Doanh nghiệp

Vietjet vay thêm hơn 4.000 tỷ trong một quý, vốn chủ tăng 257 tỷ

Quầy tự làm thủ tục của Vietjet tại Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc).

Tại ngày cuối quý I/2022, CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) đang ghi nhận nợ vay ngắn hạn 8.532 tỷ đồng, nợ vay và trái phiếu dài hạn 11.008 tỷ đồng, tăng lần lượt 1.212 tỷ và 2.868 tỷ đồng so với ngày đầu năm.

Tổng cộng, nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Vietjet tăng thêm hơn 4.000 tỷ đồng trong ba tháng đầu 2022. Vốn chủ sở hữu chỉ đi lên 257 tỷ, chủ yếu nhờ lợi nhuận đạt được trong quý I.  

Chủ nợ ngắn hạn lớn nhất của Vietjet tại ngày 31/3 là Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank – Mã: HDB) với dư nợ 2.475 tỷ đồng. HDBank là bên liên quan của Vietjet vì Tổng Giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank.

Chủ nợ ngắn hạn lớn thứ 2 của Vietjet là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG) với dư nợ 2.285 tỷ đồng.

  • TIN LIÊN QUAN
  • Một nửa doanh thu của Vietjet đến từ vận chuyển hành khách, nửa còn lại đến từ đâu?

Vietjet có ba lô trái phiếu với tổng dư nợ 11.250 tỷ đồng. Một lô có giá trị 600 tỷ đồng đáo hạn vào năm 2022, một lô 650 tỷ đồng đáo hạn năm 2023 và một lô 10.000 tỷ đồng đáo hạn vào 2026.

Trong bối cảnh nợ vay lên cao, chi phí lãi vay của Vietjet cũng tăng mạnh lên 339 tỷ đồng, gấp đôi quý I/2021 và là mức cao nhất từ trước đến nay, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới.

Tổng chi phí tài chính trong quý đầu năm nay là gần 403 tỷ đồng, cao gấp 10 lần cùng kỳ do lãi vay tăng nhanh và mất đi phần lớn khoản hoàn nhập dự phòng chứng khoán kinh doanh.

Quý I/2022, chi phí lãi vay của Vietjet cao gấp đôi cùng kỳ và lập đỉnh mới.

Một chi tiết đáng chú ý trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 của Vietjet là nợ phải trả cộng với vốn chủ sở hữu đang nhỏ hơn tổng nguồn vốn, trong khi lẽ ra phải bằng nhau. Cụ thể, nợ phải trả là gần 41.891 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 17.111 tỷ đồng, tổng cộng là 59.002 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính có dấu đỏ của Vietjet lại đang ghi nhận tổng nguồn vốn là 58.202 tỷ đồng, tức là các số liệu đang chênh nhau 800 tỷ.

Tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của Vietjet tại ngày 31/3/2022 nhỏ hơn tổng nguồn vốn.

Hôm 30/4/2022, Vietjet công bố một báo cáo tài chính dài 8 trang, không có dấu đỏ, không có các phần phụ lục và thuyết minh. Theo báo cáo này, tổng nguồn vốn của Vietjet lên tới 61.206 tỷ đồng, cao hơn khoảng 3.000 tỷ so với báo cáo đầy đủ có dấu đỏ công bố vài ngày sau đó.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã có công văn nhắc nhở Vietjet vì công bố báo cáo tài chính không đầy đủ vào ngày 30/4.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm