Cổ phiếu VFS mở cửa phiên giao dịch đầu tiên trên Nasdaq với giá 22 USD. Với khoảng 2,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính quy mô vốn hóa của nhà sản xuất xe điện này đạt xấp xỉ 50 tỷ USD. VinFast đã trở thành thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ tính đến hiện tại.
Sau 15 phút giao dịch đầu tiên, cổ phiếu VFS của VinFast lùi về quanh ngưỡng 17 USD, nhưng sau đó nhanh chóng bật ngược trở lại. Đến 21h00 theo giờ Việt Nam, VFS đạt mức cao nhất là 23,11 USD mỗi cổ phiếu.
Tại lễ rung chuông ở Mỹ tối nay, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc toàn cầu của VinFast, nói rằng việc VinFast niêm yết thành công sẽ tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu phổ cập xe điện thông minh, an toàn và thân thiện với môi trường, thực hiện cam kết của họ trong cuộc cách mạng di chuyển bền vững trên quy mô toàn cầu.
Theo bà Thủy, sự kiện hôm nay còn mở ra khả năng tiếp cận thị trường vốn lớn nhất thế giới và là hướng đi quan trọng cho sự phát triển của công ty trong tương lai.
"Chúng tôi hy vọng câu chuyện của VinFast sẽ truyền cảm hứng và mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu Việt Nam cùng tiến ra thế giới", bà nói.
Dẫn dắt công ty sau niêm yết vẫn là Tổng giám đốc toàn cầu Lê Thị Thu Thủy. Bà sẽ được hỗ trợ bởi đội ngũ quản lý cấp cao giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực. Đại diện Black Spade sẽ đóng vai trò tư vấn cho sự phát triển toàn cầu của thương hiệu VinFast và hỗ trợ thu hút nhà đầu tư.
Tính đến ngày 30/6, VinFast đã bàn giao khoảng 19.000 ôtô điện bao gồm các mẫu VF e34, VF 5, VF 8, VF 9. VinFast sẽ tiếp tục ra mắt VF 6, VF 7, VF 3 tại Việt Nam và các thị trường quốc tế.
Tại Việt Nam, VinFast đã triển khai mạng lưới cổng sạc phủ khắp 63 tỉnh thành. Trên phạm vi toàn cầu, VinFast có 122 showroom, xưởng dịch vụ. Họ cũng mới khởi công nhà máy sản xuất ôtô điện tại Mỹ vào ngày 28/7, đánh dấu bước tiến mới trong kế hoạch phát triển thị trường, tự chủ nguồn cung tại khu vực Bắc Mỹ.