Mở đầu 2023, Microsoft và Google thông báo sa thải lần lượt 10.000 và 12.000 nhân viên trên toàn cầu. IBM cũng cho thôi việc gần 4.000 người, còn Spotify điều chỉnh khoảng 6% nhân sự. Trước đó, Meta, Amazon, HP... cũng cắt giảm hàng nghìn người. Các chuyên gia cho rằng có thể các công ty đang sao chép nhau và học hỏi quyết định của nhau.
Sự giống nhau trong các tuyên bố cắt giảm
Theo The Verge, có sự tương đồng trong tuyên bố của các hãng công nghệ lớn. Phần lớn đều cho biết đã phát triển nhanh chóng trong đại dịch, nhưng đến nay nhu cầu của thị trường giảm, khiến họ phải giảm bớt nhân viên.
Khi cho 11.000 người thôi việc cuối năm ngoái, Meta nói đã ghi nhận doanh thu vượt bậc khi thế giới chuyển sang môi trường trực tuyến nhanh chóng, cùng sự bùng nổ của thương mại điện tử trong Covid-19. "Nhiều người dự đoán một đợt tăng tốc sẽ tiếp tục diễn ra ngay cả khi đại dịch kết thúc. Tôi cũng vậy, vì vậy tôi đã quyết định tăng đáng kể các khoản đầu tư. Thật không may, điều này không diễn ra theo cách tôi mong đợi", CEO Mark Zuckerberg nói.
Trong thông báo của mình, Microsoft đề cập đến việc "chứng kiến khách hàng tăng chi tiêu kỹ thuật số trong đại dịch". Đến nay, các khách hàng chuyển sang tối ưu hóa, cắt giảm chi tiêu kỹ thuật số, khiến công ty cũng phải thay đổi.
Tương tự, CEO Sundar Pichai của Google cũng nhắc đến giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ hơn hai năm qua. "Để phù hợp và thúc đẩy sự tăng trưởng đó, chúng tôi đã tuyển dụng cho một thực tế kinh tế khác với thực tế mà chúng ta phải đối mặt ngày nay", ông nói.
Nội dung giống như trên cũng được ghi nhận trong các thông báo của Amazon, Stripe, Spotify hay Salesforce. The Verge cho rằng việc sa thải tại các công ty công nghệ hiện nay giống như một trào lưu. Họ làm vậy vì công ty khác cũng làm như vậy.
Vì sao đồng loạt sa thải?
Các nhà phân tích chỉ ra một thực tế ở những công ty cắt giảm hàng nghìn nhân viên: Không bên nào đang ở bờ vực phá sản. Thậm chí một số vẫn có doanh thu tốt và kiếm được nhiều tiền sau đại dịch.
Theo Michael Cusumano, Phó trưởng khoa Trường Quản lý MIT Sloan, nguyên nhân có thể là do sự thay đổi trong cách nhà đầu tư đánh giá hoạt động của một công ty. Trước đây, khi doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu ở mức 20-30%, sẽ không ai quan tâm đến lợi nhuận. Tuy nhiên, thời kỳ tăng trưởng mạnh đã qua, họ trở nên thận trọng hơn. Lúc này, một trong những chỉ số đo lường giá trị đầu tư vào công ty là doanh thu trên mỗi nhân viên. Việc bổ sung nhân viên trong giai đoạn đại dịch khiến chỉ số này giảm xuống.
Cusumano lấy ví dụ những công ty phần mềm như Microsoft "nên có doanh thu trên mỗi nhân viên là 500.000 USD hoặc ít nhất là 300.000 USD". "Khi con số này giảm dưới mức đó, họ bắt đầu lo lắng về việc có quá nhiều nhân viên. Vì vậy đó là thứ được xem xét hàng năm, thậm chí hàng quý", ông nói.
Trên lý thuyết, việc sa thải sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, như tiền lương. Nhưng thực tế, họ sẽ phải bỏ ra khoản tiền lớn ban đầu cho việc này để đền bù hợp đồng. Số tiền đó với những công ty như Google, Microsoft có thể lên tới hàng tỷ USD.
Jeffrey Pfeffer, giáo sư tại Đại học Stanford, đánh giá cắt giảm nhân viên chưa chắc giúp các công ty tiết kiệm chi phí. Dẫn một số nghiên cứu trước đây, ông cho biết có rất ít bằng chứng cho thấy giảm nhân sự giúp công ty tăng lợi nhuận hay tăng giá cổ phiếu. "Nhưng lại có một số bằng chứng rằng chúng làm tổn hại đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp", ông nói.
Ông đánh giá làn sóng sa thải là "chuyện ngu ngốc" và "các công ty công nghệ đang sao chép lẫn nhau". Thậm chí, theo chuyên gia này, việc sa thải có thể làm tăng sự căng thẳng ở cả người ra đi và ở lại, dẫn đến giảm năng suất lao động. "Thông thường công ty không gặp vấn đề về chi phí. Họ gặp vấn đề về doanh thu. Sa thải nhân viên không làm tăng doanh thu, thậm chí còn khiến nó giảm", Pfeffer nhận định.