Phó chủ tịch Kỹ thuật của tập đoàn Qualcomm, tiến sỹ An Chen (Trần Mỹ An) đã có hơn 40 phút đối thoại cùng người dẫn Trương Lý Hoàng Phi về chủ đề đổi mới sáng tạo tại talkshow The Next Power phát sóng sáng 29/12.
Không tập trung quá nhiều về những thành tựu đã đạt được, các chia sẻ của bà An Chen xoay quanh góc nhìn tích cực về tương lai chuyển đổi số của Việt Nam, trong đó Qualcomm sẽ đóng vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng công ty, tập đoàn công nghệ triển khai IoT, 5G, thành phố thông minh, các công nghệ kết nối một cách sâu rộng.
'Tinh thần Việt' trong chiến lược đồng hành Việt Nam của Qualcomm
Nữ tướng gốc Việt của Qualcomm mở đầu phần đối thoại bằng câu chuyện nỗ lực học tập không ngừng nghỉ của riêng bản thân và nhấn mạnh tinh thần này đã giúp bà có thể làm việc, sáng tạo và đổi mới trong môi trường công nghệ suốt nhiều năm qua.
Là một người gốc Việt, bà đặc biệt chú ý tới sự phát triển vượt bậc của Việt Nam với cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực trẻ tài năng. "Việt Nam đã sẵn sàng để chiến đấu trên trường quốc tế. Tôi nghĩ đây là thời điểm tốt nhất để đến đây và chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ của đất nước này", bà An Chen nhấn mạnh.
Không chỉ được biết đến là nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, Qualcomm còn là một trong những ông lớn công nghệ đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu, phát triển (R&D). Tập đoàn dành khoảng 20% doanh thu mỗi năm cho hoạt động này. Kể từ khi thành lập, Qualcomm đã đầu tư 75 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển, giải quyết những vấn đề chưa ai nghĩ tới. Phát triển, đổi mới sáng tạo trở thành những giá trị cốt lõi của Qualcomm.
Những giá trị này cũng được "ông lớn công nghệ" đưa vào chiến lược phát triển tại thị trường Việt Nam, nhưng được Việt hoá để phù hợp với điều kiện hiện tại, cũng như có thể hỗ trợ sâu rộng hơn cho các công ty trong nước. Tiến sỹ An Chen cho biết: "Mục tiêu của Qualcomm là chia sẻ những công nghệ mà tập đoàn phát triển với các đối tác trong hệ sinh thái. Tại Việt Nam, Qualcomm không chỉ hỗ trợ mà còn giúp họ nâng cấp chuỗi giá trị, tự thiết kế và xây dựng các giải pháp công nghệ của riêng mình".
Vào tháng 5/2022, Qualcomm đã tuyên bố hợp tác với Viettel, xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng 5G. Trong đó Qualcomm cung cấp chip hỗ trợ Viettel xây dựng hạ tầng.
Không chỉ làm việc với các tập đoàn, ông lớn công nghệ đặc biệt quan tâm tới môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam. Hai năm liên tiếp, Qualcomm đã tổ chức thành công Chương trình Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC) nhằm tìm ra những startup tiềm năng, ứng dụng các công nghệ như IoT, 5G, trí tuệ nhân tạo/học máy, đô thị thông minh... Khoản tài trợ và giải thưởng của chương trình cung cấp sự hỗ trợ đáng kể để những người chiến thắng có thể phát triển và vận hành doanh nghiệp. Việt Nam là thị trường Đông Nam Á đầu tiên Qualcomm triển khai chương trình QVIC, trước đó, chương trình chỉ tổ chức ở Ấn Độ và Đài Loan.
Tinh thần Việt trong chiến lược phát triển của Qualcomm được thể hiện rõ nét khi tập đoàn này thành lập một đội ngũ kỹ thuật riêng để hỗ trợ các đối tác trong hệ sinh thái ở Việt Nam tự thiết kế và xây dựng giải pháp kỹ thuật.
"Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ. Qualcomm có những công nghệ tuyệt vời để hỗ trợ Việt Nam, bắt đầu từ 5G, công nghệ có thể sử dụng cho các nhà máy, quá trình tự động hóa, cho đến các thiết bị IoT sử dụng cho thành phố thông minh hay camera thông minh. Chúng tôi rất háo hức được đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong hành trình quan trọng này", bà An Chen nhấn mạnh.
Lợi thế của thị trường tại Việt Nam
Vị lãnh đạo cấp cao của Qualcomm đánh giá cao lợi thế phát triển cũng như tiềm năng thành công của quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Bà cho rằng với nhiều khu vực chưa được xây dựng, các cơ hội dành cho Việt Nam rất đa dạng và hầu như không có sự hạn chế.
Tuy nhiên, theo tiến sỹ An Chen, phá bỏ những rào cản cũ có thể khó, nhưng áp lực của việc phải đưa ra lựa chọn và đầu tư đúng đắn ngay từ bước đầu tiên còn nặng hơn. Với vị thế là một tập đoàn công nghệ hàng đầu, Qualcomm có thể giúp Việt Nam lựa chọn những công nghệ tốt nhất để sớm tận dụng được các lợi thế, đón đầu thành công các cơ hội.
Một trong những lợi thế của môi trường công nghệ Việt Nam là được hưởng lợi từ sự kết nối sâu rộng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. "Nếu các startup biết tận dụng những hỗ trợ công nghệ của Qualcomm, giải quyết các vấn đề ở Việt Nam, sức lan tỏa của những thành công này sẽ không giới hạn tại thị trường trong nước mà có thể ảnh hưởng ở Đông Nam Á và khắp nơi trên thế giới", theo tiến sĩ gốc Việt.
Ngoài ra, việc nhiều tập đoàn công nghệ lớn đang dần dịch chuyển cung ứng về Việt Nam cũng mang lại lợi thế cho các công ty trong nước và giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Theo đại diện Qualcomm, bối cảnh hiện nay mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, khi càng nhiều công ty quy tụ, nhu cầu cơ sở hạ tầng càng tăng và các công nghệ nền tảng để hỗ trợ càng trở nên cần thiết.
Việt Nam cũng sở hữu lợi thế về mặt nhân sự có trình độ và sự quyết tâm cao. Tiến sĩ An Chen cho biết, bà ấn tượng với sự thân thiện và kiên cường của người Việt Nam. "Điều chúng tôi ấn tượng về nhân lực Việt Nam là sự tận tâm với công việc. Người Việt Nam rất cần cù, chịu khó, quyết tâm hoàn thành công việc một cách tốt nhất, không chỉ vì tiền lương mà còn vì niềm tự hào khi làm tốt công việc của mình", đại diện Qualcomm nhấn mạnh.
Từ khoá chuyển đổi số được bà An Chen nhắc lại nhiều lần trong suốt 40 phút đối thoại tại talkshow The Next Power. Vị tiến sĩ gốc Việt cho rằng, từ 5 – 10 năm tới, những công nghệ mà Qualcomm đang phát triển trong hàng loạt lĩnh vực sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. "Tôi nghĩ tương lai sẽ rất đáng sống với sự phát triển của công nghệ", bà nhấn mạnh.