Đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là điểm sáng trong bối cảnh nhiều động lực tăng trưởng khác của Việt Nam suy yếu. 8 tháng đầu năm, FDI vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. FDI giải ngân 13,2 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ.
Cùng với con số tích cực từ FDI, việc Việt Nam - Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện và chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính với nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư nhiều lĩnh vực mang đến nhiều hy vọng cho nền kinh tế.
Không kể các biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư được ký kết trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam từ đầu năm đến nay liên tiếp đón nhận nhiều kế hoạch, dự định đầu tư từ các doanh nghiệp ngoại.
Việt Nam đón nhận nhiều kế hoạch đầu tư
Hồi đầu tháng 6, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết hai nhà sản xuất pin và hệ thống trữ năng lượng lớn của Trung Quốc đang cân nhắc đầu tư hàng trăm triệu USD ở Việt Nam.
Xiamen Hithium Energy Storage Technology, công ty khởi nghiệp đang mở rộng sự hiện diện sang châu Âu và Mỹ, đã tiếp cận các quan chức và các nhà quản lý công nghiệp ở Việt Nam để xuất xây dựng một nhà máy sản xuất các sản phẩm trữ năng lượng với vốn đầu tư có thể lên đến 900 triệu USD trên một khu đất công nghiệp có diện tích hơn 30 hecta.
Nếu chốt mức đầu tư ở con số đó, Hithium sẽ trở thành một trong nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Theo nguồn tin thứ hai, khoản đầu tư đang được thảo luận của Hithium sẽ có giá trị tối thiểu là 500 triệu USD
Trao đổi với Reuters, Hithium có trụ sở tại thành phố cảng Hạ Môn của Trung Quốc, cho biết không có giao dịch đầu tư nào sắp chốt. Nhưng Hithium tiết lộ có kế hoạch mở rộng công suất sản xuất lên 70 GW vào cuối năm nay từ mức chỉ 15 GW hiện tại.
Trong khi đó, Growatt New Energy, có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc) đang có kế hoạch chi khoảng 300 triệu USD để mua khoảng 15 ha đất công nghiệp nhằm xây dựng một nhà máy mới ở Việt Nam.
Theo các nguồn tin, cả hai công ty nói trên đã thảo luận với nhiều nhà chức trách và khu công nghiệp ở Việt Nam để tìm kiếm địa điểm tiềm năng cho nhà máy của họ.
Trước đó tháng 5, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC tại Mỹ, ông Steve Biegun, Phó chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Boeing cho biết tới đây hãng sẽ đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam.
Ông Steve Biegun cũng hé lộ thêm định hướng chiến lược kinh doanh của Boeing tại Việt Nam, bao gồm việc Boeing tăng cường hợp tác, quan hệ thương mại trong lĩnh vực hàng không với các hãng hàng không tại Việt Nam một cách sâu sắc hơn.
Boeing cũng sẽ hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù, như máy bay trực thăng, vận tải. Đặc biệt, tập đoàn hàng không này sẽ đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam.
Cung trong tháng 5, Bloomberg đưa tin BYD - hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc có kế hoạch sản xuất ô tô điện ở Việt Nam để bán tại chỗ và xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Nguồn tin còn cho biết, hãng có kế hoạch hình thành một chuỗi cung ứng địa phương.
Bloomberg cho hay người phát ngôn của BYD xác nhận thông tin này nhưng chi tiết kế hoạch đầu tư chưa được công bố.
Đầu năm, nguồn tin của Reuters cho biết hãng sản xuất màn hình BOE Technology Group - nhà cung cấp cho Apple đang lên kế hoạch rót 400 triệu USD để xây 2 nhà máy ở Việt Nam.
Hai đối tác khác của Apple - Hon Hai Precision Industry và Luxshare Precision Industry cũng có kế hoạch lắp ráp nhiều sản phẩm của Apple tại Việt Nam, như laptop hay máy tính bảng.
Cuối năm 2022, Lãnh đạo LG cho biết sẽ đầu tư vào Việt Nam thêm 4 tỷ USD và muốn đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất máy ảnh cho điện thoại trong tương lai. Trong khi đó, Samsung muốn nâng tổng khoản đầu tư vào Việt Nam từ 18 tỷ USD lên 20 tỷ USD.
FDI vẫn là động lực tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế
Với vị trí thuận lợi, Việt Nam là điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp nhằm đa dạng chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh chi phí lao động ở Trung Quốc ngày càng tăng, căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung vẫn diễn biến khó lường, động lực để các công ty đa quốc gia toàn cầu mở rộng sản xuất và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc cũng đang tăng lên.
Trong bài viết mới đây, SCMP còn cho biết có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm hiểu cơ hội dời nhà máy sang Việt Nam. Môi trường chính trị ổn định và lực lượng lao động trẻ, chi phí thấp thứ ba trong khu vực châu Á là những lợi thế giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu trong khu vực.
Nhóm phân tích của Ngân hàng HSBC cũng vừa đưa ra nhận định rất tích cực về triển vọng FDI của Việt Nam.
Theo HSBC, nếu như ban đầu, phần lớn các khoản đầu tư đổ vào lĩnh vực dệt may và giày dép có giá trị gia tăng thấp hơn, thì nay Việt Nam đã nhanh chóng thăng hạng trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng.
Các chuyên gia tại đây nhận định phần lớn thành công trong lĩnh vực công nghệ là nhờ lộ trình FDI kéo dài nhiều năm của Samsung tại Việt Nam. Với khoản đầu tư 18 tỷ USD trong hai thập kỷ qua, một nửa sản lượng điện thoại thông minh của Samsung trên toàn cầu đến từ Việt Nam. Điều này cũng đã khuyến khích các gã khổng lồ công nghệ khác, đặc biệt là Apple, mở rộng hoạt động của họ.