
Chủ tịch HĐQT Digiworld Đoàn Hồng Việt. (Ảnh chụp màn hình).
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của CTCP Thế giới số (Digiworld - Mã: DGW) diễn ra sáng 25/4, Chủ tịch HĐQT Đoàn Hồng Việt cho biết công ty đã thoái vốn khỏi Chuỗi cầm đồ VietMoney.
Trước đó, hồi đầu năm nay HĐQT DGW đã thông qua việc Công ty Digiworld Venture do DGW làm chủ sở hữu 100% vốn sẽ được tách thành hai công ty, trong đó Digiworld sẽ chuyển một phần vốn điều lệ cùng tài sản, quyền và nghĩa vụ tương ứng để thành lập công ty mới có tên Công ty TNHH MTV Nexta Capital.
Hiện tại, Digiworld Venture chỉ còn một công ty con là CTCP Việt Money - đơn vị sở hữu chuỗi cầm đồ VietMoney. Còn Công ty Nexta Capital vẫn đang nắm giữ các khoản đầu tư của DGW như vào Achison - đơn vị phân phối hàng bảo hộ lao động và công nghiệp,...
Tai đại hội, ông Việt cho biết trong quý I/2025 công ty đã thoái 81% vốn khỏi Digiworld Venture đồng nghĩa khẳng định CTCP Việt Money chỉ còn là công ty liên kết với DGW với tỷ lệ nắm giữ gián tiếp chỉ còn 19% vốn.
"Một trong những lý do thoái vốn là việc triển khai các sản phẩm cũ gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các đơn vị phân phối hàng secondhand (điện thoại cũ, máy tính cũ,...) kinh doanh linh hoạt hơn, thường sẽ không tuân thủ chặt chẽ quy định, nộp thuế nhà nước,... Trong khi DGW chúng tôi luôn đặt tuân thủ quy định nhà nước lên hàng đầu", Chủ tịch Đoàn Hồng Việt chia sẻ.

Chuỗi cầm đồ VietMoney. (Ảnh: VietMoney).
Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CTCP Việt Money có vốn điều lệ ban đầu là 9 tỷ đồng. Trong đó, ông Trịnh Văn Phương góp 55% lệ, ông Lý Hoàng Tuấn góp 40%, ông Lê Quang Vũ góp 5%. Cập nhật mới nhất tháng 11/2024, công ty điều chỉnh vốn điều lệ, tăng từ 92 tỷ đồng lên hơn 125 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Quý IV/2023, Digiworld đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Chuỗi cầm đồ VietMoney lên 72,8% vốn, thông tin tại sự kiện gặp gỡ trực tuyến với nhà đầu tư hồi tháng 2/2024.
Khi đó, theo ông Đoàn Hồng Việt, mục đích M&A VietMoney là do công ty này có thể kinh doanh các sản phẩm secondhand (hàng đã qua sử dụng). Vị Chủ tịch đánh giá thị trường điện thoại và laptop secondhand là khá lớn, và hiện chưa có doanh nghiệp lớn nào tham gia vào phân khúc này.
"Thống kê của các nhà mạng cho thấy, tại cùng một thời điểm, có hơn 40% thiết bị đang kết nối mạng là điện thoại iPhone, trong đó iPhone bán mới chỉ chiếm 13% - 18% tùy từng quý. Như vậy các iPhone cũ đang hòa mạng gấp đôi lượng máy mới được bán hằng năm. Dòng điện thoại này có vòng đời khoảng 6 năm, và khoảng 2 - 3 năm người dùng sẽ đổi máy mới. Do đó tôi đánh giá thị trường secondhand khá lớn", Chủ tịch Digiworld thông tin hồi tháng 2/2024.
Chia sẻ về lý do thành lập VietMoney, ông Trịnh Văn Phương, cựu Tổng Giám đốc VietMoney từng cho rằng, ai cũng có nhu cầu cần gấp một khoản tiền trong ngắn hạn, song, không phải ai cũng muốn hỏi mượn tiền từ người thân, bạn bè. Nếu gõ cửa ngân hàng hay các công ty tài chính, mọi người cần nhiều thủ tục phức tạp mà thời gian xử lý không thể trong 1-2 ngày, hơn nữa không phải ai cũng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu vay vốn dù bạn có tài sản cá nhân.
“Nhu cầu thiết thực này hiện chỉ được đáp ứng ở các tiệm cầm đồ truyền thống hay thậm chí là hoạt động cho vay xã hội bên ngoài, vốn chứa đựng rất nhiều rủi ro cho người đi vay. Khai thác trong phân khúc này với muốn xây dựng một kênh tài chính an toàn, một giải pháp tiện lợi cho khách hàng cá nhân, đó là lý do công ty”, ông Phương nói.
Ngoài ra, việc biên lợi nhuận của các sản phẩm secondhand cũng cao hơn máy mới cũng là một trong những lý do để Digiworld gia nhập vào lĩnh vực này.
Thế nhưng, sau vài năm đầu tư vào VietMoney, kết quả kinh doanh của chuỗi cửa hàng không như kỳ vọng.
Tại buổi gặp nhà đầu tư diễn ra tháng 8/2024, phía Digiworld cho biết doanh số trung bình hàng tháng của mỗi cửa hàng thuộc chuỗi VietMoney trong nửa đầu năm 2024 là 2 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số 16 cửa hàng của VietMoney, 14 cửa hàng ghi nhận mức lợi nhuận nhẹ ở cấp cửa hàng, trong khi 2 cửa hàng còn lại vẫn đang lỗ.
Tính chung toàn bộ chuỗi thì VietMoney ghi nhận mức lỗ bình quân là 1 tỷ đồng/tháng, chủ yếu do gia tăng chi phí mặt bằng. Khi đó, ban lãnh đạo dự kiến chuỗi VietMoney sẽ tiếp tục lỗ trong những tháng còn lại của năm 2024. Chuỗi cầm đồ này được dự báo có thể đạt mức lãi ở cấp độ toàn chuỗi khi doanh số/cửa hàng/tháng ở mức 2,5 tỷ đồng.