Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về lượng khí thải nhà kính và sử dụng than - nhưng cũng là nền kinh tế dẫn đầu về việc triển khai và sản xuất các công nghệ carbon thấp tính cho đến nay.
Là quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới; đồng thời cũng là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai hành tinh; và còn là nước đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng nhu cầu khí đốt toàn cầu - Trung Quốc dẫu vậy đang có được tiến bộ phá kỷ lục trong năng lượng sạch.
Ít ai có thể ngờ quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 5 thế giới này lại đạt được mục tiêu năng lượng sạch năm 2030 sớm hơn những 6 năm. Nghĩa là năm 2020, Trung Quốc đặt mục tiêu lắp đặt ít nhất 1.200 Gigawatt điện mặt trời và điện gió vào năm 2030. Đến cuối năm 2024, họ đã hoàn thành xong.
Năm 2020, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết "Trung Quốc đạt đỉnh phát thải CO2 trước năm 2030" và "đạt được mức trung hòa carbon trước năm 2060".
Động lực chính của quá trình chuyển đổi này là sự độc lập về năng lượng của Trung Quốc cũng như ứng phó với biển đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, tại sao lại là 2060 - chậm hơn 10 năm so với mục tiêu Net Zero năm 2050 của Liên Hợp Quốc nhằm giữ mức nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C?
Trước khi giải đáp vấn đề này, hãy xem hành trình Trung Quốc đến với 2 mục tiêu thể kỷ này như thế nào?
Dẫn đầu thế giới về đầu tư năng lượng sạch
Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về đầu tư năng lượng carbon thấp. Năm 2024, quốc gia này đã thu hút được 818 tỷ USD đầu tư vào năng lượng sạch—nhiều hơn tổng số vốn của Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Vương quốc Anh cộng lại. Con số này chiếm hai phần ba mức tăng đầu tư vào năng lượng sạch toàn cầu cùng năm.
Cam kết của quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới đối với năng lượng tái tạo đang định hình lại cơ cấu năng lượng của Trung Quốc. Vào tháng 6/2024, năng lượng gió và mặt trời kết hợp đã vượt qua than về công suất lắp đặt lần đầu tiên.
Chỉ riêng trong năm 2023, Trung Quốc đã lắp đặt 301 Gigawatt công suất năng lượng tái tạo bao gồm năng lượng mặt trời, gió và thủy điện - nhiều hơn tổng công suất phát điện tái tạo được lắp đặt ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới.

Ảnh chụp từ trên không của Đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Nguồn: Sipa US /Alamy
Theo phân tích của Carbon Brief, tính đến tháng 5/2024, “năng lượng sạch” đã tạo ra mức kỷ lục là 44% tổng lượng điện của Trung Quốc .
Đến đây, Trung Quốc đối mặt vấn đề mới. Bất chấp sự bùng nổ của năng lượng tái tạo, hệ thống điện của Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn để hấp thụ toàn bộ lượng điện được tạo ra.
Do đó, nước này đang trên đà giải quyết câu chuyện lưu trữ năng lượng - công cụ thu hẹp khoảng cách về mặt thời gian và địa lý giữa cung và cầu năng lượng. Đây là một công cụ quan trọng giúp Bắc Kinh cải thiện khả năng tích hợp năng lượng tái tạo.
Remi Eriksen, CEO của công ty tư vấn năng lượng DNV (Na Uy), nhận định: "Chính sách tập trung mạnh mẽ đổi mới công nghệ đang biến Trung Quốc thành cường quốc năng lượng xanh". Một trong những cải tiến này nằm trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Điện hạt nhân và SMR: Bước ngoặt cho tương lai năng lượng của Trung Quốc?
Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh vào năng lượng hạt nhân, với 29 lò phản ứng đang được xây dựng, tổng công suất 33 GW. Con số này chiếm gần một nửa tổng số dự án hạt nhân mới trên toàn thế giới.
Đến năm 2030, Trung Quốc được dự báo sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới, với công suất dự kiến đạt tới 320 Gigawatt vào năm 2050.

