Thưa bà, theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, chậm nhất ngày 31/12/2024 các địa phương phải thực hiện phân loại rác tại nguồn, trong đó có phân loại rác tái chế. Theo bà, việc thúc đẩy phân loại các loại rác tái chế này sẽ có ý nghĩa như thế nào trong bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn ?
Việc thúc đẩy phân loại rác tái chế có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ môi trường. Đầu tiên, phân loại rác sẽ giúp giảm thiểu lượng rác thải phải xử lý bằng chôn lấp hoặc đốt, qua đó vừa giảm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, vừa giảm phát thải khí nhà kính cùng như ô nhiễm đất và nguồn nước.
Thứ hai, phân loại rác tái chế đúng cách sẽ biến rác thải thành nguồn nguyên liệu có chất lượng cho sản xuất với chi phí xử lý tiết kiệm hơn, góp phần vào phát triển kinh tế tuần hoàn cũng như hạn chế khai thác mới tài nguyên thiên nhiên để gìn giữ cho các thế hệ tương lai.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế. Đặc biệt, Việt Nam hiện đối mặt với áp lực lớn từ ô nhiễm nhựa, nên việc phân loại rác tái chế sẽ là bước khởi đầu để giải quyết vấn đề này và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo bà, với tỷ lệ bao bì được tái chế và tái sử dụng ở Việt Nam hiện nay thì cơ quan chức năng, người dân và doanh nghiệp cần làm gì để cải thiện tình trạng này và thúc đẩy tái chế rác hiệu quả hơn?
Thực tế hiện nay, tỷ lệ bao bì được tái chế ở Việt Nam còn rất thấp, do thiếu đồng bộ trong khâu thu gom và xử lý rác thải, cũng như ý thức thực hành phân loại rác của người dân chưa cao và các nhà tái chế vẫn đang sử dụng khối lượng lớn phế liệu nhập khẩu thay vì nguồn phế liệu trong nước.
Để cải thiện vấn đề này, chúng ta cần có sự phối hợp và tham gia hành động của các bên liên quan, chẳng hạn về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cần có các chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tái chế như chính sách mua sắm công ‘xanh’; các chính sách ưu đãi thuế, phí cho sản phẩm có sử dụng nguyên liệu tái chế; các cơ chế ưu đãi vay vốn dễ tiếp cận từ Quỹ bảo vệ môi trường cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thu gom tái chế, đồng thời, dần xây dựng lộ trình giảm thiểu số lượng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài.
Từ đó, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng công nghệ, thay đổi thiết kế theo nguyên tắc 3R để có thể dễ dàng tái sử dụng, giảm lượng vật liệu sử dụng mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và dễ dàng tổ chức thu gom tái chế được sau tiêu dùng. Đồng thời, người dân đặc biệt là thế hệ trẻ cũng cần được nâng cao nhận thức về phân loại rác tại nguồn thông qua giáo dục, truyền thông để thay đổi hành vi và thói quen phân loại rác.
Từ thực tế triển khai, bà có thể chia sẻ một số mô hình thu gom, tái chế rác thành công ở Việt Nam và kinh nghiệm để đảm bảo các mô hình này có thể nhân rộng bền vững tại các địa phương?
Một trong những giải pháp đột phá trong quản lý chất thải chính là áp dụng chính sách EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất). Chính sách này không chỉ mang lại hiệu quả tài chính trong việc xử lý chất thải mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam.
Nhờ đầu tư nghiêm túc vào nghiên cứu và thử nghiệm, PRO Việt Nam đã phát triển các mô hình thu gom có khả năng nhân rộng, đảm bảo hiệu quả thu gom, và giảm thiểu chi phí. Trong 2 năm 2022-2023, chúng tôi đã hoàn thành thu gom và tái chế hơn 17.000 tấn bao bì. Riêng năm, PRO Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các thành viên thực thi nghĩa vụ EPR với số lượng ủy quyền lên đến hơn 63.000 tấn bao bì.
Bên cạnh đó, PRO Việt Nam cũng tiên phong triển khai các mô hình sáng tạo như chương trình “ Vệ sĩ môi trường ” tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là sáng kiến kết hợp thu gom và tái chế bao bì vỏ hộp giấy tại các trường học, đi kèm với chuỗi hoạt động giáo dục ngoại khóa để nâng cao nhận thức về môi trường cho học sinh mầm non và tiểu học. Chương trình không chỉ tạo ra tác động tích cực đến thế hệ trẻ mà còn thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị bao bì tại địa phương.
Ngoài ra, công nghệ hiện đại đã và đang góp phần quan trọng vào việc cải thiện hiệu quả thu gom và tái chế. Một ví dụ nổi bật là các máy thu gom chai nhựa PET được lắp đặt tại siêu thị và trường học. Mô hình này không chỉ dễ tiếp cận và thân thiện với người dùng, mà còn nâng cao ý thức cộng đồng về tái chế. Đặc biệt, các máy này cho phép truy xuất nguồn gốc chai nhựa, tạo điều kiện thuận lợi để tích hợp vào dây chuyền sản xuất bottle-to-bottle – một công nghệ mà nhiều thành viên PRO Việt Nam đang áp dụng để hướng đến sản xuất tuần hoàn và bền vững.
Bà có thể chia sẻ một số dự án mà PRO Việt Nam sẽ triển khai trong thời gian tới để cùng cộng hưởng, thúc đẩy hoạt động phân loại rác tại nguồn ở các địa phương, từ đó thúc đẩy tái chế rác bền vững?
Trong thời gian tới, PRO Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động đã đề cập, bao gồm việc thực thi nghĩa vụ EPR cho các thành viên, đồng thời, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các sáng kiến thu gom, tái chế tại các trường học và khu dân cư nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị bao bì tại từng địa phương.
Bên cạnh đó, PRO Việt Nam xác định giáo dục cộng đồng là trọng tâm trong các hoạt động sắp tới. Chúng tôi sẽ hợp tác với các cơ quan truyền thông uy tín để thực hiện các chiến dịch lan tỏa kiến thức về 3R (Reduce, Reuse, Recycle). Những chiến dịch này không chỉ tập trung cung cấp thông tin mà còn truyền cảm hứng thay đổi hành vi, thúc đẩy người dân thực hiện phân loại và tái chế rác thải ngay từ hộ gia đình, góp phần tạo ra tác động sâu rộng đến toàn xã hội.
Chúng tôi tin rằng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, những nỗ lực này sẽ tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ, góp phần giúp cho việc thu gom và tái chế rác thải tại Việt Nam trở nên dễ tiếp cận và bền vững hơn.
Cảm ơn bà!