Thuế, phí ngốn hết lợi nhuận
Chị Trịnh Quỳnh (40 tuổi, ngụ tại P.Mạo Khê, Quảng Ninh) thừa nhận kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) không còn "ngon" nữa. Chị đã bán hàng trên sàn 8 năm, từ thời tập tành thiết kế một gian hàng trên Shopee, mọi thứ đều dễ dàng, chi phí hay các yêu cầu đều rất đơn giản. "Nhưng bây giờ thuế tăng, phí tăng, cước vận chuyển tăng, yêu cầu về nguồn gốc, chứng minh xuất xứ hàng hóa, chăm sóc khách hàng các kiểu… khiến tôi rất mệt mỏi trong khi doanh thu giảm đi đáng kể", chị nói. Đó cũng là chia sẻ của nhiều chủ shop với PV Thanh Niên.

Nhu cầu mua sắm qua TMĐT vẫn phát triển mạnh trong thời gian tới
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Từng khởi nghiệp kinh doanh qua sàn với mặt hàng đầu tiên là bánh tráng trộn, chị Nguyễn Phương Quyên (43 tuổi, ngụ P.Đông Hưng Thuận, TP.HCM), kể: "Mình từng bỏ việc làm công ăn lương để kinh doanh vì nghĩ sẽ được làm chủ. Nhưng đến giờ này thì mình thấy sai rồi, vẫn là làm công ăn lương cho sàn TMĐT, mà còn thua nhân viên công sở là không được hưởng chế độ chính sách bảo hiểm nào. Trước làm nhân viên, lương mỗi tháng 30 triệu đồng. Tập tành đi học khóa bán hàng qua sàn, đến nay ngồi tổng kết lại thì đang nợ 300 triệu đồng".
Cùng chung hoàn cảnh, anh Hồ Hiếu Minh, ngụ tại Cà Mau, mệt mỏi nói: "Nếu bạn là người tạo ra sản phẩm thì bạn là chủ đối với các sàn TMĐT, còn không, bạn chỉ là người đi bán hàng hộ cho sàn và hưởng lợi nhuận ít ỏi trên sản phẩm. Qua rồi cái thời sàn TMĐT cần đến chủ shop. Bây giờ lên Shopee, TikTok chỉ còn các hãng xưởng lớn, hoặc hot girl, người nổi tiếng có lượng theo dõi lớn, thực hiện livestream để bán đơn ngoài. Những chủ shop nhỏ lẻ như tôi nhiều khi bán hàng mà âm vốn".
Lý giải cho tình trạng càng bán càng lỗ, chị Huỳnh Thanh Quỳnh, một chủ shop online tại Đắk Lắk, cho biết: "Bán hàng qua mạng hiện nay không dễ dàng nữa, phí tăng, vận chuyển thì người bán chịu hoặc chia sẻ với khách. Nhưng trên sàn thì kiểu người nào cũng có, khách lừa hàng, bom hàng, dùng chán rồi trả. Hàng không nhận bảo hành nhưng khách dùng nhiều ngày sau đó tự làm rơi vỡ cũng trả hàng. Có người mua quần áo để mặc đi đám tiệc xong rồi trả lại shop, trên áo còn nồng nặc mùi nước hoa. Những trường hợp này xem như shop lỗ vốn vì còn bán cho ai được nữa. Các sàn TMĐT như Shopee, TikTok là trung gian nhưng gần như không bảo vệ shop trong trường hợp này. Người mua bom hàng không bị xử lý gì cả, không bị khóa tài khoản trong khi chỉ cần shop lớn tiếng với khách thì bị khóa ngay. Nói không phải quá lời chứ hiện nay bán hàng trên sàn chẳng khác gì đi làm thuê cho chủ. Sàn yêu cầu phải gửi hàng đúng giờ, đóng hàng sai còn bị phạt, nói chuyện với khách phải nhẹ nhàng, trong khi thuế mỗi ngày một tăng. Trước đây tôi bán hàng thu lợi nhuận 200 - 300 triệu đồng mỗi tháng, giờ chỉ còn lời 20 - 30 triệu đồng. Tôi đang định nghỉ bán vì không đủ tiền thuê kho, giá trên sàn thì cạnh tranh quá, không còn lợi nhuận nữa".

Xu hướng bán hàng qua hình thức livestream kết hợp giải trí được người tiêu dùng ưa chuộng
ẢNH: NVCC
Doanh số vẫn tăng dù người bán rời đi
Theo báo cáo của nền tảng dữ liệu thông minh Metric mới công bố, thị trường sàn bán lẻ trực tuyến nửa đầu năm 2025 vẫn đang tăng trưởng tích cực, trong đó tổng doanh số toàn thị trường TMĐT VN trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop đạt 202.300 tỉ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm 2024. Số lượng đạt 1.923 triệu sản phẩm, tăng 25,44% so với cùng kỳ năm 2024.
