Ngày 24/11 vừa qua, tức ngày mùng 1/11 âm lịch, trên đỉnh núi Bà Đen xuất hiện đám mây cuồn cuộn vần vũ hình "đĩa bay" gây thích thú với nhiều người. Được biết, đây là hiện tượng mây thấu kính, không chỉ là những đường mây hình tròn phủ lấy đỉnh núi mà mây còn xếp tầng rất hiếm gặp. Bởi chúng chỉ xuất hiện ở những ngọn núi đạt đủ độ cao và độ lạnh.
Tuy nhiên, việc hiện tượng mây thấu kính này xuất hiện tại núi Bà Đen lại càng khiến nhiều tò mò và ngạc nhiên hơn. Núi Bà Đen là nơi như thế nào mà khiến du khách cảm thấy mây thấu kính xuất hiện ở đây lại kỳ diệu như vậy?
Núi Bà Đen, một ngọn núi hùng vĩ nằm trong quần thể di tích văn hóa lịch sử núi Bà Đen tại Tây Ninh. Nơi đây thu hút nhiều du khách khắp mọi miền đất nước bởi phong cảnh hữu tình và chất chứa nhiều huyền thoại đặc sắc.
"Đệ nhất thiên sơn"
Núi Bà Đen cao 986m, là ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ, được mệnh danh là "Đệ nhất thiên sơn". Nằm cách trung tâm thành phố 11km về phía Đông Bắc, núi Bà Đen thuộc xã Thạnh Tân là biểu tượng cho con người và vùng đất thiêng liêng Tây Ninh.
Khu du lịch nổi tiếng nhiều cái nhất
Núi Bà Đen có diện tích 24km2 được tạo nên từ ba dãy núi Heo - núi Phụng và núi Bà Đen. Nơi đây thu hút hàng vạn khách du lịch thập phương không chỉ bởi phong cảnh non nước hữu tình mà còn là địa điểm hành hương gửi gắm niềm tin của nhiều người với hệ thống chùa Trung, chùa Bà và chùa Hang.
Tại khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen, các hạng mục được đầu tư lớn, trong đó có hệ thống cáp treo từ chân núi lên đỉnh núi Bà Đen với hai tuyến cáp với chiều dài 1.847m chỉ trong vòng 8 phút (từ chân núi lên đỉnh núi) và 1.210m chỉ trong 5 phút (chân núi lên chùa Bà Đen).
Điểm đặc sắc là ga Bà Đen có diện tích lên tới gần 11.000m2. Tổ chức Kỷ lúc Thế giới Guinness đã công nhận đây là "Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới".
Không chỉ vậy, Tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn - Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh Bà Đen là điểm thu hút nhiều khách đến chiêm bái. Bức tượng Phật Bà dựa trên nguyên mẫu tượng Phật thời Lê, đứng uy nghiêm trên đài sen bằng đồng với tổng chiều cao 72m, được đúc bởi hơn 170 tấn đồng đỏ theo kỹ thuật cao.
Xung quanh tượng Phật Bà là bốn bức tượng Tứ Đại Thiên Vương uy vũ và trang nghiêm. Tượng Phật Bà tại núi Bà Đen được xác lập kỷ lục "Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Châu Á tọa lạc trên đỉnh núi" do tổ chức Kỷ lục Châu Á trao tặng. Đồng thời, công trình kỹ vĩ này cũng được Kỷ lục Việt Nam trao tặng kỷ lục "Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi".
@tien.levy
Du khách khi đến đây sẽ có nhiều hoạt động tham quan như viếng chùa núi Bà, tham gia ngày hội vía Bà vào ngày 4/5 âm lịch, tham quan tượng Phật Bà bằng đồng, check-in cột mốc trên đỉnh núi, săn mây hay nhà ga Vân Sơn,...
Cất giấu huyền thoại kỳ bí
Người ta luôn thắc mắc tại sao lại gọi là Bà Đen. Theo cuốn Gia Định Thành Công Chí có dẫn, tên gốc của núi Bà Đen là Bà Dinh. Đến khoảng thế kỷ XVII, xuất hiện tên núi Bà Đênh, sau gọi trại thành ra núi Bà Đen.
Đằng sau cái tên ấy là cả một giai thoại ly kỳ dẫn dắt chúng ta về với nguồn xưa, nhất là câu chuyện của người con gái vì giữ lòng trung trinh mà tử tiết thời Tây Sơn.
