Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chỉ ra một số nguyên nhân gây chậm giải ngân vốn đầu tư công gồm các vướng mắc trong chuẩn bị dự án, thủ tục đầu tư. Vấn đề này thường mất thời gian giai đoạn đầu năm, tuy nhiên phần lớn nguyên nhân là do vấn đề thể chế, quy định luật pháp chưa đồng bộ.
Nguyên nhân thứ hai liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, chủ yếu vướng mắc trong xác định giá đất, phân loại đất, thủ tục và thời gian thu hồi.
Ngoài ra còn có nguyên nhân về năng lực của các bên tham gia.
Nguyên nhân thứ tư là thời điểm giao thoa trong kế hoạch vốn khi năm 2022 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Cuối cùng là tác động của giá vật liệu xây dựng, việc điều chỉnh lại đơn giá dẫn đến phải thay đổi hoặc điều chỉnh dự án, nhà thầu thi công cầm chừng
Khối phân tích nhận định ba nguyên nhân đầu tiên sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể thay đổi.
Hai nguyên nhân liên quan đến thời điểm giao thoa kế hoạch vốn và tác động của giá vật liệu xây dựng có thể tháo gỡ trong ngắn hạn.
VDSC cho rằng thông thường, cần từ 6-8 tháng hoàn tất thủ tục nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm. Đồng thời, việc sớm có chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng cho phù hợp diễn biến thị trường cũng sẽ giúp đẩy tiến độ đầu tư.
Các chuyên gia tại đây cho hay có ba cơ sở để kỳ vọng việc giải ngân vốn đầu tư công tích cực hơn trong thời gian tới. Thông thường, vốn đầu tư công thường được giải ngân mạnh hơn trong nửa cuối năm, đặc biệt là quý cuối cùng của năm.
Bên cạnh đó các dự án đầu tư thuộc gói hỗ trợ kích thích và phục hồi kinh tế đã được phân bổ và phê duyệt, chờ giải ngân trong năm sau.
Những thách thức chưa giải quyết trong ngắn hạn sẽ khiến cho việc giải ngân vốn đầu tư công nửa đầu giai đoạn 2021-2025 lỡ hẹn so với kỳ vọng, sự tăng tốc nhanh có thể rơi vào nửa sau (2023-2025).
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính, tỷ lệ ước tính giải ngân đầu tư công 8 tháng đầu năm đạt 35,49% kế hoạch và tương đương 39,15% kế hoạch Thủ tướng giao (tương đương tiến độ cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, vốn trong nước đạt gần 41% và vốn nước ngoài hơn 14%.
Báo cáo cho biết có 7 Bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 45%; 3 địa phương và 27 Bộ giải ngân dưới 20%. Một số bộ, địa phương có tiến độ giải ngân cao như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (hơn 73%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (gần 52%), Tiền Giang (gần 64%), Thái Bình (58%), Phú Thọ (57%), Long An (55%).