Đồng USD tăng sau khi dữ liệu cho thấy thị trường việc làm Mỹ tháng 3 tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm và tiền lương tăng trở lại, làm gia tăng kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm tại cuộc họp tiếp theo.
Báo cáo về số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ cho thấy, trong tháng 3/2022, nước này đã có thêm 431.000 việc làm, so với kỳ vọng là 490.000, trong khi dữ liệu về số việc làm mới trong tháng 2 được sửa đổi tăng lên 750.000 việc, từ mức 678.000 báo cáo trước đây. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tháng 3/2022 cũng giảm xuống còn 3,6%, thấp nhất kể từ tháng 2/2020, từ mức 3,8% của tháng 2/2022.
Những dữ liệu trên cho thấy động lực kinh tế Mỹ vững chắc bất chấp lạm phát gia tăng, chính sách tiền tệ chuyển hướng từ nới lỏng sang thắt chặt, và tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine – gây căng thẳng thêm cho chuỗi cung ứng toàn cầu và làm gia tăng áp lực lên giá cả.
Karl Schamotta, người phụ trách mảng chiến lược gia thị trường của Corpay, cho biết: "Một dấu hiệu mạnh mẽ khác là thị trường tiếp tục kỳ vọng về việc Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) sẽ có 2 lần tăng lãi suất quy mô lớn trong những tháng tới. Điều đó tiếp thêm động lực thúc đẩy đồng USD tăng lên".
Fed sẽ quyết định chính sách tiền tệ tiếp theo tại cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 3 và 4 tháng 5/2022. Công cụ FedWatch của CME Group cho thấy thị trường nhận định có 68,8% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong lần họp đó, sau khi đã tăng 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 16/3 - khi Fed bắt đầu một chu kỳ thắt chặt tiền tệ.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày thứ Sáu (1/4) theo giờ Việt Nam tăng 0,311% lên 98,624.
Đồng bạc xanh cũng được hưởng lợi từ các dòng tiền trú ẩn an toàn. "Tâm lý của thị trường toàn cầu hiện nay là xa lánh dần các tài sản rủi ro, và đồng bạc xanh có lợi nhờ điều này, nhất là khi hy vọng về một lệnh ngừng bắn ở Ukraine nhạt dần", Ông Schamotta nói.
Đồng euro đã không có được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ những dữ liệu kinh tế mới, khi lạm phát của Eurozone tháng 3 tăng lên mức cao kỷ lục mới, 7,5%.
Do đó, đồng euro lúc kết thúc ngày 1/4 theo giờ Việt Nam giảm 0,22% so với USD, xuống 1,1042 USD, sau khi đã giảm mạnh ở phiên liền trước, lùi xa khỏi mức cao nhất 1 tháng bởi hy vọng về lệnh ngừng bắn ở Ukraine tan thành mây khói.
So với đồng crown Na Uy (NOK), euro phiên này cũng giảm 0,58% xuống 9,6716 NOK, khi đồng tiền liên kết với hàng hóa này hồi phục sau phiên giảm mạnh trước đó. Crown cũng tăng 0,48% so với USD trong cùng thời điểm.
Kristoffer Kjær Lomholt, Giám đốc phụ trách tiền tệ thuộc Danske Bank, cho biết: Đồng crown tăng lên nhờ sự kết hợp giữa chỉ số PMI của Na Uy khả quan và dữ liệu thị trường lao động tốt hơn mong đợi cùng sự gia tăng giá dầu trên toàn cầu.
"Chúng tôi cho rằng đồng NOK đang bị cuốn vào một cuộc chiến giữa rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng lớn và giá hàng hóa trên toàn cầu tăng cao. Chừng nào các dữ liệu lạm phát trên thế giới còn cao thì nhu cầu NOK sẽ vẫn cao", ông Lomholt nói.