@doanminhhai
Chuyện người con gái trung trinh
Cũng theo Gia Định Thành Công Chí, Chuyện kể rằng, triều Nguyễn xưa có một người con gái tên Lý Thị Thiên Hương, con vị quan trấn nhậm Trảng Bàng. Một lần nọ, nàng lên chùa trên núi cúng dường thì gặp phải kẻ xấu vây khốn, toan hãm hiếp. Đúng lúc ấy, có một chàng trai xông ra đánh đuổi cứu nàng Hương.
Chàng trai ấy, tên là Lê Sĩ Triệt, mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng lại văn võ song toàn. Đáp ơn cứu thân, cha mẹ nàng đã hứa gả nàng cho chàng trai họ Lê nọ. Một ngày lên chùa cúng, dường như nàng đã dồn hết may mắn của mình vào lần trước để gặp được chàng trai Lê Sĩ Triệt cứu mạng, lần này gặp phải kẻ hung hãn áp bức cũng toan làm vấy bẩn nàng. Nàng Hương vì giữ lòng trung trinh của mình mà nhảy xuống khe núi để thủ tiết.
Thuyết xưa có nói, sau khi nàng chết đã hiển linh báo mộng cho vị sư trụ trì trên núi. Trong mộng khi ấy, nàng hiện thân trong hình dáng đen tuyền. Vị sư đi tìm thi thể của nàng về mai táng cẩn thận. Từ ấy, vị sự gọi là nàng Đen. Người đời sau để tỏ lòng tôn kính tấm lòng của nàng mà gọi là Bà Đen. Núi Bà Đen vì nguyên cớ ấy mà ra.
Quả "dua" cứu đói chúa Nguyễn
Núi Bà Đen còn xuất hiện trong cuốn Sự Tích Thánh Mẫu Phật Bà Tây Ninh rằng: Xưa kia khi viên quan trấn thủ mới đến vùng đất này khai hoang có mang theo hai người con. Con trai tên Thạch Biên. Con gái tên Thạch Nương, thường gọi là Đênh.
Năm nàng Đênh 13 tuổi, lúc ấy có một nhà sư hiệu Trừng Thanh tìm đến lưng chừng núi dựng chùa thờ Phật. Cảm thấy giác ngộ, một lòng muốn đi tu không muốn lấy chồng, nên nàng xin theo nhà sư để học đạo. Cũng lúc ấy, cha mẹ đã tìm người mai mối để gả chồng cho nàng Đênh. Gần đến ngày cưới thì phát hiện nàng mất tích. Tìm kiếm khắp nơi mà chỉ tìm thấy một khúc chân nghi là của nàng Đênh. Dân làng khi ấy đồn đoán nàng bị cọp vồ. Gia đình lập nấm mộ cho nàng và chôn khúc chân dưới núi.
Sau này, khi chúa Nguyễn Ánh chạy trốn quân Tây Sơn, chạy đến núi Bà Đen tìm nơi trú ẩn. Sức cùng lực kiệt, chúa lẫn lính đều đói lả. Trong cơn tuyệt vọng, nghĩ đến sự linh thiêng của bà Đênh, chúa đã khẩn xin phò trợ.
Ngay đêm ấy, chúa nằm mộng thấy bà xuất hiện. Bà truyền rằng Nguyễn Ánh đang nằm dưới gốc một loại cây có quả có thể cứu đói quân lính. Vội thức giấc, chúa trông lên cành cây thấy nhiều quả nhỏ chi chít. Hái xuống ăn thấy vị quả ngon, chúa truyền cho lính hái quả ăn cho qua cơn đói khát. Loại quả cứu đói này chúa gọi là quả dua (vua). Năm 1790, người quay trở lại nơi này cất lại điện thờ và đúc tượng, sau đó sắc phong Linh Sơn Điện và phong bà là Linh Sơn Thánh Mẫu.
***
Dù những câu chuyện trong huyền thoại mang nhiều màu sắc kỳ bí đan xen nhiều yếu tố hư hư thực thực nhưng núi Bà Đen vẫn là một địa điểm du lịch tâm linh được nhiều người tìm đến để gửi gắm niềm tin và ngắm nhìn phong cảnh.
Núi Bà Đen cũng là một trong những biểu tượng cho mảnh đất và con người Tây Ninh, ngày càng tô vẽ thêm cho nơi đây sự đẹp đẽ và phồn vinh.