Theo www.vibonline.com.vn, mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội về những vướng mắc, bất cập của Luật Doanh nghiệp.
Ví dụ, về việc tổ chức cuộc họp bầu lại được tiến hành thế nào, doanh nghiệp thắc mắc, theo Khoản 4 Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2020, trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị chết, mất tích, bị tạm giam, … thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc đa số thành viên còn lại tán thành cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng quản trị.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định rõ về việc ai có quyền triệu tập cuộc họp này, việc tổ chức cuộc họp bầu lại được tiến hành thế nào (có yêu cầu số lượng thành viên tối thiểu dự họp như quy định tại Khoản 8 Điều 157).
Doanh nghiệp đề nghị bổ sung quy định cụ thể về vấn đề thẩm quyền triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị, việc tổ chức cuộc họp bầu lại Chủ tịch Hội đồng quản trị trong trường hợp đề cập tại khoản 4 Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2020 (có thể áp dụng cơ chế một trong số các thành viên Hội đồng quản trị được triệu tập họp các thành viên còn lại để bầu Chủ tịch như trường hợp Công ty TNHH tại Khoản 4 Điều 56 Luật Doanh nghiệp 2020).
Hay như về người có liên quan của cá nhân, Luật Doanh Nghiệp 2020 chỉ mới quy định khái niệm “người có liên quan của doanh nghiệp” (tức là, cá nhân, tổ chức có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp).
Tuy nhiên, Luật Doanh Nghiệp 2020 nhiều lần đề cập đến khái niệm “người có liên quan của cá nhân”, cụ thể là của cổ đông, thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật và các người quản lý khác của doanh nghiệp (Điều 67, Điều 83, Điều 86, Điều 167 Luật Doanh Nghiệp 2020). Luật Doanh Nghiệp 2020 chưa có định nghĩa cho khái niệm này.
Doanh nghiệp đề nghị bổ sung quy định về khái niệm “người có liên quan của cá nhân”.
Về vấn đề miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế và bổ sung thành viên Hội đồng quản trị , Điểm b Khoản 1 Điều 160 Luật Doanh nghiệp quy định Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp “có đơn từ chức và được chấp thuận”.
Doanh nghiệp vướng mắc Luật Doanh nghiệp không quy định chủ thể có thẩm quyền chấp thuận đơn từ chức của thành viên Hội đồng quản trị. Trong trường hợp, đơn từ chức không được chấp thuận thì Đại hội đồng cổ đông cũng không có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng quản trị.
Doanh nghiệp đề nghị quy định rõ chủ thể chấp thuận đơn từ chức của thành viên Hội đồng quản trị và tiêu chí để chấp thuận hoặc không.
Về góp vốn bằng tài sản , Khoản 2 Điều 47, khoản 2 Điều 75 và khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp quy định thời hạn góp vốn là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản.
Theo doanh nghiệp, việc phân tách thời gian góp vốn bằng tài sản ra khỏi thời gian 90 ngày đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp lại không quy định rõ về thời hạn góp vốn bằng tài sản (việc nhập khẩu, thực hiện chuyển quyền sở hữu tài sản được thực hiện trong khoảng thời gian tối đa bao lâu). Việc không quy định rõ về thời hạn này khiến cho việc xác định thời điểm hoàn thành việc góp vốn của doanh nghiệp là chưa rõ. Doanh nghiệp đề nghị quy định về thời hạn thực hiện góp vốn bằng tài sản
Về thời hạn góp vốn 90 ngày, theo Luật Doanh Nghiệp 2020, chủ sở hữu, thành viên công ty TNHH, cổ đông CTCP phải góp đủ vốn điều lệ cho công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp GCNĐKDN.
Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không kịp góp vốn điều lệ trong thời hạn 90 ngày, bởi quy trình góp vốn điều lệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường rất phức tạp và tốn thời gian.
Cụ thể, các doanh nghiệp này phải thực hiện việc mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA) tại một ngân hàng Việt Nam để thực hiện việc góp vốn. Ngân hàng thường đòi hỏi rất nhiều tài liệu từ doanh nghiệp và chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài để làm thủ tục Nhận Biết Khách Hàng (KYC); trong đó, nhiều tài liệu phải được hợp pháp hóa lãnh sự và quá trình này rất tốn thời gian.
Luật Doanh Nghiệp 2020 chỉ quy định quy trình giảm vốn nếu doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn 90 ngày. Luật không có quy định nào về việc góp vốn sau khi thời hạn 90 ngày đã kết thúc. Do đó, nhiều ngân hàng nơi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mở tài khoản DICA không cho phép chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp chuyển tiền góp vốn điều lệ vào tài khoản DICA sau khi thời hạn góp vốn kết thúc, khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng bế tắc.
Doanh nghiệp đề xuất kéo dài thời hạn góp vốn điều lệ để các nhà đầu tư có thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan (ví dụ có thể lên đến 180 ngày kể từ ngày được cấp GCNĐKDN).
Cân nhắc bổ sung quy định về phương án xử lý trong trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp góp vốn điều lệ sau khi thời hạn góp vốn đã kết thúc.
Theo đó, nếu chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp chưa kịp thực hiện việc góp vốn trong thời hạn góp vốn vì các lí do khách quan, thì các cá nhân, tổ chức này có thể gửi đơn/báo cáo lên cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền để xin gia hạn thời hạn góp vốn. Tổng thời gian gia hạn có thể lên đến 180 ngày kể từ ngày xin gia hạn.