Hình ảnh minh họa về nhà máy điện hạt nhân. Nguồn: Praxis
Lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) là một phần quan trọng trong chiến lược hạt nhân của Trung Quốc. Lò phản ứng SMR đầu tiên của nước này, lò phản ứng làm mát bằng khí nhiệt độ cao (HTR-PM), bắt đầu hoạt động vào năm 2023. Các thiết kế SMR khác, bao gồm ACP100 và NHR200, đang được phát triển.
Các lò phản ứng nhỏ gọn này sẽ hỗ trợ sưởi ấm công nghiệp, cung cấp điện và sưởi ấm khu vực. Đến năm 2050, công suất SMR của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 35 Gigawatt, trở thành thị trường toàn cầu hàng đầu cho công nghệ hạt nhân thế hệ tiếp theo này.
Một cuộc “kéo co” năng lượng
Trong khi việc mở rộng năng lượng tái tạo và phát triển năng lượng điện hạt nhân đang rất hứa hẹn, quỹ đạo khí hậu chung của Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn. Vì sao? Quốc gia này vẫn phụ thuộc nhiều vào than và tiếp tục mở các nhà máy điện than mới.
Bất chấp sự tiến triển nhanh chóng này, than vẫn là một phần quan trọng trong hệ thống năng lượng của Trung Quốc. Quốc gia này vẫn tiêu thụ hơn 50% than của thế giới và tiếp tục xây dựng các nhà máy điện chạy bằng than mới. Vào năm 2022, Trung Quốc đã phê duyệt công suất than mới nhiều hơn 6 lần so với phần còn lại của thế giới cộng lại.

Các đoàn tàu chở than đang chờ được vận chuyển tại mỏ than Burtai ở Nội Mông. Nguồn: Cynthia Lee / Alamy Stock Photo
Sự phụ thuộc lớn vào than một phần là do lo ngại về an ninh năng lượng. Các sự kiện như căng thẳng chính trị giữa Ukraine và Nga, cùng việc thường xuyên đối mặt hạn hán gây ảnh hưởng đến thủy điện đã khiến các giải pháp thay thế như khí đốt trở nên đắt đỏ hơn.
Than vẫn là nguồn năng lượng dự phòng hỗ trợ nhu cầu điện ngày càng tăng của quốc gia này, tăng 6,8% vào năm 2024.
Tuy nhiên, mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là giảm sự phụ thuộc vào than. Chính phủ nước này đang thực hiện các chính sách để loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch trong khi vẫn đảm bảo sự ổn định về năng lượng.
Đến năm 2050, lượng khí thải của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm 70% so với mức hiện tại, đánh dấu bước tiến đáng kể trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của nước này.
Một siêu cường năng lượng tái tạo?
Quá trình chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc đang ở bước ngoặt quan trọng. Các khoản đầu tư và thay đổi chính sách của quốc gia này cho thấy cam kết mạnh mẽ đối với năng lượng sạch.
Đến năm 2030, tổng mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt đỉnh và sau đó giảm 20% vào năm 2050 do hiệu quả và điện khí hóa được cải thiện.
Theo các chuyên gia quốc tế, việc Trung Quốc đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 - chậm hơn mục tiêu của Liên Hợp Quốc (cũng như cam kết của các quốc gia khác) 10 năm là bởi:
Các nhà khoa học cho biết, để giữ thế giới trong ngưỡng 2 độ C, lượng khí thải toàn cầu phải bắt đầu giảm mạnh trong thập kỷ này và thế giới phải thực sự trung hòa carbon – không thải ra nhiều carbon hơn lượng có thể loại bỏ khỏi khí quyển – vào khoảng thời điểm giữa thế kỷ (2050).
Điều này thường được hiểu là các nước giàu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và các nước đang phát triển trong thập kỷ tiếp theo - năm 2060, The Guardian đưa tin sau cam kết mạnh mẽ của ông Tập Cận Bình trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2020.
"Mục tiêu trung hòa carbon của Trung Quốc hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế. Với việc Trung Quốc và EU đều đặt ra các mục tiêu mạnh mẽ hơn, bức tranh về cách thế giới có thể đạt được các mục tiêu dài hạn của Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu trở nên rõ ràng và khả thi hơn nhiều" - Richard Baron, CEO của 2050 Pathways Platform (sáng kiến đưa ra sau Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2016 - COP22) cho biết.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc đặt mục tiêu rõ ràng rằng đến năm 2026, riêng công suất điện mặt trời dự kiến sẽ vượt qua than để trở thành nguồn năng lượng hàng đầu của Trung Quốc, với công suất dự kiến là 1,38 Terawatt - nhiều hơn than 150 GW.
Vừa phải độc lập về năng lượng, vừa phải chiến đấu với hạn hán/biến đổi khí hậu và phải giải quyết bài toán lưu trữ năng lượng, Trung Quốc hơn bao giờ hết cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch nhằm đạt được 2 mục tiêu thế kỷ đã đề ra.
Tham khảo: The Guardian, Carbon Credit, Carbon Brief