Trong vòng nửa tháng qua, tỷ giá đồng USD đã trượt từ mức đỉnh của 20 năm, khi những tín hiệu về sự "giảm nhiệt" của lạm phát ở Mỹ làm dấy lên đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất.
Đồng bạc xanh đã giảm giá hơn 4% so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) trong tháng 11 này, tiến tới hoàn tất tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2010 - theo dữ liệu từ Refintiv. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm, USD vẫn tăng khoảng 11%.
Đà sụt giảm của đồng USD trong tháng này diễn ra khi giới đầu tư theo dõi các chỉ báo sớm cho thấy lạm phát ở Mỹ cuối cùng có thể đã qua đỉnh, mở đường cho FED tăng lãi suất với tốc độ chậm lại.
Một số dữ liệu, chẳng hạn thống kê về thị trường bất động sản và ngành sản xuất, cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với thách thức gia tăng - một trở ngại khác đối với việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chiến lược gia Thierry Wizman của Macquarie đánh giá: "Tất cả mọi thứ đều đang chỉ đến sự giảm lạm phát ở Mỹ và do đó, chúng ta sẽ chứng kiến sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ trong quý 1/2023. Tất cả tạo thành cơ sở cho sự suy yếu của đồng USD".
Sự giảm giá của đồng USD đã giải tỏa một phần áp lực đối với nền kinh tế toàn cầu do đồng USD mạnh gây ra. Năm nay, xu hướng tăng giá bền bỉ của USD đã đẩy lạm phát tăng cao ở nhiều nền kinh tế và làm gia tăng gánh nặng nợ nần đối với các quốc gia, doanh nghiệp, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi có mức độ vay nợ lớn bằng USD.
Hiện tỷ giá đồng Euro đã hồi về mức khoảng 1,04 USD đổi 1 Euro, từ mức dưới 0,96 USD tương đương 1 Euro hồi tháng 9. Đà phục hồi của đồng Bảng Anh kể từ mức thấp kỷ lục mọi thời đại thiết lập hồi tháng 9 cũng đang được đẩy nhanh. Đồng Yen Nhật đang phục hồi từ mức đáy 32 năm so với đồng USD - sự kiện khiến Chính phủ Nhật Bản phải chi hàng tỷ USD để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.
Dấu hiệu về sự giảm nhiệt của lạm phát đã đảo ngược những giao dịch trên thị trường tiền tệ đặt cược vào sự tăng giá của đồng USD. “Chúng tôi dự báo đà tăng mạnh của đồng USD trong vòng 1 năm qua sẽ đảo ngược trong năm 2023, khi chu kỳ tăng lãi suất của FED chấm dứt. Tỷ giá USD đã qua đỉnh”, các chiến lược gia ngoại hối của FED ngân hàng HSBC nhận định trong một báo cáo vào tuần qua.
Đợt tăng giá lịch sử của đồng USD trong năm nay diễn ra trong bối cảnh làn sóng lạm phát “càn quét” khắp thế giới, buộc các ngân hàng trung ương lớn - ngoại lệ là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) - mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, lãi suất ở nhiều quốc gia không thể đuổi kịp lãi suất của FED. Nhờ sự vững vàng tương đối của nền kinh tế Mỹ, FED có cơ sở để tăng lãi suất nhanh hơn so với ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển khác. Sức mạnh của đồng USD vì thế được củng cố.
Ngoài ra, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và mức độ biến động lớn trên thị trường tài chính - một hệ quả của chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh, cũng làm lợi cho tỷ giá đồng USD, bởi đồng bạc xanh chính là một "hầm trú ẩn" hàng đầu mà giới đầu tư toàn cầu thường tìm đến mỗi khi sợ hãi.
Theo HSBC, cả 2 nhân tố có lợi với đồng USD trên đều đang có chiều hướng giảm. Các chiến lược gia của ngân hàng này cho rằng đồng bạc xanh khó giữ "thế thượng phong" khi tình trạng bán tháo trên thị trường trái phiếu toàn cầu - một phần nguyên nhân là việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất - không còn.
Dù vậy, một số phát biểu cứng rắn của các quan chức FED trong những ngày gần đây đã phần nào kìm hãm kỳ vọng rằng FED sẽ tăng lãi suất chậm lại.
"Sự giảm giá gần đây của USD dường như là một phản ứng thái quá, xét tới việc các quan chức FED phát biểu gần đây đều nói rõ quan điểm rằng việc chống lạm phát còn một chặng đường dài phải đi", ông Athanasios Vamvakidis, chiến lược gia trưởng ngoại hối phụ trách 10 đồng tiền chủ chốt thuộc ngân hàng Bank of America, nhận định.
Vị chiến lược gia này cho rằng đồng USD có thể không lập lại mức đỉnh của 20 năm thiết lập vào cuối tháng 9, nhưng cảnh báo lạm phát vẫn còn cao. "Chúng ta vẫn chưa thoát hiểm… Ngay cả khi đã qua đỉnh, lạm phát vẫn sẽ cao dai dẳng", ông cho hay.