mất hơn 1% thị giá như SJS, EIB, EVF, BMP, PAN, CRE, PNJ, LPB, FRT, DGC, BWE, ...
Toàn thị trường ghi nhận 477 mã giảm, 287 mã tăng và 187 mã đứng giá tham chiếu. Trên HOSE, phe bán cũng chiếm ưu thế với 237 mã đỏ, 144 mã xanh và 70 mã giữ giá không đổi. Thanh khoản thị trường tiếp tục suy yếu với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 6.200 tỷ đồng, tương đương hơn 254 triệu cổ phiếu được mua - bán trong phiên sáng nay. Tính riêng trên HOSE, thanh khoản ghi nhận gần 5.550 tỷ đồng, giảm gần 30% so với phiên cuối tuần trước.
Liên quan đến giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài, họ tiếp tục bán ròng gần 490 tỷ đồng trên HOSE phiên sáng nay, trong đó tâm điểm vẫn là FPT (109 tỷ đồng) và chứng chỉ quỹ FUEVFVND (65 tỷ đồng), ...
Tại thị trường quốc tế, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều kết thúc nửa đầu năm 2024 với kết quả thuận lợi. Trong đó, Nasdaq Composite đã tăng 18,1%, S&P 500 theo sau với mức tăng 14,5%, trong khi Dow Jones chỉ tiến thêm 3,8%.
Theo CNBC, trong phiên giao dịch cuối cùng của quý II/2024, S&P 500 đã giảm 0,41%, đóng cửa ở mức 5.460 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,71%, chốt phiên với 17.733 điểm. Vào đầu phiên, hai chỉ số này từng chạm mức cao nhất mọi thời đại. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cũng giảm 45 điểm, tương đương 0,12% xuống 39.199 điểm.