Tài chính

Việt Nam có bắt kịp các nước phát triển trong thanh toán không tiếp xúc giao thông công cộng?

TIN MỚI

Việc phát triển các phương thức thanh toán trong giao thông công cộng đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng giúp tối ưu hóa hệ thống vận tải đô thị, nâng cao trải nghiệm người dùng và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Trước tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và nhu cầu di chuyển ngày càng tăng, việc áp dụng công nghệ thanh toán hiện đại không chỉ giúp người dân thuận tiện hơn khi sử dụng phương tiện công cộng mà còn giảm tải áp lực cho hệ thống giao thông.

Xu hướng tất yếu của thanh toán giao thông công cộng

Trước đây, hệ thống thanh toán giao thông công cộng tại nhiều quốc gia chủ yếu hoạt động theo mô hình closed-loop, trong đó hành khách sử dụng các loại thẻ vé chuyên dụng (stored value card) để nạp tiền và thanh toán khi đi xe buýt, tàu điện hoặc các phương tiện công cộng khác. Hệ thống này đã từng là một giải pháp hiệu quả trong giai đoạn đầu, giúp các nhà vận hành kiểm soát tốt hơn dòng tiền và lưu lượng hành khách.

Tuy nhiên, theo thời gian, mô hình closed-loop đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trước hết, thẻ vé này chỉ có thể sử dụng trong một hệ thống giao thông cụ thể, có nghĩa là nếu hành khách đi lại giữa nhiều phương tiện khác nhau, họ có thể cần sở hữu nhiều thẻ khác nhau. Ngoài ra, quá trình nạp tiền vào thẻ mất thời gian, gây ra nhiều bất tiện, đặc biệt khi hành khách không thể nạp tiền ngay tại thời điểm cần di chuyển. Hơn nữa, việc duy trì hệ thống phát hành và quản lý thẻ riêng cũng tạo ra chi phí vận hành cao cho các đơn vị quản lý giao thông công cộng.

Trước những bất cập đó, nhiều quốc gia đã chuyển đổi sang hệ thống thanh toán giao thông công cộng theo mô hình open-loop, trong đó hành khách có thể sử dụng trực tiếp thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử để thanh toán phí di chuyển. Điều này có nghĩa là chỉ với một chiếc thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng, người dân có thể sử dụng trên nhiều loại phương tiện giao thông công cộng mà không cần mua vé hoặc nạp tiền trước.

Sự chuyển đổi này mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước hết, hành khách không cần phải xếp hàng mua vé hoặc nạp tiền vào thẻ, giúp tiết kiệm thời gian và tăng tính linh hoạt trong việc di chuyển. Hơn nữa, hệ thống open-loop giảm đáng kể chi phí vận hành cho các đơn vị cung cấp dịch vụ, khi họ không cần phải phát hành thẻ vé riêng hoặc quản lý các điểm nạp tiền. Đồng thời, hệ thống này cũng tích hợp tốt với các phương thức thanh toán hiện đại giúp người dùng dễ dàng thực hiện giao dịch không tiếp xúc.

Việt Nam có bắt kịp các nước phát triển trong thanh toán không tiếp xúc giao thông công cộng?- Ảnh 1.

Hệ thống thanh toán giao thông công cộng theo mô hình open-loop đã được triển khai rộng rãi tại khá nhiều quốc gia phát triển. Chẳng hạn như tại Anh, hệ thống giao thông London từng sử dụng thẻ Oyster Card, một loại thẻ closed-loop cho phép người dân nạp tiền trước để sử dụng trên tàu điện ngầm, xe buýt và các phương tiện công cộng khác. Tuy nhiên, từ năm 2014, London đã triển khai thanh toán không tiếp xúc bằng thẻ ngân hàng, giúp người dân chỉ cần quét các loại thẻ ngân hàng là có thể di chuyển mà không cần mua vé.

Tương tự, New York (Mỹ) đã thay thế MetroCard bằng hệ thống OMNY, hỗ trợ thanh toán qua thẻ và ví điện tử. Nhật Bản cũng dần tích hợp thanh toán bằng thẻ ngân hàng và ứng dụng di động. Trong khi đó, Trung Quốc tiên phong với Alipay, WeChat Pay, cho phép người dân quét mã QR hoặc sử dụng NFC để thanh toán, thay thế hoàn toàn vé giấy.

Việt Nam phát triển hệ thống giao thông công cộng song song với phương thức thanh toán hiện đại

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, hệ thống giao thông công cộng đã có những bước chuyển mình đáng kể, đặc biệt với việc đầu tư vào các tuyến đường sắt đô thị. Tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến vận hành từ ngày 22/12/2024, là một minh chứng rõ ràng cho sự phát triển này. Tuyến metro dài 19,7 km này không chỉ giúp kết nối giao thông giữa các khu vực quan trọng mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào hệ thống vận tải công cộng.

Đáng chú ý, trong xu hướng thanh toán điện tử đang trở thành thói quen thanh toán hàng ngày của người dân Việt Nam, NAPAS đã phối hợp cùng HURC1, ngân hàng Sacombank (đóng vai trò ngân hàng thanh toán) và các ngân hàng trong hệ thống NAPAS triển khai dịch vụ thanh toán bằng thẻ NAPAS tại cổng soát vé của các nhà ga tuyến Metro 01 Bến thành – Suối Tiên.

Việt Nam có bắt kịp các nước phát triển trong thanh toán không tiếp xúc giao thông công cộng?- Ảnh 2.

Hệ thống thanh toán này sử dụng công nghệ không tiếp xúc, giúp hành khách chỉ cần chạm thẻ NAPAS vào thiết bị kiểm soát tại cổng vào (tap-in) và cổng ra (tap-out) để hoàn tất giao dịch, mà không cần mua vé trước hoặc nạp tiền vào thẻ riêng.

Theo ông Nguyễn Đăng Hùng – Phó Tổng giám đốc NAPAS: "Với lợi thế hơn 80 triệu thẻ NAPAS của 25 Ngân hàng tham gia triển khai, dịch vụ thanh toán bằng thẻ NAPAS trên tuyến Metro số 1 giúp đẩy mạnh thói quen thanh toán không tiền mặt khi tham gia giao thông, mang lại sự tiện lợi và an toàn cho hành khách tại TP. HCM, góp phần thúc đẩy giao thông xanh và bảo vệ môi trường, giảm dần hệ thống bán vé thủ công".

NAPAS cũng khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ thanh toán giao thông công cộng trên các tuyến đường sắt đô thị và xe buýt, giúp đồng bộ hóa hệ thống thanh toán và nâng cao trải nghiệm người dùng. Điều này không chỉ giúp người dân di chuyển thuận tiện hơn mà còn góp phần thúc đẩy giao thông xanh và phát triển đô thị bền vững.

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại vào giao thông công cộng là một xu hướng tất yếu, và Việt Nam đang từng bước bắt kịp xu hướng này, hướng tới một hệ thống giao thông thông minh, hiệu quả và tiện lợi cho tất cả người dân.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm