Theo Forbes, ngày 9/6 vừa qua, công ty đấu giá Christie’s đã bán các tác phẩm của Alana Collection – bộ sưu tập từng thuộc về Alvaro Saieh – người từng là một trong những doanh nhân giàu nhất Chile.
Ông Saieh lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2013 với khối tài sản 3 tỷ USD. Tài sản của ông đạt mức cao nhất là 3,2 tỷ USD vào năm 2018. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, ông đã rơi vào cảnh khó khăn tài chính sau khi ngân hàng của ông - Corp Group Banking (CGB) đệ đơn phá sản tháng 6 năm ngoái.
Ngoài bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật, ông Saieh còn rao bán một căn hộ ở New York với giá 49 triệu USD để có tiền trang trải nợ nần. Ông Saieh sinh ra ở Colombia và lớn lên ở Talca (Chile). Ông là người đầu tiên trong gia đình đi học đại học. Sau này, ông gia nhập "Chicago Boys" – nhóm nhà kinh tế học nổi bật của Chile.
Chân dung doanh nhân Alvaro Saieh (Ảnh: Internet).
Ông lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Chicago rồi bắt đầu làm việc tại Liên Hợp Quốc và sau đó gia nhập Ngân hàng Trung ương Chile với vai trò giám đốc nghiên cứu.
Giai đoạn những năm 1973-1990, làn sóng tư nhân hóa bùng nổ khiến Ngân hàng Santiago quyết định bán một trong những ngân hàng của mình là Banco Osorno. Thời điểm đó, ông Saieh được một nhóm doanh nhân quan tâm đến thương vụ này thuê làm người cố vấn. Đổi lại, ông có cơ hội mua 10% cổ phần ngân hàng và nắm quyền quản lý sau khi hoàn tất mọi thủ tục.
Nhóm doanh nhân trên đã mua lại Banco Osorno với giá 10 triệu USD năm 1986. Khi đó, ông Seieh dùng tiền tiết kiệm và vay của mẹ để mua 10% cổ phần.
1 thập kỷ sau, ngân hàng Tây Ban Nha Santander mua lại 51% cổ phần của Banco Osorno với giá 496 triệu USD. Nhờ đó, ông Seieh thu về 130 triệu USD nhờ nắm giữ 14% cổ phần. 1 năm trước thương vụ trên, ông đã chi 60 triệu USD để mua lại Banco de Concepcion – ngân hàng sau này được đổi tên thành CorpBanca và trở thành ngân hàng tư nhân lớn thứ 5 ở Chile.
2 thập kỷ sau, ông Saieh mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ, chủ yếu mua lại các siêu thị và chuỗi cửa hàng. Ông còn nắm quyền kiểm soát Copesa – một trong những tập đoàn truyền thông hàng đầu Chile.
Theo một hồ sơ, đến năm 2013, ông Saieh đã đầu tư ít nhất 300 triệu USD để phát triển các doanh nghiệp bán lẻ của mình. Để có số tiền đó, ông bán cổ phần tại hai công ty bảo hiểm với giá khoảng 165 triệu USD.
Năm 2014, ông Saieh ký hợp đồng sáp nhập CorpBanca với chi nhánh tại Chile của ngân hàng Brazil Itau Unibanco. Quá trình này mất tới 2 năm. Trong thời gian đó, CGB có thỏa thuận vay 1,2 tỷ USD với tài sản là cổ phần của họ trong đơn vị sau sáp nhập.
Cũng trong năm đó, một công ty đầu tư của Mỹ có cổ phần tại CorpBanca, đã kiện Saieh, CorpBanca và CGB về hành vi gian lận chứng khoán. Luật sư của ông Saieh phủ nhận những cáo buộc trên và vụ việc bị bác bỏ, thương vụ sáp nhập được hoàn tất.
Ảnh: Internet.
Tuy nhiên, mới đây, Mike Lubrano - nhà đồng sáng lập quỹ Cartica, cho biết việc sáp nhập đã mang lại cho ông Saieh hạn mức và lãi suất vay mà đáng lẽ ra ông không được hưởng. "Việc CGB phá sản năm ngoái là minh chứng cho thấy cổ phiếu CorpBanca bị định giá thấp ở thời điểm đó", Lubrano nhận định.
Tháng 4/2016, khi vụ sáp nhập hoàn tất, ông Saieh vẫn nắm giữ 26% cổ phần của đơn vị mới - Itau CorpBanca, dưới danh nghĩa CGB.
Ngoài các sai lầm trong kinh doanh của Saieh, sự sụp đổ của CGB một phần còn nằm ở những vấn đề ngoài tầm kiểm soát. Một vài trong số đó là bất ổn kinh tế năm 2019 và đại dịch.
Tháng 9/2020, CGB lần đầu không thể trả lãi cho khoản nợ 500 triệu USD. Việc này tái diễn một lần nữa vào tháng 10 năm đó. Tháng 4 năm ngoái, CGB không thanh toán được nợ gốc và lãi suất cho khoản vay với Itau. Thời điểm nộp đơn phá sản vào tháng 6 năm ngoái, CGB nợ tới 1,8 tỷ USD.
Đầu năm nay, CGB đã giảm khoản nợ xuống còn 1,3 tỷ USD sau khi bán cổ phần tại chi nhánh Itau Corpbanca Colombia cho Itau Corpbanca để trả nợ Itau Unibanco.
Ngày 15/6 vừa qua, CGB đã đạt thỏa thuận về kế hoạch tái cơ cấu sau nhiều tháng đàm phán với chủ nợ. Theo đó, các chủ nợ sẽ nhận toàn bộ cổ phần của CGB tại Itau Corpbanca, 42% cổ phần của ông Saieh tại Copesa và được thanh toán 30 triệu USD trong 15 năm.
Nguồn: Forbes