Tác dụng của tía tô với sức khoẻ
Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội cho biết, cây tía tô có thể dễ dàng trồng quanh năm, thích hợp với đất thịt hoặc đất phù sa, đặc biệt ưa sáng và ẩm. Loại cây này mọc nhiều ở khắp các vùng miền Việt Nam và nhiều nước châu Á. Sau khi ra hoa và kết quả, cây tàn lụi, để lại hạt giống tiếp tục phát triển vào mùa mưa năm sau.
Trong y học cổ truyền, tía tô vị cay, tính ấm, thường được sử dụng để kích thích tuyến mồ hôi, giãn mạch dưới da, từ đó hạ sốt, giải cảm. Ngoài ra, nước ngâm lá tía tô còn có tác dụng ức chế một số loại vi khuẩn gây bệnh như tụ cầu khuẩn, trực khuẩn lị và trực khuẩn đại tràng.
Hạt tía tô có thể chế biến thành trà giúp điều hòa khí huyết, trong khi cành tía tô lại được dùng làm thuốc an thai.
Y học hiện đại cũng chỉ ra rằng, lá tía tô chứa tinh dầu nguyên chất, giàu chất chống oxy hóa, chất kháng viêm, chống dị ứng và trầm cảm. Đặc biệt, aldehyd tía tô còn có khả năng kích thích thần kinh trung ương, giảm co thắt cơ trơn phế quản – hữu ích cho người có triệu chứng ho, tức ngực.

Nước tía tô tốt cho sức khoẻ nhưng không nên uống hàng ngày
Uống nước tía tô hàng ngày có tốt không?
Nhiều người vẫn thường có thói quen nấu nước tía tô uống hàng ngày. Vậy, uống nước tía tô hàng ngày có tốt không? Giải đáp về vấn đề này, Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời Lương y Trần Đăng Tài - Phó Chủ tịch Hội Đông y Thị xã Thái Hoà - Nghệ An cho biết, giống như mọi loại thực phẩm khác, khi sử dụng quá nhiều trong thời gian dài hoặc sử dụng không đúng cách, bạn có thể vô tình tạo ra những tác hại khôn lường, chưa kể một số người không nên dùng lá tía tô. Do đó dưới góc nhìn của y học cổ truyền, thì không nên dùng tía tô trong thời gian kéo dài.
Trong lá tía tô có một số hoạt chất gây bệnh cao huyết áp, tổn hại đến hệ tim mạch. Ngoài ra, uống nhiều nước tía tô cũng có thể khiến cho cơ thể bị rối loạn tiêu hóa gây ra đầy hơi, chướng bụng và nhiều tác dụng phụ không mong muốn khác. Do đó, mỗi người hàng ngày chỉ nên dùng khoảng 2 ly nước lá tía tô , chia nhỏ từng lần uống. Vẫn sử dụng nước lọc để cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể.
Mặt khác, thi thoảng nếu thấy uống nước trắng mà cảm thấy chán, nhạt miệng có thể dùng lá tía tô đun với đường phèn để tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Vì trong hai loại này chứa các chất chống oxy hóa và vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch và chống lại sự tấn công của vi khuẩn và virus.
Vì tía tô có thể khiến các tình trạng bệnh lý sau trở nặng hơn: sẽ khiến ra nhiều mồ hôi hơn, ra nhiều mồ hôi trộm không kiểm soát, đại tiện lỏng kéo dài... dẫn đến rối loạn điện giải và mất cân bằng của cơ thề. Ngoài ra trong lá tía tô có chứa nhiều acid oxalic. Nếu dùng nhiều cơ thể sẽ tích tụ acid oxalic ở tuyến thượng thận có thể gây suy thận, sỏi thận.
Như đã nói, tía tô là thảo dược có lợi cho sức khỏe, nhưng trong một số trường hợp một mình nó không thể trở thành thuốc chữa bệnh mà cần phải được kết hợp gia giảm với các vị thuốc khác.