Thanh khoản liên tục tụt áp, xuống mức thấp nhất 3 tháng
Sau khi thị trường bị bán mạnh vào ngày 22/9, những phiên giao dịch với giá trị mua bán tỷ USD vắng bóng. Dòng tiền èo uột, quy mô mua bán càng thấp dần. Đặc biệt trong những ngày chỉ số biến động trong biên độ hẹp, cả hai bên mua bán đều thận trọng kéo giá trị giao dịch xuống thấp.
Điển hình trong phiên hôm nay 2/10, VN-Index lình xình và đóng cửa với tăng 1,1 điểm, lên 1.155 điểm, thanh khoản là chú ý được quan tâm nhất. Giá trị khớp lệnh trong phiên mở màn quý IV chỉ đạt 10.050 tỷ đồng (tương ứng với 465,5 triệu đơn vị), giảm phiên thứ 4 liên tiếp (đạt 19.894 tại 26/9).
Tổng giá trị giao dịch (bao gồm khớp lệnh và thỏa thuận) giảm phiên thứ 6 liên tiếp (đạt trên 32.333 tỷ đồng tại 22/9) về mức 11.505 tỷ đồng. Theo quan sát, đây là phiên thanh khoản thấp nhất kể từ ngày 26/5 (tổng giá trị giao dịch 10.889 tỷ đồng trên HOSE).
Trước đó, thanh khoản thị trường bắt đầu tăng tốc từ cuối tháng 7, liên tiếp xuất hiện những phiên giao dịch tỷ đô (đạt trên 24.000 tỷ đồng). Diễn biến này tiếp tục kéo dài qua tháng 8 và tháng 9, nâng nền thanh khoản bình quân phiên vượt 20.000 tỷ đồng, thậm chí có những phiên vượt 30.000 tỷ đồng (18/8, 11/9 và 22/9).
Nếu so với mức bình quân gần 22.900 tỷ đồng trên sàn HOSE trong 1 tháng gần đây, giá trị giao dịch phiên hôm nay chỉ bằng một nửa.
Vì sao dòng tiền dè dặt với kênh chứng khoán?
Lý giải về sự hạ nhiệt gần đây của thanh khoản thị trường, ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc khối Phân tích Công ty Tư vấn và Quản lý gia sản FIDT nhận định yếu tố ảnh hưởng lớn nhất là tâm lý.
Các thông tin Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu, áp lực tỷ giá, con số tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng là nguyên nhân suy yếu cho những phiên cuối tháng 9 và tác động đến tâm lý ngắn hạn của thị trường. Thị trường thẩm thấu song không có nhiều thông tin hỗ trợ hay kỳ vọng mới xuất hiện. Trong khi đó, thông tin quốc tế cũng không mấy sáng sủa khi Fed chưa có động thái rõ ràng cho việc giảm lãi suất, giá vàng lao dốc gần đây.
Đến phiên 2/10, trạng thái nhà đầu tư đã ổn định hơn sau giai đoạn khoảng 1 tuần giảm mạnh trước đó, nên áp lực bán ra không mạnh, dứt khoát. Tuy nhiên, tâm lý chung vẫn không cải thiện nhiều, nhà đầu tư gặp nhiều phân vân, thể hiện biến động hẹp trong phiên và lực mua không dứt khoát.
Liên quan tới diễn biến này, ông Phương cho rằng cần nhìn nhận thị trường theo hai kịch bản trong thời gian tới. Thứ nhất, thị trường sẽ đi ngang tích lũy với thanh khoản thấp trước khi trở lại xu hướng đi lên. Kịch bản thứ hai với xác suất thấp hơn, thị trường sẽ gặp các phiên giảm mạnh và thanh khoản tăng đột biến thu hút cầu vào. Sau khi hấp thu cung xong, chứng khoán sẽ tạo đáy ngắn hạn và đi lên.
"Dù ở kịch bản nào, thị trường chung vẫn sẽ theo xu hướng tăng trưởng trung hạn nhờ vào nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi, với chính sách tiền tệ và tài khoản đồng bộ hỗ trợ", đại diện của FIDT đưa quan điểm.
Nếu nhìn lại giai đoạn trước khi thị trường bước vào nhịp tăng mạnh và thanh khoản bùng nổ (tháng 5 và 6), việc xuất hiện dồn dập những thông tin tích cực xuất hiện như giảm lãi suất điều hành, tháo gỡ vướng mắc về trái phiếu doanh nghiệp cộng với nền giá cổ phiếu thấp đã kích thích dòng tiền trở lại thị trường.
Trong khi ở giai đoạn hiện tại, bên cạnh loạt thông tin không mấy khả quan như kể trên, thị trường còn chịu áp lực bán từ khối ngoại, tổ chức trong nước và bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán. Nhà đầu tư cá nhân trong nước là bên mua duy nhất, trở thành lực cầu đối ứng.
Với diễn biến như hiện nay, khối phân tích của các công ty chứng khoán vẫn đưa ra quan điểm tương đối thận trọng. Ở vị thế ngắn hạn, nhà đầu tư được khuyến nghị giao dịch với tỷ trọng cổ phiếu thấp (15 - 20% tài khoản). Trong khi ở vị thế trung và dài hạn, nhà đầu tư có thể quan sát diễn biến giá và gia tăng tỷ trọng với cổ phiếu doanh nghiệp được dự báo khả quan.
Thị trường sẽ bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý III trong hai tuần tới. Do vậy, một bộ phận nhà đầu tư quyết định chờ đợi thêm cho đến khi câu chuyện kinh doanh ngã ngũ với những dữ liệu cụ thể thay vì kỳ vọng như giai đoạn trước đó. Kịch bản thị trường không có thông tin thực sự đột biến theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực, tâm lý chờ đợi thêm có thể khiến chuỗi phiên thanh khoản thấp được nối dài.