Thời sự

VDSC: Nhập khẩu nguyên liệu suy giảm cho thấy bức tranh xuất khẩu không mấy khả quan những tháng cuối năm 2022

Các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt nêu nhận định trên trong báo cáo vĩ mô mới công bố.

 

Hoạt động thương mại của Việt Nam đã cho thấy sự suy yếu về tăng trưởng trong tháng 7. So với tháng trước, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu giảm lần lượt là 6,8% và 5,3%.

So với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 9,9%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 20,7% trong tháng 6; kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 4,2%, thấp hơn so với mức tăng 15,8% của tháng trước. Lũy kế 7 tháng 2022, xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam tăng lần lượt 16,6% và 14,0% so với cùng kỳ.

 

Tăng trưởng xuất khẩu suy giảm ở cả nhóm doanh nghiệp FDI và nội địa. Cụ thể, xuất khẩu của khối FDI chỉ còn tăng 11,8% so với cùng kỳ trong tháng 7, còn khối doanh nghiệp trong nước chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, tăng trưởng nhập khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu trong tháng qua. Nhập khẩu của khối FDI và trong nước chỉ tăng lần lượt 5,5% và 1,9% so với cùng kỳ. Điều này giúp cho cán cân thương mại thặng dư nhẹ trong tháng 7 ở mức 74 triệu USD. Lũy kế 7 tháng 2022, cán cân thương mại thặng dư nhẹ 1,3 tỷ USD, so với mức thâm hụt 3,0 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu có sự phân hóa về tăng trưởng ở các nhóm hàng và thị trường

So với tháng trước, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều ghi nhận tăng trưởng âm. Những mặt hàng ghi nhận mức giảm mạnh trên 20% theo tháng gồm các sản phẩm nông nghiệp (gạo, tiêu, sắn), than, phân bón, xăng dầu, xơ, sợi dệt, sắt thép và máy vi tính.

Theo VDSC, điều này cho thấy sự suy giảm của giá hàng hóa toàn cầu cũng tác động tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Xét ở góc độ so với cùng kỳ, những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam có sự phân hóa về tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, xuất khẩu túi xách, va li, hàng dệt may và giày dép vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao lần lượt là 25,9%, 17,4% và 63,6% so với cùng kỳ.

Trái lại, những mặt hàng như sắt thép và hàng điện tử ghi nhận mức tăng trưởng âm lần lượt là 18,5% và 0,5% so với cùng kỳ.

Riêng mặt hàng thủy sản dù vẫn tăng trưởng dương 11,4% so với cùng kỳ, nhưng mức tăng này thấp hơn nhiều so với con số tăng trưởng 38,4% trong 6 tháng đầu năm.

 

Theo thị trường, hoạt động xuất khẩu thể hiện sự suy giảm mạnh nhất ở các thị trường ngoài thị trường chính, vốn chiếm bình quân từ 18-20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cụ thể, xuất khẩu sang nhóm quốc gia khác giảm 7,1% so với cùng kỳ trong tháng 7 so với mức tăng 18,3% trong tháng 6.

Tại các thị trường chính, xuất khẩu suy giảm nhẹ ở Mỹ, EU và Hàn Quốc nhưng duy trì và mở rộng tại khối nước ASEAN và Nhật Bản.

Riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn kém khả quan trong tháng 7, giảm 4,1% so với cùng kỳ, cao hơn mức giảm 1,5% trong tháng 6 dù quốc gia này đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa.  

Nhập khẩu nguyên liệu tiếp tục suy giảm mạnh

 

Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng phục vụ cho sản xuất đều đang trong xu hướng giảm.

Nhập khẩu nguyên liệu cho ngành dệt may, da giày giảm 1,2% so với cùng kỳ trong tháng 7, nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm điện tử tăng 8,7% so với cùng kỳ trong tháng 7, nhưng thấp hơn mức tăng 13,3% của tháng trước. Nhập khẩu máy móc cũng giảm 3,6% trong tháng 7, theo sau mức tăng 1,9% trong tháng 6.

Ngoài ra, một yếu tố khiến tăng trưởng nhập khẩu giảm là do giá dầu thế giới giảm trong tháng 7, khiến cho nhập khẩu mặt hàng liên quan đến dầu mỏ chỉ tăng 15,5% so với cùng kỳ trong tháng 7, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 76,1% của nhóm hàng này trong tháng 6.

Theo thị trường, nhập khẩu từ các quốc gia phát triển như Mỹ và EU đều tăng trưởng âm trong 7 tháng đầu năm, lần lượt là -3,8% và -2,5% so với cùng kỳ.

Nhập khẩu tăng mạnh nhất ở thị trường Hàn Quốc (+26,6% so với cùng kỳ), ASEAN (+13,6%), và Trung Quốc (+13,0%).

Như phân tích ở trên, các chuyên gia tại đây dự báo việc nhập khẩu nguyên liệu suy giảm đang cho thấy bức tranh không mấy khả quan về triển vọng xuất khẩu những tháng cuối của năm 2022. 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm