Phong cách sống

Versace: Nốt son chói lọi trong bản giao hưởng thời trang, từ thương hiệu xa xỉ bậc nhất đến cuộc thử nghiệm bình dân hóa đầy tranh cãi

Hãng thời trang Gianni Versace S.p.A hay gọi ngắn gọn là Versace là một công ty thời trang và nội thất cao cấp của Ý. Versace được xem là một trong những hãng thời trang hàng đầu thế giới. Trụ sở chính của hãng nằm tại Milan, thành phố lớn thứ nhì nước Ý và là trung tâm công nghiệp, kinh tế, tài chính của Ý.

Versace hiện diện như một ánh hào quang sáng chói trong làng thời trang cao cấp trên thế giới và đã được không ít ngôi sao nổi tiếng yêu thích lựa chọn. Từ đâu đã tạo ra một đẳng cấp thực thụ cho thương hiệu Versace?

Một thời hào quang và cái chết đẫm máu của ông chủ đế chế Versace

Gianni Versace sinh vào 2/12/1946 ở Reggio Calabria, ở miền Nam nước Ý. Ông có một anh trai Santo và em gái Donatella. Ba anh em lớn lên trong văn hóa Hy Lạp – La Mã cổ đại. Gianni đã theo học tiếng Latin và Hy Lạp cổ (dù không hoàn thành khóa học). Bên cạnh đó, cậu bé Gianni học nghề cắt may và thiết kế thời trang khi phụ mẹ với xưởng may.

Năm 25 tuổi, Gianni rời Reggio Calabria để đến Milan làm thiết kế thời trang cho thương hiệu thời trang may đo sẵn của Ý- Genny và nhanh chóng trở thành nhà thiết kế chính. Tại đây, Gianni liên tục ghi dấu ấn với nhiều thành công và được biết đến nhờ vào tài năng thiết kế xuất chúng.

Năm 1978, Gianni mở cửa hàng thời trang đầu tiên mang tên mình tại khu phố Via della Spiga. Với em gái Donatella làm phó chủ tịch và anh trai Santo làm chủ tịch, hãng thời trang Gianni Versace S.p.A chính thức ra đời.

Ngay sau khi mở cửa hàng riêng, Versace nhanh chóng trở thành một cái tên gây sốt trong làng thời trang vì phong cách không thể bị nhầm lẫn.

Versace: Nốt son chói lọi trong bản giao hưởng thời trang, từ thương hiệu xa xỉ bậc nhất đến cuộc thử nghiệm bình dân hóa đầy tranh cãi - Ảnh 1.

Phong cách thiết kế của Versace mang đặc trưng của sự nhạy cảm màu sắc, chất liệu, nét cổ điển và tính nghệ thuật điển hình, hình khối mạnh mẽ, những đường cắt xén tạo bạo, kỹ thuật cao cấp và ý tưởng đột phá...

Versace luôn tin rằng, nghệ thuật và thời trang phải luôn tay trong tay và sánh bước cùng nhau.

Logo của Versace cũng là điều đáng để nói đến. Logo truyền thống của Versace là hình đầu quỷ Medusa (Trong thần thoại Hy Lạp, Medusa vốn là một cô gái xinh đẹp nhưng đã bị nữ thần Athena biến thành một con quỷ với mái tóc là những con rắn và đôi mắt Medusa nhìn cái gì thì cái đó biến thành đá. Tuy nhiên, Medusa đã bị Perseus (con của thần Zeus) chặt đầu.

Gianni Versace là người tôn thờ hình tượng thần thoại Hy Lạp, ông đã đương đại hóa vẻ đẹp và tính nghệ thuật của Medusa trở thành logo thương hiệu của ông, nó gợi lên được sức mạnh, sự hấp dẫn và quyến rũ tuyệt đối. Logo Versace đã minh họa một cách tinh tế hình ảnh một công ty thời trang với những thiết kế quyến rũ, gợi cảm, mang tính đột phá và độc đáo.

Trong những năm 1980 và 1990, những mẫu thời trang nổi bật của Versace đã khiến ông trở thành hiện tượng toàn cầu. "Thời trang theo chân anh ấy", tạp chí Vogue ca tụng.

Versace nhanh chóng làm chủ đế chế thời trang Versace trị giá hơn 800 triệu USD, với 130 cửa hàng trên khắp thế giới cùng biệt thự có tên Casa Casuarina, trị giá 3 triệu USD, tại South Beach, Florida.

Song, những thành công rực rỡ của Gianni Versace cũng thu hút sự chú ý của những kẻ xấu xa.

Ngày 15/7/1997 định mệnh, Gianni Versace, khi đó 50 tuổi, mặc áo phông, quần đùi giản dị, dậy sớm tản bộ và đến một quầy báo địa phương mua vài cuốn tạp chí rồi về biệt thự Casa Casuarina. Chỉ còn cách cửa nhà vài bậc, hai tiếng súng chát chúa đặt dấu chấm hết cho cuộc đời đầy hào quang của ông. Andrew Cunanan nhanh chóng bỏ trốn.

Một nhân chứng gần đó chạy đến hiện trường, chứng kiến Versace nằm ngửa, ngừng cử động, bên cạnh là những vết máu loang dài.

Bên trong biệt thự, người bạn trai 15 năm của Versace, Antonio D'Amico đang đợi ông trở về. Khi nghe thấy tiếng súng nổ, Antonio chạy ra ngoài cùng với quản gia và gần như ngã quỵ. Mặc dù ngay lập tức được đưa đến bệnh viện, ông được thông báo chết lúc 9h15 cùng ngày.

Cái chết của Gianni Versace khiến giới thời trang bàng hoàng. Lễ tang của ông ở Milan đã thu hút 2.000 người, bao gồm Công nương Diana và Elton John, Calvin Klein và Marc Jacobs. Nhiều bạn bè nhớ đến ông như "một người đàn ông của gia đình", "không sợ hãi" và "đầy đam mê". Phải mất nhiều năm, thương hiệu Versace mới lấy lại được chỗ đứng sau bi kịch này.

Các điều tra viên nhanh chóng lần ra thủ phạm. Gần biệt thự Casa Casuarina, họ tìm thấy chiếc xe tải của đối tượng Andrew Cunanan (kẻ giết người hàng loạt 27 tuổi, ở National City, California, Mỹ), bên cạnh có quần áo phù hợp với mô tả của nhân chứng về kẻ giết người.

Tám ngày sau cái chết của Gianni Versace, một nhân viên bến cảng nghe thấy tiếng súng phát ra từ một chiếc tàu cá, cách biệt thự của Versace 5 km. Khi cảnh sát tới nơi, họ thấy Cunanan đã chết, do tự sát bằng chính khẩu súng đã giết Versace và các nạn nhân trước.

Hắn không để lại ghi chép gì về lý do vụ ám sát nhà thiết kế thời trang. Cho đến nay, gia đình Versace vẫn khẳng định đó là một cuộc tấn công ngẫu nhiên. Họ nói Andrew Cunanan và Gianni Versace không có mối quan hệ nào từ trước.

Tuy nhiên, nhiều người trong làng mốt đồn đại, hai người từng gặp nhau tại một câu lạc bộ ở San Francisco có tên là Colossus vào năm 1990. Nhóm bạn cùng nghề bán dâm đồng tính với Cunanan cũng kể lại, Cunanan từng kể rằng đã qua đêm với Versace, một khách hàng cực kỳ giàu có. Không ai xác nhận tin đồn này. Một số người khác cho rằng, động cơ của vụ ám sát, đơn giản chỉ là lòng đố kỵ với hào quang của Versace.

Donatella Versace – thời đại mới của Versace

Trong hơn bốn thập kỷ qua, Versace đã là một trong những thương hiệu cao cấp mang tính biểu tượng nhất trong lĩnh vực thời trang. Và không chỉ dừng lại ở thời trang, hãng còn phát triển các dòng sản phẩm mới như phụ kiện, nước hoa, đồng hồ…

Tất cả sản phẩm của hãng đều được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Từ những người nội trợ ở nhà hay tới các nhân vật nổi tiếng toàn cầu cũng không thể bỏ qua các thiết kế của Versace.

Những người khoác lên mình trang phục của Versace họ đều cảm thấy bản thân thực sự quyến rũ và mạnh mẽ. Có cái gì đó bên trong con người họ được bộc lộ, thôi thúc thể hiện và biểu đạt nó trước công chúng. Và đó là điều không phải hãng thời trang nào cũng làm được như thương hiệu cao cấp Versace.

Versace: Nốt son chói lọi trong bản giao hưởng thời trang, từ thương hiệu xa xỉ bậc nhất đến cuộc thử nghiệm bình dân hóa đầy tranh cãi - Ảnh 2.

Khi không còn "cha đẻ", Versace trở nên chao đảo, sa sút nghiêm trọng trong khoảng 3 tháng. Dưỡng như đó là thời kỳ đen tối nhất của hãng. Ánh hào quang chói lòa của một thương hiệu đầy quyến rũ trong giới thời trang gần như sụp đổ. Khi đó, ai cũng cho rằng Versce đã rơi vào bước đường cùng.

Tuy nhiên, bà Donatella Versace đã lên kế vị anh trai của mình. Rất nhanh chóng, bà đã vực dậy thương hiệu thời trang đẳng cấp này. Một luồng sinh khí mới đã được tạo ra. Một đế chế Versace một lần nữa vực dậy. Lần này, Versace bước đi một hướng hoàn toàn mới nhưng vẫn giữ vững thế thượng phong của mình.

Donatella Versace trước đó cũng được biết tới là nhà thiết kế thời trang tài ba. Bà không chỉ tạo ra những bộ sưu tập của riêng mình mà còn là cố vấn tin cậy cho anh trai.

Khi lên tiếp quản thương hiệu Versace, Donatella Versace đã nỗ lực và miệt mài làm việc hơn bao giờ hết. Chẳng mấy chốc, bà đã nhanh chóng vực lại toàn bộ tinh thần cho đội ngũ nhân viên của hãng. Trước sự kiên quyết, nhiệt huyết và tài năng của Donatella Versace, mọi người đã có chung một nhịp đập để hướng về thời trang Versace.

Không còn theo đuổi phong cách mạnh mẽ, quyến rũ và nổi loạn như xưa, Donatella Versace đã tạo ra một tầm nhìn mới cho thương hiệu của mình. Nhìn lại chặng đường hồi sinh của Versace, không ít người cảm thán tưa như một huyền thoại về chim Phượng Hoàng.

Phong cách mà Donatella Versace hướng tới vẫn ẩn chứa trong đó là sự nổi loạn và cá tính. Nhưng thêm vào đó còn là sự quý phái, thanh lịch và gợi cảm. Những nghệ sỹ mang phong cách táo bạo, hiện đại vẫn không thể chối từ trang phục mang sắc màu của Versace. Và Lady Gaga hay Nicki Minaj là những cái tên không thể không nhắc tới.

Thương vụ bạc tỷ đậm chất bình dân gây tranh cãi nhất của Versace

Năm 2011, Versace đã có sự hợp tác gây bất ngờ với H&M. Đây cũng là lần đầu tiên Versace làm việc cùng một hãng thời trang giá rẻ. Dù vướng vào nhiều nghi ngờ nhưng ngay khi bộ sưu tập mới được tung ra, nét sang trọng của các mẫu thiết kế của nhãn hiệu hàng này lập tức gây sốt. Mẫu áo khoác màu mè, áo jacket da, mũ, thắt lưng, giày thể thao... dường như đều thấp thoáng chút phong cách của dòng thời trang cao cấp nhưng thiên về tính ứng dụng trong cuộc sống thường ngày.

Thế nhưng, cú plot twist thực sự lại thuộc về vụ trao đổi bạc tỷ giữa Versace và Michael Kors. Cụ thể, năm 2018, thương hiệu gia đình của Ý đã được mua lại bởi tập đoàn xa xỉ Mỹ Michael Kors với giá 2,1 tỷ USD. Ngay sau khi sở hữu Versace, Michael Kors đổi tên thành Capri Holdings. Dù gây tranh cãi nhưng nhờ vào thỏa thuận này, Versace đã trải qua một cuộc "lột xác".

"Với việc thâu tóm Versace, chúng tôi giờ đây là một trong những tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất trên thế giới", John Idol, Chủ tịch và CEO của tập đoàn Michael Kors tự tin phát biểu và khẳng định sẽ giúp doanh thu hàng năm của thương hiệu Ý ra đời năm 1978 vượt 2 triệu USD.

Versace: Nốt son chói lọi trong bản giao hưởng thời trang, từ thương hiệu xa xỉ bậc nhất đến cuộc thử nghiệm bình dân hóa đầy tranh cãi - Ảnh 3.

Gia đình Versace sẽ nhận được số cổ phiếu tương đương hơn 171 triệu USD của Michael Kors. Bà Donatella Versace, em gái nhà sáng lập quá cố Gianni Versace, sẽ tiếp tục đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sáng tạo của Versace.

Vấn đề duy nhất là, Michael Kors mua lại Versace khi đang phải đối mặt với nhiều tranh cãi về thương hiệu. Từ một dòng sản phẩm cao cấp, Kors dần dần tự biến mình thành bình dân với hàng loạt đợt giảm giá. Thậm chí, có thời điểm, những BST mới của Kors còn không đủ cạnh tranh đối với Zara hay HM.

