Trong văn bản tổng hợp các vướng mắc, bất cập cần sửa đổi của Luật Doanh nghiệp 2020 và kiến nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI cho biết, những quy định có tính cải cách trong Luật như Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh; doanh nghiệp tự chủ về con dấu; có nhiều người đại diện theo pháp luật; góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng tài sản … đã tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường, tổ chức hoạt động kinh doanh, thể hiện rất rõ tư tưởng về quyền tự do kinh doanh.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, trong quá trình áp dụng, một số quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc, cần được xem xét sửa đổi.
Bổ sung thẩm quyền triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị
Theo khoản 4 Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2020, trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị chết, mất tích, bị tạm giam, … thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc đa số thành viên còn lại tán thành cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng quản trị.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định rõ về việc ai có quyền triệu tập cuộc họp này, việc tổ chức cuộc họp bầu lại được tiến hành thế nào (có yêu cầu số lượng thành viên tối thiểu dự họp như quy định tại Khoản 8 Điều 157).
Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung quy định cụ thể về vấn đề thẩm quyền triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị, việc tổ chức cuộc họp bầu lại Chủ tịch Hội đồng quản trị trong trường hợp đề cập tại khoản 4 Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2020 (có thể áp dụng cơ chế một trong số các thành viên Hội đồng quản trị được triệu tập họp các thành viên còn lại để bầu Chủ tịch như trường hợp Công ty TNHH tại Khoản 4 Điều 56 Luật Doanh nghiệp 2020).
Thống nhất thời hạn tạm ngừng kinh doanh và dự án đầu tư
Khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp quy định, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 3 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Nghị định 01/2021 hướng dẫn thời hạn tạm ngừng kinh doanh là 12 tháng, sau thời hạn này doanh nghiệp nếu tiếp tục tạm ngừng sẽ thực hiện thủ tục thông báo tạm ngừng. Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn không giới hạn số lần tạm ngừng kinh doanh, như vậy, về mặt thực tế, thời gian tạm ngừng kinh doanh theo pháp luật doanh nghiệp là lớn hơn 12 tháng.
Điều 47 Luật Đầu tư 2020 và Điều 56 Nghị định 31 quy định nhà đầu tư ngừng hoạt động dự án đầu tư, tổng thời hạn tạm ngừng không quá 12 tháng.
Như vậy, nếu nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư là doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp muốn tạm ngừng dự án đầu tư đồng thời tạm ngừng kinh doanh, thì giữa quy định tại pháp luật Doanh nghiệp và pháp luật đầu tư đang chưa thống nhất về thời hạn tạm ngừng. Doanh nghiệp thực hiện dự án có thể ngừng kinh doanh quá 12 tháng, nhưng dự án đầu tư thì chỉ được ngừng không quá 12 tháng.
Do đó, VCCI đề nghị điều chỉnh trường hợp tạm ngừng kinh doanh đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp tạm ngừng dự án đầu tư để đảm bảo tương thích về thời hạn giữa hai hệ thống pháp luật đầu tư và doanh nghiệp
Thống nhất thủ tục oanh nghiệp FDI
Cũng theo VCCI, việc ghi nhận thông tin của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại cả Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đang gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp khi cần đăng ký điều chỉnh thông tin của mình.
Ví dụ, khi đăng ký tăng vốn điều lệ (đồng thời là vốn góp của dự án đầu tư), doanh nghiệp phải đăng ký sửa đổi cả Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Tương tự, khi thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện cả thủ tục thông báo thay đổi ngành nghề tại cơ quan đăng ký kinh doanh và thủ tục đăng ký điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư tại cơ quan đăng ký đầu tư.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành không quy định rõ là cần thực hiện thủ tục tại cơ quan đăng ký kinh doanh hay tại cơ quan đăng ký đầu tư trước đối với những trường hợp nêu trên. Điều này dẫn đến cách giải thích, áp dụng khác nhau tại mỗi địa phương.
“Đề nghị nghiên cứu để đảm bảo tính rõ ràng, thống nhất khi thực hiện hai thủ tục này”, VCCI nêu rõ.
Làm rõ thời điểm có hiệu lực những thay đổi trên GCNĐKDN
Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Doanh nghiệp “Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi”.
Trên thực tế, ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đang được xem là ngày những thay đổi này có hiệu lực để đảm bảo công khai thông tin và bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba (mặc dù không có quy định rõ ràng nào về vấn đề này).
Tuy nhiên, thực tế xảy ra trường hợp đang gây lúng túng trong quá trình thực hiện khi không xác định được ngày có hiệu lực của những thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
"Đề nghị xem xét trường hợp trên để quy định rõ về hiệu lực và thời điểm được xem là có sự thay đổi của các nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp".
Cùng với những nội dung trên, trong văn bản gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI chỉ ra 34 vướng mắc và đề xuất sửa đổi nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp 2020 như Xác định vốn điều lệ khi tổ chức lại doanh nghiệp;
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tương thích với quy định về người đại diện tại Bộ luật dân sự 2015; Quy định rõ về số lượng người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức trong Công ty để tránh tranh chấp; Định giá tài sản góp vốn; biên bản họp Hội đồng thành viên; Góp vốn bằng tài sản; Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên; Tính chịu trách nhiệm của chủ sở hữu công ty TNHH MTV khi không góp đủ vốn; Rút vốn và giảm vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV; Tỷ lệ thành viên tối thiểu tham gia cuộc họp Hội đồng thành viên công ty TNHH một thành viên…