Ngân hàng số đang là một lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm tại Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ tạo ra một mô hình độc đáo mà chưa ai làm ở đây”, Marcin Miller, CEO và đồng sáng lập Galaxy FinX, từng làm việc cho McKinsey, nói rằng công ty họ đang phát triển một nền tảng thuần công nghệ tài chính đầu tiên tại Việt Nam.
Người dùng chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ hay người yêu thích công nghệ?
Với cơ chế hiện tại tại Việt Nam, các ngân hàng số sẽ phải hợp tác với một ngân hàng đã được cấp phép hoạt động hoặc hoạt động như một bộ phận bên trong ngân hàng.
Thành lập vào năm 2015, Timo được xem là một trong những cái tên tiên phong ở mảng ngân hàng số tại Việt Nam. Ban đầu, Timo hợp tác với VPBank trước khi bắt tay với Ngân hàng Bản Việt để mang đến một trải nghiệm ngân hàng số đơn giản tới thị trường.
Theo lý thuyết, Timo không có các chi nhánh vật lý. Dù vậy, Timo vận hành mô hình trung tâm dịch vụ khách hàng theo phong cách một quán cà phê có tên HangOuts.
Trong một bài phỏng vấn với Tech in Asia, ông Jonas Eichhorst, Giám đốc tài chính Timo, nói rằng Timo tập trung vào mục tiêu giúp người dùng quản lý tài chính tốt hơn. “Ngân hàng không mạnh trong việc cung cấp các thông tin này tới người dùng”, ông nói. “Phần lớn ngân hàng không làm điều này vì không thu phí được từ nó”.
Timo không thu phí cho hầu hết các dịch vụ. Mặc dù ông Jonas Eichhorst từ chối chia sẻ về mức độ đón nhận Timo của người dùng ở bên ngoài các thành phố lớn ở Việt Nam, mô hình “ngân hàng xã hội” mà nó theo đuổi thường phù hợp hơn với người dùng trẻ ở thành thị.
Tương tự, Tnex, một ngân hàng số tại Việt Nam khác, cũng nhắm đến người dùng Gen Z và millennial. Theo ông Bryan Carroll, người đồng sáng lập và CEO Tnex, khoảng 700.000 người dùng ngân hàng số này có độ tuổi từ 18 đến 30.
Ông ước tính rằng, tới năm 2025, nhóm tuổi này sẽ chiếm 1/3 dân số trong độ tuổi lao động ở Việt Nam. “Người trẻ thường không thích trải nghiệm ngân hàng truyền thống”, ông Carroll, người từng có nhiều kinh nghiệm ngân hàng và dịch vụ số ở Mỹ, Châu Âu và Trung Đông, nói.
Ông nói thêm rằng bên cạnh các dịch vụ ngân hàng tiêu biểu, Tnex còn có các tính năng cho phép người dùng “quản lý chủ động các vấn đề sức khoẻ thể chất, tinh thần và tài chính”.
Không có gì quá ngạc nhiên khi phần lớn các ngân hàng số đều cảm thấy việc có thêm các khách hàng vốn yêu thích công nghệ là khá dễ dàng. Dù vậy, nhóm dân số chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng hoặc chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ vẫn là vấn đề then chốt trong vai trò và thành công của ngân hàng số.
Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân số chưa được ngân hàng phục vụ hoặc phục vụ một cách đầy đủ cao nhất Đông Nam Á và thậm chí là thế giới.
Theo một phân tích của Fitch Ratings, các quốc gia có “phân khúc chưa được phục vụ đầy đủ lớn và lãi suất cao” như Indonesia, Philippines và Việt Nam có thể mang đến cơ hội có lợi nhuận lớn cho các ngân hàng số. Dù vậy, báo cáo cũng chỉ ra rằng khả năng thực thi là yếu tố then chốt.
Galaxy FinX từng nói rằng nó muốn nhắm đến người dùng đại trà song việc công ty này sử dụng chiến lược gì vẫn còn là một ẩn số.
Hợp tác với những ngân hàng truyền thống
Vào tháng 9/2020, Timo tuyên bố kết thúc hợp tác với VPBank. Sau đó, VPBank ra mắt một dịch vụ đối thủ có tên YOLO. Lúc này, Timo tìm đến một đối tác ngân hàng mới là Ngân hàng Bản Việt, đồng nghĩa với việc các khách hàng muốn tiếp tục sử dụng Timo phải chuyển đổi tài khoản sang ngân hàng mới.
Mặc dù VPBank đã đóng cửa YOLO, những gì diễn ra thể hiện một mối quan hệ phức tạp giữa các ngân hàng thuần số và các đối tác ngân hàng truyền thống tại Việt Nam.
Galaxy FinX cũng đang lên kế hoạch hợp tác với một ngân hàng truyền thống ở Việt Nam. Do đó, ông Miller cho rằng việc có một khung điều hành để cấp giấy phép cho các ngân hàng thuần số là “một nhu cầu lớn”. “Nếu không, điều này hạn chế khả năng để các công ty fintech và ngân hàng số có thể phục vụ các phân khúc khách hàng mà ngân hàng truyền thống thường không hứng thú”.
Trong khi đó, các quốc gia khác trong khu vực đang tăng tốc. Đầu tháng này, Ant Group ra mắt ngân hàng số Anext ở Singapore, một năm sau khi nhận được giấy phép từ chính phủ nước này. Anext cho biết sẽ tập trung và nhóm khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ ở Singapore và trong khu vực.
Hồi tháng 5, Malaysia cũng cấp 5giấy phép ngân hàng điện tử. Cả Malaysia và Singapore đều có các yêu cầu khắt khe cho các đối tượng nhận được giấy phép này.
Dù vậy, ông Tamma Febrian, giám đốc mảng ngân hàng Châu Á Thái Bình Dương tại Fitch Ratings, nhận định rằng vẫn còn quá sớm để kết luận cách thức điều hành nào “vượt trội hơn”.
“Việt Nam có thể học từ thành công và thất bại của các quốc gia đi trước để tìm ra một môi trường điều hành vừa thúc đẩy sáng tạo vừa bảo vệ khách hàng”, ông Carroll của Tnex nói. Tnex hiện đang hợp tác cùng MSB.
Đường tới lợi nhuận
Tương tự Việt Nam, Thái Lan “không vội” gia nhập bữa tiệc ngân hàng số Đông Nam Á, Zennon Kapron, Giám đốc công ty tư vấn fintech Kapronasia, nói.
Hồi tháng 3, Ngân hàng Thái Lan (Bank of Thailand) nói đang phát triển một hướng dẫn cho ngân hàng ảo để có thể ban hành vào cuối quý này. Theo Kapron, “thời khắc đang đến” trong khi đó các ngân hàng lớn như Siam Commercial Bank và Kasikornbank cũng đẩy mạnh đầu tư số hoá.
Bức tranh cũng đang dần “lộ diện” ở Việt Nam, nơi việc đón nhận fintech mạnh mẽ đang buộc các ngân hàng truyền thống cũng phải phát triển các năng lực số của mình. Lợi thế của họ là tiềm lực về tài chính với lợi nhuận mơ ước đối với bất kỳ công ty fintech nào. Ứng dụng di động của các ngân hàng truyền thống vẫn chiếm phần lớn danh sách các ứng dụng có số lượt tải về hoặc người dùng hoạt động lớn nhất.
Năm 2021, BCG ước tính chỉ 5% ngân hàng số thế giới “đạt đến lằn ranh có lợi nhuận”. BCG cũng dự đoán mảng ngân hàng tại Việt Nam, Philippines và Indonesia sẽ đạt được tăng trưởng 2 chữ số từ năm 2019 đến 2024.
Trong số các ngân hàng số thành công ở Châu Á, Kakao Bank (Hàn Quốc) và WeBank (Trung Quốc) có thể tạo ra cảm hứng cho các ngân hàng số Đông Nam Á, theo Fitch Ratings. Kakao Bank tận dụng hơn 46 triệu người dùng hoạt động của ứng dụng nhắn tin KakaoTalk để phát triển mảng ngân hàng. Tương tự, WeBank có lợi thế từ siêu ứng dụng WeChat.
Các chuyên gia nhận định rằng ngân hàng số không thể đơn thuần cạnh tranh dựa trên các sản phẩm như chuyển tiền hay thẻ tín dụng. Họ cần “tích hợp sâu hơn vào nhu cầu và thói quen tài chính của khách hàng” và “phát triển tính trung thành của khách hàng không chỉ dựa vào giá”, Febrian của Fitch Ratings, nhận định.
Ông Carroll của Tnex cũng có cùng quan điểm. “Ngân hàng số từng cố gắng có được lòng trung thành bằng cách trả tiền khi người dùng đăng ký hoặc sử dụng”, ông nói. “Cách tiếp cận này không bền vững về tài chính”, ông chia sẻ thêm. Tnex lên kế hoạch có lãi vào năm 2025 và dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm tín dụng vào quý III năm nay.
Khi được hỏi về lợi nhuận, ông Eichhorst của Timo nói rằng “nó phụ thuộc vào mức độ quyết liệt chúng tôi muốn tăng trưởng”.
“Thực tế là bạn sẽ không thể kiếm tiền chỉ từ chuyển tiền mà từ việc bạn lôi kéo sự trung thành của khách hàng như thế nào”, ông nhận định. “Chúng tôi cũng không chỉ phụ thuộc vào mảng cho vay. Nó mang đến nhiều phần quà nhưng cũng đầy rủi ro”, ông nói thêm.
Hồi tháng 1, Timo công bố gọi vốn 20 triệu USD trong vòng gọi vốn do Square Peg dẫn dắt. Eichhorst không loại trừ khả năng công ty của ông cần gọi thêm vốn từ bên ngoài trong tương lai.
Cuộc chiến để các ngân hàng thuần số ở Việt Nam thuyết phục khách hàng rằng họ không chỉ là một nền tảng công nghệ đơn thuần sẽ cực kỳ khốc liệt.
Mặc dù là một công ty mới, Galaxy FinX có tham vọng đạt lợi nhuận trong từ 2 đến 3 năm. Về chuyển đổi số, “các ngân hàng truyền thống ở Việt Nam đang bắt kịp nhưng điều này không có nghĩa rằng đây là cuộc chơi đóng”, ông Miller nói.