Sau gần 1 năm trì hoãn, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, MCK: HVN, sàn HoSE) đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 với kết quả thua lỗ năm thứ ba liên tiếp.
Cụ thể, năm 2022 Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất hơn 70.410 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần thực hiện năm 2021. Dù vậy, HVN vẫn ghi nhận lỗ sau thuế 11.223 tỷ đồng, tăng 8,2% so với số lỗ hợp nhất lũy kế ở BCTC quý IV/2022 và cải thiện so với khoản lỗ 13.279 tỷ đồng của cùng kỳ 2021. Đây đã là năm thứ 3 liên tiếp Vietnam Airlines báo lỗ. Trước đó vào năm 2020, công ty báo lỗ 11.178 tỷ đồng.
Theo giải trình, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ tăng sau kiểm toán là do các sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ và trước ngày phát hành BCTC liên quan đến đàm phán duy trì và tái cơ cấu đội tàu bay; các chi phí ước tính liên quan đến trả tàu bay; và các kết quả đàm phán miễn, giảm liên quan đến các khoản thanh toán phải trả các đối tác thường xuyên.
Nguyên nhân chính dẫn tới khoản lỗ năm 2022 là do tổng chi phí của hãng tăng 84,8% so với cùng kỳ. Trong đó chủ yếu là chi phí nhiên liệu tăng mạnh vì cuộc chiến Nga-Ukraine.
Điểm tích cực hiếm hoi trong báo cáo năm 2022 là doanh thu tăng mạnh, đồng thời lỗ gộp năm 2022 cũng thấp hơn so với cùng kỳ. “Đây là kết quả bước đầu rất khả quan của Tổng Công ty trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong năm 2022, Tổng Công ty chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh COVID-19, cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh, bổ sung nguồn vốn và dòng tiền cho doanh nghiệp”, Vietnam Airlines cho biết.
Với việc báo lỗ ba năm liên tiếp để từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, HVN đã lỗ lũy kế 35.072 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2022, trong khi vốn chủ sở hữu cũng âm 11.056 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, báo cáo này cũng ghi nhận ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán về khoản nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines đã vượt tài sản ngắn hạn ở mức 39.470 tỷ đồng tại cuối năm 2022.
“Công ty lỗ ròng 11.223 tỷ đồng và khả năng hoạt động liên lục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê”, các kiểm toán viên nhận định trong báo cáo kiểm toán năm 2022 của Vietnam Airlines.
Về lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát, Vietnam Airlines đã hoàn thành đề án cơ cấu lại Tổng Công ty giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Tổng Công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền đảm bảo cho hoạt động kinh doanh.
Việc ghi nhận thua lỗ trong ba năm liên tiếp, cổ phiếu HVN đang đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn HoSE.
Sau khi công bố BCTC kiểm toán năm 2022, Vietnam Airlines cũng công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.
Buổi họp dự kiến diễn ra vào sáng ngày 16/12 tại trụ sở Công đoàn Tổng Công ty ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP.Hà Nội. Nội dung cuộc họp sẽ xoay quanh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, các báo cáo của HĐQT, Ban kiểm soát cũng như Ban điều hành…