Theo thông báo của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), thời hạn muộn nhất để các đơn vị gửi hồ sơ tham gia chào giá cung cấp gói dịch vụ trên là ngày 8/2.
Công ty mẹ Vietnam Airlines đang nắm 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec). Skypec cùng Petrolimex Aviation hiện là 2 nhà cung cấp nhiên liệu hàng không chính tại thị trường trong nước. Trong đó, Skypec phục vụ chủ yếu cho Vietnam Airlines và hàng chục hãng hàng không quốc tế.
Với sức chứa hơn 220.000 m3, Skypec sở hữu hệ thống kho cảng đầu nguồn tại các cảng biển lớn và kho sân bay tại 18 sân bay dân dụng trên toàn quốc. Công ty này có khả năng phục vụ trên 214.000 chuyến bay với tổng sản lượng hàng năm đạt trên 2 triệu tấn mỗi năm. Giai đoạn trước dịch, Skypec là một trong những "con gà đẻ trứng vàng" của Vietnam Airlines.
Kế hoạch bán vốn tại Skypec nhiều khả năng nằm trong Đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines giai đoạn 2021 - 2025 đã báo cáo cổ đông và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đề án này, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu, cũng như cải thiện hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu tài sản, danh mục đầu tư để gia tăng thu nhập, dòng tiền, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu.
Hiện tại, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đang đối mặt nguy cơ bị huỷ niêm yết khá lớn. Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) tiếp tục lưu ý khả năng huỷ niêm yết cổ phiếu HVN nếu tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.
Trước đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hơn 10.450 tỷ đồng. Đến hết 31/12, lợi nhuận luỹ kế của cổ đông công ty mẹ âm xấp xỉ 34.200 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng bay này âm 10.199 tỷ đồng.
Năm 2022, cổ phiếu HVN đã thoát án huỷ niêm yết bắt buộc khi vốn chủ sở hữu dương hơn 500 tỷ đồng tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Nguyên nhân là Vietnam Airlines đã chuyển nhượng 35% cổ phần tại Cambodia Angkor Air (K6), thu về 35 triệu USD được hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính với lãi chuyển nhượng vốn góp.