Điểm nghẽn pháp lý
Mới đây, J. Wagner GmbH (Đức), Công ty con của Tập đoàn WAGNER, nhà sản xuất thiết bị và hệ thống quốc tế cho ứng dụng chất phủ bột và chất lỏng, sơn và các vật liệu lỏng khác đã thuê nhà xưởng diện tích 8.549m2 tại khu chế xuất Linh Trung I, TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Ông Frederic Biondi, Tổng Giám đốc của J. Wagner chia sẻ rằng, công ty đã tìm hiểu kỹ các thị trường công nghiệp ở Thái Lan, Malaysia và Việt Nam cho nhà máy mới ở Đông Nam Á. Cuối cùng, công ty đã chọn Việt Nam chính vì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Hay như trước đó, ở Bình Dương, khu công nghiệp VSIP 3 dù mới khởi công chưa lâu nhưng đã thu hút hơn 30 tập đoàn và công ty quan tâm tìm hiểu. Đáng chú ý là Tập đoàn Lego đã thuê hơn 44ha đất với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD. Tương tự, thị trường Long An cũng đón nhận dự án nhà máy Coca-Cola với giá trị hơn 136 triệu USD trên diện tích 19ha tại khu công nghiệp An Phú Thạnh.
Khu chế xuất Linh Trung, TP. Thủ Đức. Ảnh: Vũ Phạm
Có thể nói, chính sách Trung Quốc +1, Hàn Quốc và Nhật Bản hướng Đông đang đặt Việt Nam vào vị thế ưu tiên trong mắt khách thuê. Đồng thời, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp như Intel, Foxconn, Goertel… sẽ góp phần tạo động lực cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam.
Tuy vậy, thị trường BĐS Việt Nam nói chung và BĐS công nghiệp nói riêng vẫn còn đó những điểm nghẽn cần được khơi thông, nhất là vấn đề về pháp lý.
Chuyên gia Sử Ngọc Khương của Savills Việt Nam nhìn nhận, từ góc độ quản lý, chính quyền, nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý để dự án có thể thực hiện nhanh chóng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và tăng lợi ích cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài mới tham gia thị trường chỉ được thực hiện dự án sau khi đóng tiền sử dụng đất và có giấy phép xây dựng. Vì vậy, với những doanh nghiệp này, thủ tục pháp lý là điều quan trọng nhất để xem xét trước khi đầu tư.
"Việc thực hiện đầu tư quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và giá bán cao sẽ không phù hợp với đại bộ phận người dân. Tình trạng này làm giảm nguồn cung trên thị trường và đặc biệt là trong lĩnh vực nhà ở, khi nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp và nhà ở thương mại luôn được đặt ra hàng đầu đối với các thành phố lớn", ông Khương nói và cho biết, các đô thị lớn trong khu vực như Bangkok, Jakarta, Singapore… đều đang phải đối diện với vấn đề này và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Vị chuyên gia này cho rằng, vấn đề pháp lý là nguyên nhân lớn nhất làm giảm sức hút của thị trường BĐS Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng và giảm lãi suất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, pháp lý vẫn là gốc rễ của vấn đề này và làm mất đi sự cạnh tranh trong việc thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào thị trường.
"Để trở thành điểm thu hút đầu tư lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cần thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường. Điều này liên quan đến các phân khúc chủ đạo như nhà ở, bán lẻ, văn phòng, công nghiệp... và cần phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để đầu tư vào các sản phẩm này", ông Khương lưu ý và nói thêm, ngoài nguồn lực của nhân dân và Chính phủ, lực đỡ từ FDI cũng rất lớn để giúp cho nền kinh tế nước ta phát triển.
Những tín hiệu tích cực
Giữa tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, Ngân hàng Nhà nước cũng như nhiều doanh nghiệp BĐS lớn trong nước.
Cùng với đó, trong thời gian gần đây, Chính phủ cũng đưa ra nhiều chỉ đạo nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn đến thị trường BĐS, từ đó có những giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường tiếp tục phát triển bền vững và lành mạnh. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với ngành BĐS và xem BĐS là một trong những ngành kinh tế đặc biệt quan trọng.
Theo ông Khương, đây là một trong những tín hiệu tích cực và đáng kỳ vọng cho các doanh nghiệp BĐS trong bối cảnh hiện nay. Hay như gần đây, TP.HCM cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp để tìm ra những khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan dự án bất động sản, đền bù, giải tỏa, phê duyệt quy hoạch…
"Vấn đề lớn của chúng ta là hành lang pháp lý chồng chéo giữa các luật. Nếu vấn đề này không thể được giải quyết bằng luật hiện hành thì phải trình Quốc hội thông qua các luật mới và điều này sẽ mất rất nhiều thời gian", ông Khương đánh giá và cho rằng, về vấn đề vướng mắc pháp lý cần có góc nhìn tổng quan và hướng giải quyết tổng thể, đặc biệt trong những trường hợp cần thiết.