Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024, với doanh thu đạt hơn 30.852 tỷ đồng, tăng 4.277 tỷ đồng so với doanh thu 26.589 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023 tương ứng tăng 16%, trong khi giá vốn hàng bán tăng 1.808 tỷ đồng lên 26.698 tỷ đồng, tương ứng tăng 7%.
Trong kỳ, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh lên lần lượt 640 tỷ đồng và 317 tỷ đồng, tuy nhiên nhờ tiết giảm các chi phí khác, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long vẫn ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 2.888 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số chỉ 492 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023. Trong năm 2024, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng, 10.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Trong năm 2024, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng, 10.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Trong 3 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận khoản lợi nhuận khác tăng vọt từ 147 tỷ đồng trong quý 1 năm 2023 lên tới 508 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp đầu ngành thép ghi nhận lợi nhuận lên tới 2.869 tỷ đồng, gấp 7,5 lần so với khoản lợi nhuận chỉ 383 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên khoản lợi nhuận này vẫn thấp hơn đôi chút so với quý trước. Kết quả này đã chấm dứt chuỗi 4 quý liên tiếp tăng trưởng so với quý liền trước của Hòa Phát.
Trong cơ cấu, thép vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với đóng góp lần lượt 93% doanh thu và 85% lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Hòa Phát. Nông nghiệp đứng thứ hai về doanh thu với 5% tỷ trọng. Về lợi nhuận, mảng bất động sản đứng vị trí thứ 2 với 9% đóng góp vào lợi nhuận sau thuế hợp nhất của tập đoàn.
Tại thời điểm 31/3, tổng nợ vay tài chính của Hòa Phát lên đến hơn 77.500 tỷ đồng, tăng hơn 12.000 tỷ so với đầu năm và là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng gần 6.500 tỷ so với đầu năm lên hơn 61.400 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Nợ dài hạn cũng tăng gần 5.700 tỷ so với đầu năm lên gần 16.100 tỷ đồng, ghi nhận mức cao nhất kể từ cuối quý 3/2021.
Hòa Phát cho biết dư nợ vay tăng mạnh so với thời điểm đầu năm do hoạt động mua sắm vật tư và giải ngân cho dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2. Trong quý đầu năm 2024, Hòa Phát đã rót thêm vào "quả đấm thép" này gần 4.250 tỷ đồng qua đó nâng tổng vốn đầu tư lũy kế đã giải ngân đến cuối quý 1/2024 lên 26.800 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).
Mặc dù nợ vay tăng vọt trong quý đầu năm nhưng thực tế chi phí tài chính của Hòa Phát lại giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, Hòa Phát ghi nhận tổng chi phí tài chính 1.061 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 1.331 tỷ đồng của quý 1/2023. Trong đó, chi phí lãi vay cũng giảm mạnh từ 990 tỷ đồng xuống chỉ còn 636 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm. So với quý liền trước, chi phí này cũng đã giảm khoảng 11%. Đây là mức chi phí lãi vay mà Hòa Phát phải gánh trong một quý thấp nhất kể từ quý 2/2022.
Bên cạnh đó, tập đoàn này còn đang "ôm" lượng lớn tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi) lên đến 34.700 tỷ đồng vào cuối quý 1, nhích nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, với hơn 22.271 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng đã mang về cho Hòa Phát 423 tỷ đồng tiền lãi, con số này giảm hơn 100 tỷ so với 537 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.
Hòa Phát có tổng tài sản hơn 201.940 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số chỉ 187.783 tỷ đồng hồi đầu năm. Doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long cũng đang có hơn 40.472 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Tại Đại hội đồng cổ đông HPG mới tổ chức đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2023 với tỷ lệ 10%; tỷ lệ chia cổ tức dự kiến năm 2024 là 10%. Các cổ đông cũng thông qua việc bổ sung 02 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 gồm ông Chu Quang Vũ và ông Đặng Ngọc Khánh, đưa số thành viên HĐQT HPG lên thành 9 người.