Chainalysis xếp hạng 154 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên một số chỉ số giao dịch chính như các sàn giao dịch tập trung, giao thức DeFi và khối lượng giao dịch ngang hàng. Theo Kim Grauer, giám đốc nghiên cứu của Chainalysis, mặc dù chỉ số năm nay không thể hiện thay đổi lớn so với năm 2021, nó vẫn thể hiện các cách khác nhau mà người dùng đang sử dụng tiền mã hoá.
“Khi chúng ta nói về mức độ đón nhận tiền mã hoá trên thế giới, chúng ta nên nghĩ đến các ứng dụng ở các khu vực khác nhau với các yếu tố kinh tế xã hội ảnh hưởng”, bà chia sẻ với Fortune.
Châu Á
Trong 2 năm liên tiếp, Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng của Chainalysis. Trong khi đó, Philippines leo lên vị trí số 2 từ vị trí số 15 của năm ngoái. Bà Grauer nói rằng mức độ phổ biến của tiền điện tử ở các quốc gia Đông Nam Á phần lớn đến từ các trò chơi blockchain với mô hình chơi để kiếm tiền (play to earn).
Một ví dụ điển hình là trò chơi Axie Infinity của startup Việt Nam Sky Mavis. Mặc dù Axie Infinity trải qua một đợt đi xuống tồi tệ trong năm nay sau khi bị tấn công và lấy mất hơn 600 triệu USD, người dùng, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển, đang đổ xô đón nhận các trò chơi play to earn như một nguồn thu nhập. Ngay cả khi nhiều người chơi đang rời bỏ Axie Infinity, các trò chơi khác theo dạng này vẫn đang xuất hiện và nhiều nhà phát triển có trụ sở tại Đông Nam Á.
Ở Châu Á, Ấn Độ (vị trí số 4) lại có một câu chuyện khác. Theo bà Grauer, đón nhận tiền mã hoá lại đến từ cơn sốt NFT (token không thể thay thế). Trung Quốc trong khi đó xếp ở vị trí số 10. Fortune cho rằng đây là một kết quả bất ngờ đặt trogn bối cảnh Trung Quốc ban bố các lệnh cấm tiền mã hoá mạnh mẽ trong năm 2021.
Mỹ Latinh
Khác với Đông Nam Á hay Ấn Độ, nơi nhiều người tìm đến với tiền mã hoá thông qua game hay NFT, đón nhận tiền mã hoá ở Mỹ Latinh lại được thúc đẩy từ nhóm tài sản số truyền thống thông qua các sàn giao dịch và các nền tảng công nghệ tài chính khác.
Argentina, đất nước đang trải qua thời kỳ lạm phát tồi tệ và các quy định hạn chế giao dịch ngân hàng, xếp ở vị trí thứ 13. Với nhiều người, tiền mã hoá đóng vai trò là cánh cửa tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu khi rủi ro mà nó mang lại vẫn ít hơn so với việc nắm giữ đồng tiền ngày càng mất giá của quốc gia này, theo Fortune.
Brazil (vị trí số 7) là “quê hương” của nhiều sản phẩm fintech sáng tạo. Một ví dụ điển hình là Nubank, ngân hàng số lớn nhất Brazil. Nubank có 1 triệu người dùng trên sàn giao dịch tiền mã hoá của mình chỉ một tháng sau khi ra mắt vào mùa hè năm nay.
Mỹ và các quốc gia thu nhập cao
Mặc dù Mỹ đã lên hạng trong năm nay, báo cáo của Chainalysis cho thấy tiền mã hoá vẫn chưa được đón nhận rộng rãi ở Mỹ mà mới chỉ tập trung vào nhóm các nhà đầu tư tổ chức. Trong số 20 quốc gia/vùng lãnh thổ đứng đầu về đón nhận tiền mã hoá: 10 cái tên thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp, 8 cái tên thuộc nhóm trung bình cao và chỉ có 2 cái tên thuộc nhóm thu nhập cao là Mỹ và Anh. Fortune nhận định do hệ thống tài chính ở các quốc gia thu nhập cao có tính ổn định cao hơn, người dùng thường ít có xu hướng tìm đến các tài sản rủi ro cao hơn.
“Với các quốc gia này, họ đang chờ đợi các ứng dụng thực sự hấp dẫn để được nhiều người đón nhận hơn”, bà Grauer nói.
Nhóm các quốc gia/vùng lãnh thổ còn lại
Ukraine đứng thứ 3 trong danh sách năm nay và có thể điều này không đón từ các khoản đóng góp bằng tiền mã hoá đổ vào quốc gia này sau xung đột Nga – Ukraine. Bà Grauer nói thực tế Ukraine luôn là một quốc gia yêu công nghệ với nhiều startup.
Nigeria và Kenya cũng xếp trong top 20 nhờ tỷ lệ thanh toán số cao. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thiếu ổn định ở Nigieria cũng là một lý do nhiều người tìm đến tiền mã hoá.