Kors cũng đặt mục tiêu tăng số lượng cửa hàng từ 200 lên 300, trị giá tới 2 tỷ đô la, nhưng nhiều người nghi ngờ liệu Versace có mất đi ánh sáng dưới quyền sở hữu của Kors khi mà những giá trị mang tính xa xỉ dần bị thay thế bằng những xu hướng bình dân, đại trà, không có nhiều đột phá?

Versace "vượt sóng" lạm phát

Mặc dù năm vừa qua giá thực phẩm, xăng dầu, cước di chuyển tăng vọt dưới tác động của lạm phát nhưng điều này không ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm của giới siêu giàu. Cụ thể, doanh số bán hàng vẫn được thúc đẩy mạnh mẽ, những công ty chuyên ra mắt sản phẩm cho tầng lớp thượng lưu như Ferrari, Dior, Louis Vuitton, Versace đều ghi nhận lợi nhuận ở mức tăng, theo CNBC.

Theo đó, tại Versace, doanh thu hàng quý đã tăng gần 30% so với một năm trước đó, lên 275 triệu USD, nếu không tính đến các biến động tiền tệ.

Điển hình so với quý đầu năm 2021, doanh số bán các thiết kế cổ điển của Versace vào đầu năm 2022 tăng gấp đôi. Nhu cầu tăng mạnh với các sản phẩm Versace của những năm 1990, 2000, tăng 206% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản phẩm bán chạy nhất là những mẫu váy cổ điển. Doanh số của chúng tăng hơn 4 lần trong năm ngoái. Quần áo in logo thương hiệu tăng 259%.

Các công cụ tìm kiếm cho biết lượt tìm kiếm cụm từ "váy cổ điển Versace" tăng gấp 6 lần so với một năm trước.

Theo Noelle Sciacca, giám đốc cấp cao của The RealReal phụ trách mảng thời trang nữ, khách hàng với đa dạng nhóm tuổi bị thu hút bởi Versace.

Cô nói: "Những người thuộc Millennials - thế hệ lớn lên cùng Versace - đang săn lùng các thiết kế cổ điển. Đồng thời, Gen Z và nhóm thuộc thế hệ Millennials trẻ tuổi tiếp xúc với Versace thông qua người nổi tiếng như Bella Hadid và Lizzo".

Trên mạng xã hội, những tài khoản yêu thích thương hiệu Italy như @versacepasserella và @datewithversace có lượng người theo dõi lên đến hàng trăm nghìn.

Ketevan Gagoshidze, người quản lý tài khoản @datewithversace, cho biết: "Sau đại dịch, tôi nghĩ tất cả chúng ta đều nhớ cảm giác đặc biệt. Đây là điều làm cho Versace trở nên khác biệt. Chìa khóa thành công của nó nằm ở chỗ luôn phản ứng kịp thời với thời điểm hiện tại. Đồng thời không bao giờ quay lưng lại với bản sắc của mình".

Versace: Nốt son chói lọi trong bản giao hưởng thời trang, từ thương hiệu xa xỉ bậc nhất đến cuộc thử nghiệm bình dân hóa đầy tranh cãi - Ảnh 4.

Tương tự, Công ty mẹ của Versace là Capri Holdings, hiện đang sở hữu các nhãn hiệu Michael Kors và Jimmy Choo, doanh thu tổng thể đã tăng 15% lên 1,36 tỷ USD trong giai đoạn này.

Bất chấp những bất ổn kinh tế vĩ mô, Giám đốc điều hành John Idol của Capri Holdings cho biết công ty vẫn tự tin vào các mục tiêu dài hạn của mình vì "khả năng phục hồi đã được chứng minh đối với ngành công nghiệp xa xỉ". Ông nói: "Không ai trong chúng tôi biết điều gì sẽ xảy ra trong nửa cuối năm với người tiêu dùng, nhưng có vẻ như ngành công nghiệp xa xỉ đang phát triển khá mạnh mẽ và lành mạnh".

Theo các chuyên gia, sức mua trong phân khúc hàng xa xỉ hiện nay cũng tương tự như các đợt suy thoái kinh tế trước đây, khi những người giàu thường là người cuối cùng cảm nhận được tác động nhờ có khối tài sản lớn.

Đối với người giàu, việc tiếp tục tiêu tiền mua các sản phẩm đắt đỏ là biểu tượng về vị thế.

Trọn vẹn màn biểu diễn của nữ tỉ phú 'kem trộn' Rihanna ở Super Bowl: Mang bầu vẫn quẩy cực sung, gây sốt khi kẻ mắt ngay trên sân khấu!

Cùng chuyên mục

Đọc thêm