Báo cáo chiến lược tháng 4 từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, đồng USD sẽ duy trì sức mạnh hiện tại ít nhất cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất. USD Index hiện (DXY) ghi nhận ở mức 104,34 ngày 8/4, tăng gần 3% so với thời điểm đầu năm 2024, gây áp lực lên tỷ giá USD/VND.
Theo các chuyên gia từ VDSC, sau cuộc họp của các ngân hàng trung ương tháng 3, thông điệp chung đều khẳng định sẽ cắt giảm lãi suất điều hành trong năm nay và kịch bản cơ sở cho lần cắt giảm đầu tiên của các ngân hàng Fed, ECB, BOE vẫn được giữ nguyên vào tháng 6.
Tuy nhiên, khả năng cao ECB và BOE sẽ thực hiện đợt cắt giảm đầu tiên trước Fed. Do đó, đồng USD dự kiến vẫn neo ở mức cao hiện tại ít nhất cho đến khi Fed phát tín hiệu rõ ràng hơn về lần cắt giảm đầu tiên trong năm 2024.
"Điều này cũng hàm ý rằng dòng vốn vẫn sẽ tiếp tục neo trú vào đồng USD và các tài sản khác niêm yết bằng đồng USD", báo cáo VDSC cho hay.
Áp lực điều hành chính sách tiền tệ trong quý I/2024
Cũng theo VDSC, hai vấn đề nổi bật trong điều hành chính sách tiền tệ trong quý I/2024 là áp lực tỷ giá tăng mạnh trong quý đầu năm ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ và nhu cầu vốn trong nền kinh tế yếu dẫn đến dư thừa thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng.
Đối với vấn đề tỷ giá, VDSC vẫn bảo lưu quan điểm tiền đồng có thể mất giá khoảng 3% trong nửa đầu năm 2024.
Hiện tại, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã vượt ngưỡng tâm lý là 25.000 đồng/USD. Tỷ giá niêm yết của Vietcombank đã tăng lên 25.130 đồng/USD tại phiên giao dịch ngày 03/04, tăng 2,9% so với cuối năm 2024.
Tỷ giá trên thị trường vượt đỉnh cũ đã thiết lập vào tháng 11/2022, đà tăng này có thể tiếp diễn đưa tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng lên sát ngưỡng 25.500 đồng/USD như mức neo của tỷ giá trên thị trường tự do.
"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong nửa sau của quý II khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất", báo cáo VDSC nêu rõ.
Để ứng phó với việc dư thừa thanh khoản, NHNN đã hút về một lượng tiền với quy mô khoảng 163,5 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở, tính đến ngày 3/4.
Trái với kênh cho vay qua hệ thống ngân hàng, lợi suất của trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng tăng trong quý đầu năm, một phần do việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong quý đầu năm nay vắng bóng nhóm ngân hàng.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ sau nhịp giảm trong hai tháng đầu năm cũng đã phục hồi trở lại trong tháng 3/2024. Diễn biến này song hành với áp lực tỷ giá leo thang và Ngân hàng Nhà nước thực hiện hút bớt thanh khoản hệ thống.
Tính đến ngày 3/4, lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng khoảng 10 - 50 điểm cơ bản so với đầu năm, trong đó mức tăng thấp ở kỳ hạn 2 - 3 năm và tăng nhiều hơn ở kỳ hạn 5 - 10 năm. Việc lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng trở lại có thể hàm ý rằng đợt cắt giảm lãi suất huy động trên thị trường 1 có thể đã kết thúc trong quý I/2024.
Câu hỏi đang chờ đợi trong quý II và cả thời gian còn lại của năm là mức độ phục hồi của nhu cầu vốn trong nền kinh tế.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng tính đến 25/3 đạt 0,26% so với cuối năm trước. Mức tăng trưởng trong hoạt động cho vay của nền kinh tế trong quý I/2024 thấp hơn đáng kể so với diễn biến các năm trước (trung bình 5 năm giai đoạn 2019-2023, tín dụng tăng 3,2% so với đầu năm).
Hiện tại, mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 đã giảm cả ở chiều huy động và cho vay. Theo thống kê của NHNN, lãi suất huy động giảm chậm hơn lãi suất cho vay trong quý I/2024, giảm lần lượt 40 điểm cơ bản và 60 điểm cơ bản so với đầu năm, nhiều ngân hàng tích cực đưa ra các ưu đãi nhằm kích thích nhu cầu vay vốn.
Cùng với hoạt động kinh tế quý I vẫn tạo tiền đề cho sự cải thiện trong các quý tới, các chuyên gia từ VDSC đưa ra quan điểm lạc quan trong thận trọng rằng doanh nghiệp và người dân sẽ‘thẩm thấu’ được tác động trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ trong các quý tới, từ đó bộc lộ được qua hành vi tăng tiêu dùng và đầu tư.