6G là bước tiến tiếp theo của 5G và ước đạt tốc độ một terabit/giây. Có nghĩa, trung bình mỗi giây, người dùng có thể tải 142 giờ nội dung Netflix ở độ phân giải cao nhất. So với 5G, tốc độ lý thuyết của mạng 6G nhanh gấp 100 lần. Theo các chuyên gia, 6G không dừng lại ở kết nối vạn vật mà còn có thể kết nối nhận thực với trí tuệ nhân tạo, xây dựng thế giới số song song với thế giới thật.
Hồi tháng 3, tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF), Jin Zhuanglong, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin nước này, khẳng định Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về tốc độ nghiên cứu và phát triển 6G. Tuyên bố được đưa ra sau khi Hội nghị 6G toàn cầu được tổ chức ngày 22/3 tại Nam Kinh đạt đồng thuận về việc triển khai dịch vụ mạng di động 6G vào năm 2030.
Theo ChinaDaily, tham vọng của Trung Quốc không phải thiếu căn cứ. Nhiều doanh nghiệp, trường học, tổ chức khoa học tại đây đã đạt bước đột phát trong công nghệ 6G như kiến trúc mạng mới, AI tích hợp. Ngày 22/4, Viện 25 (25th Institute) thuộc Học viện Khoa học và Công nghiệp Hàng không vũ trụ Trung Quốc đã thử nghiệm thành công tốc độ truyền dẫn không dây 100 Gigabit mỗi giây, cao gấp 100 lần tốc độ mạng trung bình của 5G (một Gb/giây). Đây được xem là đột phá lớn của Trung Quốc trong nghiên cứu 6G.
Trong phỏng vấn ngày 6/12 trên Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV), Wang Zhiqin, Phó giám đốc Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, lãnh đạo nhóm quảng bá 6G quốc gia, nói: "Với người dùng phổ thông, 6G đơn giản là nhanh hơn 5G. Nhưng khi thương mại hóa, công nghệ này sẽ thay đổi hoàn toàn cách con người giao tiếp, mở ra mô hình kinh doanh hoàn toàn mới".
Theo đó, ba lĩnh vực thay đổi mạnh mẽ khi 6G xuất hiện là: kết nối nhận thức con người và AI; kết nối liên tục từ Trái Đất ra ngoài vũ trụ; và kết nối vật lý số, đưa những gì có trong thế giới vật lý lên thế giới số để thiết lập thế giới song song. Ông Wang Zhiqin nhấn mạnh, mạng 6G trong tương lai không chỉ nhanh, ổn định hơn 5G mà còn là động lực thúc đẩy dữ liệu lớn, AI, cloud, blockchain và các lĩnh vực khác cùng phát triển.
Nikkei đánh giá những bước tiến đáng kinh ngạc và kế hoạch kỹ lưỡng được chuẩn bị sẽ giúp tham vọng 6G của Trung Quốc thành hiện thực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước này cũng phải đối mặt một thực tế khắc nghiệt là cấm vận từ các quốc gia phương Tây.
Trong khi Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình phát triển, chuẩn hóa 6G, các quốc gia khác cũng không ngồi yên. Sony, Nokia cũng đã công bố những tiến bộ về công nghệ kết nối mới. Năm 2020, các "ông lớn" công nghệ Mỹ, trong đó có Apple, Google, Intel, cũng gia nhập Next G Alliance, một liên minh với mục tiêu thúc đẩy mạng di động 6G.
FT nhận định, công nghệ 6G khi định hình có thể dẫn đến hai kịch bản. Những đột phá của Trung Quốc có thể khiến các quốc gia phương Tây bắt tay nhau để xây một chuẩn riêng đủ mạnh và phổ biến. Còn nếu không thể hợp tác, họ phải chấp nhận 6G của Huawei và các công ty Trung Quốc, thay vì loại bỏ như đang làm với mạng 5G.
Giới quan sát nhận định cuộc đua này có thể khiến thế giới phân cực về viễn thông, từ đó dẫn đến sự ra đời của các tiêu chuẩn 6G khác nhau. Điểm mấu chốt ở đây là điện thoại 6G dành cho người dùng Mỹ có thể không tương thích với mạng 6G của Trung Quốc và ngược lại, từ đó làm chậm tốc độ thông tin liên lạc toàn cầu.
tổng hợp