Ngày 25.4, Hội Tĩnh mạch học TP.HCM phát động chiến dịch "Khởi động nhẹ nhàng - bước chân vững vàng" với thông điệp chăm sóc sức khỏe đôi chân, bắt đầu từ nhân viên y tế.
Cùng ngày, Hội Tĩnh mạch học TP.HCM phối hợp Bệnh viện Quốc tế Minh Anh tổ chức hội thảo về chủ đề này, nhằm nâng cao nhận thức về bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chân cho các nhân viên y tế.
PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM cho biết, suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý phổ biến ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân. Trong đó có các nhân viên y tế, những người đứng lâu, ngồi nhiều, ít vận động.

Một trường hợp suy giãn tĩnh mạch được điều trị hiệu quả
ẢNH: BSCC
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học năm 2023 của nhóm tác giả Bệnh viện Lão khoa Trung ương cung cấp số liệu đáng báo động. Theo đó, có 69% nhân viên y tế tại bệnh viện có các triệu chứng lâm sàng của suy giãn tĩnh mạch. 48% có dòng trào ngược tĩnh mạch trên siêu âm doppler. Nhưng chỉ có 19,7% nhân viên y tế cho biết họ hiểu rõ về bệnh lý này; 61% chỉ biết sơ qua và số còn lại hoàn toàn chưa biết.
"Điều này cho thấy khoảng trống nhận thức nghiêm trọng về bệnh ngay trong chính lực lượng chăm sóc sức khỏe", PGS-TS Nguyễn Hoài Nam nhận định
Do vậy, chiến dịch "Khởi động nhẹ nhàng - bước chân vững vàng" với 2 mục tiêu chính. Thứ nhất nâng cao nhận thức nhân viên y tế về bệnh suy giãn tĩnh mạch chân với các triệu chứng và tác hại. Thứ hai, tăng cường chuyên môn cho bác sĩ lâm sàng.
Tại hội thảo, PGS-TS Đỗ Kim Quế, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, kiêm Phó chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM thông tin thêm, có nhiều yếu tố nguy cơ gây mắc suy giãn tĩnh mạch, gồm: Tiền sử gia đình, tuổi cao, người có thai, người phải đứng lâu, ngồi nhiều, béo phì, chế độ ăn.
Trong đó, người làm nghề đứng lâu, ngồi nhiều như dược sĩ, bác sĩ có yếu tố nguy cơ cao gây suy giãn tĩnh mạch. Nguyên nhân là khi đứng hoặc ngồi lâu thì máu trong tĩnh mạch chân sẽ bị dồn xuống và ứ lại, làm tăng áp lực trong những tĩnh mạch, gây khó khăn trong việc đưa máu trở về tim. Lâu ngày sẽ làm tổn thương van, khi đó bệnh giãn tĩnh mạch chân sẽ xảy ra.
Một nghiên cứu vào năm 2011 tại Việt Nam cho thấy có 17 triệu người bị suy giãn tĩnh mạch, trong đó nữ chiếm 84%, nhưng tỷ lệ được điều trị còn hạn chế. Điều này gây ảnh hưởng chất lượng sống của người bệnh.
Các chuyên gia cảnh báo suy giãn tĩnh mạch không chỉ là vấn đề thẩm mỹ hay chất lượng cuộc sống mà còn làm gia tăng biến cố tim mạch, tử vong. Do đó, cần có điều trị tích cực bằng nội khoa, thay đổi lối sống, vớ tất y khoa…
Biểu hiện suy giãn tĩnh mạch chân
Khi mắc suy giãn tĩnh mạch chân ở giai đoạn đầu người bệnh có biểu hiện mỏi chân và xuất hiện phù nhẹ khi phải đứng lâu, ngồi nhiều.
Vào buổi tối hay bị chuột rút, cảm giác bị kim châm, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm. Xuất hiện nhiều mạch máu nhỏ li ti ở chân, nhất là ở cổ chân và bàn chân.
Ở giai đoạn tiến triển người bệnh có biểu hiện phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân. Thay đổi màu sắc da vùng cẳng chân và có thể thấy các búi tĩnh mạch giãn nổi rõ trên da.
Nếu không được điều trị ở giai đoạn biến chứng, người bệnh sẽ bị viêm tĩnh mạch nông huyết khối. Chảy máu do giãn vỡ tĩnh mạch. Nhiễm khuẩn vết loét trong suy tĩnh mạch mạn tính.
Nguồn: Sở Y tế TP.HCM