Tuy nhiên, ngược lại với sự tăng trưởng của các mall (công ty có nhà xưởng sản xuất hàng hóa số lượng lớn), số nhà bán lẻ (shop) phát sinh đơn hàng tiếp tục giảm mạnh. Nửa năm qua có hơn 80.000 shop rời cuộc chơi trên các sàn TMĐT.
Theo Metric, những con số trên cho thấy thị trường TMĐT đang bước vào giai đoạn sàng lọc khốc liệt, khi xu hướng dần nghiêng về phía các nhà bán hàng lớn, chính hãng (shop mall). Các shop mall dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số nhà bán nhưng lại đóng góp phần lớn doanh thu. Như vậy có thể thấy xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đang dịch chuyển mạnh về các thương hiệu uy tín. Điều này phản ánh tâm lý tiêu dùng ngày càng khắt khe và đề cao sự an tâm khi mua sắm trong bối cảnh hàng hóa kém chất lượng tràn lan.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc đốc vận hành Swiifthub - đơn vị cung ứng dịch vụ hoàn tất đơn hàng cho các shop trên sàn TMĐT, nhận định: "Kinh doanh trên sàn TMĐT đối với các chủ shop nhỏ đang ngày càng khó khăn hơn. Đối với mặt hàng thời trang (ngành chiếm tỷ lệ cao nhất trong TMĐT), số đơn hàng bị trả lại lên đến 18 - 20%, gây tổn thất rất lớn cho các nhà bán lẻ trên sàn. Nhiều trường hợp bị tráo hàng, hư hỏng khi trả lại trong khi chi phí duy trì shop, phí thuê kho bãi, nhân viên, chi phí vật tư… ăn dần vào lợi nhuận của người bán và dẫn đến thua lỗ. Bên cạnh đó, việc siết chặt truy xuất nguồn gốc, chất lượng hàng hóa từ phía cơ quan quản lý thúc đẩy các sàn TMĐT tuân thủ tốt hơn các quy định. Điều này lý giải vì sao các shop mall (đơn vị kinh doanh hàng hóa lớn) đang phát triển mạnh trong khi hàng chục ngàn chủ shop nhỏ lẻ phải từ bỏ cuộc chơi trong thời gian gần đây".
Chuyên gia từ nền tảng Metric phân tích sự thay đổi về thị phần cho thấy những biến chuyển rõ rệt trong hành vi tiêu dùng, đồng thời là tín hiệu để các sàn điều chỉnh chiến lược, đặc biệt chú trọng trải nghiệm nội dung, bán hàng tương tác trực tiếp. Bên cạnh sự cạnh tranh giữa các shop trong nước, hàng nhập khẩu giá rẻ cũng đang nổi lên mạnh mẽ. Trên Shopee, nhóm hàng nhập khẩu ngày càng chiếm ưu thế ở phân khúc sản phẩm phổ thông. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm nay, nhóm này ghi nhận doanh số tới 7.500 tỉ đồng, với hơn 164 triệu sản phẩm bán ra. Dù chỉ chiếm khoảng 6% thị phần, nhóm hàng nhập khẩu vẫn tiêu thụ tốt nhờ mức giá trung bình thấp, khoảng 45.625 đồng/sản phẩm.
Một chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT nhận định việc các chủ shop rời bỏ kinh doanh qua sàn không thể hiện xu hướng tiêu cực mà mặt khác đang sàng lọc lại để đi vào khuôn khổ và phát triển trong thời gian tới. Dự báo quý 3/2025, doanh số TMĐT trên các sàn sẽ đạt 122.800 tỉ đồng và sản lượng đạt khoảng 1,2 triệu sản phẩm với mức tăng trưởng lần lượt đạt 21% và 27% so với quý 2/2025. Đà tăng trưởng này chứng tỏ xu hướng TMĐT vẫn đang phát triển tích cực.
Nhận định về tình hình thị trường sàn bán lẻ trực tuyến nửa đầu năm 2025, ông Bùi Huy Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT và công nghệ số (Cục TMĐT và kinh tế số, Bộ Công thương - eComDX) nhấn mạnh TMĐT không đơn thuần là mở gian hàng mà là cuộc chơi đòi hỏi tư duy từng bước làm chủ chuỗi giá trị số. Để TMĐT xuyên biên giới trở thành đòn bẩy tăng trưởng dài hạn, các doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn trong tư duy tiếp cận trực tiếp thị trường quốc tế, thay vì chỉ dựa vào nền tảng sẵn có.
Hiện nay không ít doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay dừng lại ở việc đưa hàng lên sàn mà thiếu chiến lược bài bản về xây dựng cơ sở dữ liệu, vận hành, marketing và dịch vụ hậu mãi xuyên biên giới. Các doanh nghiệp cần xây dựng năng lực nội tại để tự điều phối, tối ưu và đo lường hiệu quả hoạt động TMĐT xuyên biên giới, thay vì chỉ tham gia mà không làm chủ.
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT và công nghệ số (Cục TMĐT và kinh tế số, Bộ Công thương)