Một loại tiền tệ liên quan đến hàng hóa khác, đồng đô la Australia (AUD) cũng tăng 0,3% lên 0,7508 USD. Trái lại, bảng Anh giảm giá do tăng trưởng sản xuất của Vương quốc Anh giảm xuống mức thấp nhất trong 13 tháng, trái với những dữ liệu tích cực của Mỹ. Theo đó, bảng Anh giảm 0,3% so với USD, xuống 1,3102 USD. So với euro, bảng cũng giảm 0,1% xuống 84,27 pence, sau khi chạm mức thấp nhất trong 3 tháng so với đồng tiền chung vào ngày 31/3.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Andrew Bailey, cho biết BoE đã thấy có những dấu hiệu của sự suy thoái kinh tế, được cho là sẽ đến từ lạm phát cao.
Nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục giảm, sau khi đã trải qua tháng 3 tồi tệ nhất trong vòng 9 tháng, trong khi nhà đầu tư tiếp tục quan ngại về tình trạng phong tỏa chống Covid-19.
Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ nội địa kết thúc ngày 1/4 ở mức 6,3513 CNY, giảm 120 pip so với phiên trước đó.
Khối lượng giao dịch CNY tiếp tục giảm sau khi Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, phong tỏa hầu hết 26 triệu dân cư thành phố để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, buộc nhiều người tham gia thị trường phải giao dịch từ xa.
Đáng chú ý, rúp Nga giảm khỏi mức cao nhất trong vòng 5 tuần mặc dù đã đến thời điểm Nga quy định các giao dịch khí đốt phải tính bằng tiền rúp.
Theo đó, rúp quay đầu giảm 0,2% so với USD, xuống 83,37 RUB, trong phiên giao dịch quanh mức 83 – 84 RUB. Tuy nhiên, so với euro, đồng rúp phiên này vẫn tăng 0,2% lên 92,31 RUB.
Trong phiên trước đó, rúp đã tăng lên 80,3325 RUB/USD. Mức nhất kể từ ngày 23 tháng 2. Trên thị trường liên ngân hàng đầu tuần này, đồng rúp đã mạnh lên mức 75 RUB/USD/.
Các chính phủ và công ty châu Âu hôm 1/4 đã họp bàn về cách tiếp cận chung với yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin rằng họ phải trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Động thái của ông Putin đã thúc đẩy đồng rúp tăng giá trong hai tuần qua.
Ngân hàng trung ương Nga cho biết họ đã giảm bớt các hạn chế đối với cá nhân trong việc chuyển tiền nước ngoài đối với cá nhân trong 6 tháng, cho phép chuyển ngoại tệ hàng tháng với khối lượng giới hạn, giúp giảm bớt căng thẳng cho những người Nga thường xuyên gửi tiền cho người thân ở nước ngoài. Ngân hàng cho biết các biện pháp này sẽ không áp dụng đối với người dân từ các quốc gia ủng hộ lệnh trừng phạt chống lại Moscow.
Các nhà phân tích của Promsvyazbank cho biết: "Bước đi này giống như một tín hiệu cho thấy nếu đồng rúp mạnh lên hơn nữa, chúng ta có thể mong đợi các biện pháp tiếp theo để giảm bớt các hạn chế kiểm soát tiền tệ".
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tiếp tục biến động mạnh, bước vào phiên 1/4 ở mức gần 46.000 USD, sau đó nhanh chóng giảm xuống chỉ 44.379 USD, trước khi hồi phục mạnh mẽ lên mức 46.544 USD vào lúc kết thúc ngày 1/4 theo giờ Việt Nam.
Diễn biến Bitcoin tuần qua.
Giá vàng giảm mạnh trong phiên cuối tuần sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ khả quan khiến USD tăng nhanh.
Theo đó, giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 1/4 theo giờ Việt Nam giảm 0,7% xuống 1.924,16 USD, trong khi vàng kỳ hạn tháng 6 giảm mạnh 1,3% xuống 1,928 USD. So với đầu tuần, giá vàng đã mất khoảng 1,7%.
Ngoài đồng USD tăng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ mạnh lên cũng góp phần làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Tham khảo: Refintiv, Coindesk