Chứng khoán

Vì sao công ty chứng khoán hiếm hoi liên quan đến ngân hàng báo lỗ?

Tóm tắt:
  • Chứng khoán Tiên Phong (TPS) ghi nhận quý lỗ đầu tiên từ cuối năm 2022.
  • Doanh thu quý I đạt 447 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ.
  • Chi phí hoạt động tăng 14%, chủ yếu do lỗ lớn từ danh mục tự doanh.
  • Lợi nhuận trước thuế giảm 98%, chỉ còn hơn 2 tỷ đồng trong quý I.
  • Danh mục đầu tư nắm giữ đến đáo hạn (HTM) giảm một nửa, còn 1.174 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính riêng quý I, TPS đạt 447 tỷ đồng doanh thu hoạt động, giảm 7% so với cùng kỳ.

Sự sụt giảm ghi nhận trên diện rộng ở hầu hết các mảng chính: lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 20%, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến đáo hạn (HTM) giảm 14%, doanh thu môi giới giảm 5%, và thu nhập hoạt động khác giảm 3%.

 Kết quả kinh doanh quý I của TPS. Đơn vị: Tỷ đồng. (Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC quý I của TPS).

Điểm tích cực hiếm hoi đến từ lãi cho vay và phải thu, đạt 69 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với quý I năm ngoái. Tuy vậy, mức tăng này không đủ bù đắp phần suy giảm ở các nguồn thu khác.

Trong khi doanh thu đi xuống, chi phí hoạt động lại tăng 14%, chủ yếu do lỗ lớn từ danh mục tự doanh.

Riêng khoản lỗ từ FVTPL trong quý là 251 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Ngoài ra, công ty còn phát sinh thêm 20 tỷ đồng chi phí dịch vụ khác. Dù vậy, TPS không còn ghi nhận khoản chi phí lưu ký bất thường như quý I/2023 – khi con số này từng lên tới hơn 112 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế quý I chỉ còn hơn 2 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ. Công ty ghi nhận khoản lợi nhuận đã thực hiện âm 44 tỷ đồng, trong khi phần lợi nhuận chưa thực hiện đạt 46 tỷ đồng.

Tổng hợp lại, công ty chứng khoán liên quan TPBank - cổ đông lớn của TPS - báo lỗ sau thuế hơn 7 tỷ đồng – đánh dấu quý lỗ đầu tiên sau hơn hai năm.

Hoạt động đầu tư tự doanh tiếp tục thu hẹp. Tại thời điểm cuối quý, giá trị danh mục FVTPL còn 3.118 tỷ đồng, giảm 17% so với đầu năm và gần tương đương giá gốc. Cấu phần danh mục gồm 2.090 tỷ đồng trái phiếu, 590 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi và 438 tỷ đồng cổ phiếu.

Trong kỳ, TPS đã thực hiện cơ cấu danh mục, bán ra một số khoản đầu tư, ghi nhận lỗ ròng 120 tỷ đồng. Khoản lỗ chủ yếu đến từ cắt lỗ cổ phiếu (91 tỷ đồng) và trái phiếu (73 tỷ đồng), trong khi lãi từ trái phiếu mang về 49 tỷ đồng giúp bù đắp một phần.

 

 (Nguồn: Thuyết minh BCTC quý I của TPS).

Danh mục đầu tư nắm giữ đến đáo hạn (HTM) giảm một nửa, còn 1.174 tỷ đồng vào cuối quý.

Bên cạnh đó, hoạt động cho vay của công ty cũng suy giảm rõ rệt. Tổng dư nợ cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán chỉ còn 1.881 tỷ đồng, giảm khoảng 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, cho vay margin chiếm phần lớn với 1.824 tỷ đồng.

Thông tin thêm liên quan đến hoạt động, HĐQT TPS cũng vừa thông qua quyết định gia hạn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 đến tháng 6 nhằm đảm bảo công tác chuẩn bịThời gian cụ thể sẽ được công bố sau. Hình thức tổ chức dự kiến là trực tiếp hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. 

 (Nguồn: X.N tổng hợp).

Các tin khác

Điều chỉnh tăng lương hưu từ ngày 1/7

Tại Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 quy định, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và Quỹ BHXH.

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam

VietinBank tự hào được vinh danh “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam” trong 5 năm liên tiếp, khẳng định vị thế tiên phong trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam. VietinBank không ngừng đổi mới và cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng doanh nghiệp.

Mức án Trương Mỹ Lan và đồng phạm ở tòa phúc thẩm giai đoạn 2

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị phạt 20 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 12 năm tù về tội rửa tiền và 8 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tổng hợp mức án tử hình tại giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Lan phải chấp hành hình phạt chung là tử hình.