VIETTEL:
Tại triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, Tập đoàn Viettel đã trưng bày hơn 80 sản phẩm và module thuộc 10 ngành vũ khí trang bị kỹ thuât cung cấp cho Quân đội.
Hiện đại hoá "nỏ thần"
Những sản phẩm của Viettel gây ấn tượng như khí tài công nghệ cao, thiết bị thông tin liên lạc, radar, máy bay không người lái, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống mô hình mô phòng, hệ thống tác chiến không gian mạng, v.v…
Đáng chú ý có tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại hóa S-125-VT mang nhiều tính năng nổi bật so với phiên bản gốc. Viettel đã từng bước làm chủ được công nghệ để hiện đại hóa “nỏ thần” dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tổ hợp S-125-VT là phiên bản hiện đại hóa của hệ thống S-125 Pechora (Liên Xô), được thiết kế với mục tiêu tiêu diệt các phương tiện tấn công đường không, đặc biệt là các mục tiêu bay thấp và có kích thước nhỏ, ngay cả trong điều kiện nhiễu phức tạp.
Bên cạnh đó, tổ hợp tên lửa này còn có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất và mặt nước, hoạt động độc lập hoặc trong đội hình cụm phòng không.
S-125-VT có tốc độ tối đa 800 m/giây, cho phép tiêu diệt đồng thời 2 mục tiêu với cự ly sát thương lên đến 30 km, và tỷ lệ tiêu diệt máy bay tiêm kích lên tới 90%. Tổ hợp này có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách tối đa 90 km.
Trong tổ hợp, nổi bật là bệ phóng SP73 - VT, giúp cố định tên lửa trên bệ phóng hướng tên lửa về phía mục tiêu. Đồng thời, cấp nguồn, cấp tín hiệu chuẩn bị tên lửa trên bệ phóng và chấp hành tự động lệnh phóng tên lửa theo tín hiệu điều khiển từ xa; triển khai và thu hồi bệ phóng bằng hệ thống chân kích thủy lực tự động.
"Siêu phẩm" công nghệ quốc phòng Tổ hợp Tên lửa đất đối hải
Viettel cũng giới thiệu Tổ hợp Tên lửa đất đối hải Trường Sơn. Tổ hợp Trường Sơn, cùng với đạn tên lửa hành trình diệt hạm Sông Hồng, được Viettel nghiên cứu và phát triển, là một trong những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng tự chủ của Việt Nam.
Tổ hợp được thiết kế để triển khai từ bờ biển, có khả năng bắn các loại đạn tên lửa hành trình đối hạm, có thể tiêu diệt các tàu và phương tiện nổi trên biển.
Các thành phần cấu thành tổ hợp tên lửa Trường Sơn VCS-01 gồm: Xe nạp tên lửa VTRV-01; Xe chỉ huy điều khiển VCPV-01; Xe bệ phóng VLV-01; Radar cảnh giới và chỉ thị mục tiêu VRS-MCX và tên lửa đối hạm "Sông Hồng" VSM-01A (tầm bắn 80km).
Trong đó, Tên lửa đối hạm Sông Hồng là thành phần chiến đấu chính của tổ hợp này, có nhiệm vụ tiêu diệt các tàu chiến mặt nước, với khối lượng khoảng 600 kg.
Đạn tên lửa Sông Hồng sử dụng cơ chế tầng khởi tốc bằng nhiên liệu rắn, cho phép tên lửa rời khỏi khoang bảo quản trước khi khởi động động cơ chính để bay tới mục tiêu. Tầm bắn đạt khoảng 80 km, với hành trình bay thấp bám đỉnh sóng ở pha cuối nhằm giảm thiểu khả năng bị phát hiện và ngăn chặn.
Mỗi xe chỉ huy trong tổ hợp Trường Sơn có khả năng điều khiển đồng thời 8 bệ phóng tự hành, mỗi bệ mang theo 4 đạn tên lửa Sông Hồng, mang lại sức mạnh hỏa lực đáng kể trong các tình huống tác chiến.
Những "siêu phẩm" công nghệ quốc phòng
Viettel cũng mang tới trưng bày bộ khí tài giúp tự động hóa hoạt động của các đơn vị pháo phòng không 57mm.
Điểm đặc biệt của tổ hợp là sự tích hợp của hệ thống phát hiện dẫn bắn bằng radar và quang điện tử giúp tăng hiệu quả tác chiến tổng thể của tổ hợp pháo 57mm với tên gọi VPK-57. Đây là một cải tiến đáng kể giúp nâng cao hiệu quả tác chiến của loại pháo phòng không này trong môi trường tác chiến hiện đại.
Hệ thống bao gồm các bộ phận chính là radar, hệ thống quang điện tử, hệ thống chỉ huy chiến đấu tích hợp, hệ thống quản lý chiến trường, thông tin liên lạc, hệ thống cung cấp nguồn điện và các cụm pháo 57mm.
Các cụm pháo 57mm được kết nối với xe chỉ huy và hệ thống dẫn bắn thông qua đường tín hiệu hữu tuyến. Việc điều khiển pháo bằng điện giúp đơn giản hóa quá trình điều khiển. Ở chế độ tự động, mỗi cụm pháo sẽ chỉ cần các thành viên nạp đạn cho pháo.
VPK-57 được thiết kế bảo vệ các mục tiêu khỏi các đối tượng tấn công đường không, đặc biệt là các mục tiêu bay thấp như thiết bị bay không người lái - UAV.
Viettel còn mang đến hai bộ trang bị mang tên "Người lính tương lai" tích hợp trí thông minh nhân tạo AI với nhiều tính năng hỗ trợ chiến đấu tiên tiến, hiện đại.
Bộ trang bị phục vụ cho người lính trong tương lai được tích hợp thiết bị xử lý trung tâm, tăng cường thị giác, kết nối thông tin, hệ thống vũ khí thông minh, quân phục thông minh cùng giao diện kết nối theo phân cấp, phân quyền đến các hệ thống tự động hóa chỉ huy, phương tiện không người lái UAV, UGV, USV và kết nối hệ thống quản lý chiến trường BMS.
Bộ quân phục chiến đấu trang bị áo chống đạn, vải ngụy trang chống phát nhiệt, phát xạ, điều hòa thân nhiệt, đồng thời có tính năng theo dõi tình trạng sức khỏe.
14 năm từ tân binh đến những công nghệ của cường quốc
Năm 2010, Viettel chính thức tham gia vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Trải qua 14 năm, lĩnh vực này đã trở thành điểm nhấn của Viettel với sự ra đời của hàng loạt sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam”.
Khi là một tân binh, Viettel vẫn lựa chọn phát triển những công nghệ tiên tiến mà chỉ số ít cường quốc quân sự có thể làm chủ. Viettel đã gặp những khó khăn như thiếu kinh nghiệm, thiếu mô hình tham chiếu vì chưa ai ở Việt Nam từng làm, bí mật công nghệ mà không bên nào muốn chia sẻ.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Viettel đã và đang nghiên cứu, sản xuất hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành Vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao để cung cấp cho Quân đội. Hệ sinh thái sản phẩm của Viettel được xây dựng theo mô hình tác chiến C5ISR hiện đại nhất trên thế giới bao gồm 4 chức năng: Thu thập thông tin, Truyền nhận thông tin và mệnh lệnh, Xử lý thông tin hỗ trợ điều hành tác chiến, Tác chiến không gian mạng.
Viettel đã được cấp 116 bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam, 29 bằng bảo hộ sáng chế tại Mỹ.