"Tôi nghiện ChatGPT", tỷ phú 60 tuổi người Ấn Độ chia sẻ trên LinkedIn ngày 20/1. "ChatGPT xuất hiện đồng nghĩa việc phổ biến AI sẽ diễn ra nhanh hơn, nhờ vào khả năng đáng kinh ngạc lẫn những thất bại hài hước của nó".
ChatGPT được phát triển bởi OpenAI, là AI đình đám nhất thời gian qua. Công cụ trí tuệ nhân tạo này hoạt động như một chatbot tương tác với người dùng. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng AI này sẽ khiến nghệ sĩ, gia sư, lập trình viên, nhà văn... mấtviệc.
Adani không mô tả "nghiện" ChatGPT như thế nào, nhưng dự đoán dù muốn hay không, những AI như vậy sớm muộn sẽ làm thay đổi thế giới. "Không còn nghi ngờ gì nữa, AI sẽ có những tác động lớn", ông nhấn mạnh.
Cũng theo tỷ phú Ấn Độ, gần 5 thập kỷ trước, việc đi tiên phong trong thiết kế chip và sản xuất chip quy mô lớn đã đưa Mỹ đi trước phần còn lại của thế giới, tạo ra những gã khổng lồ công nghệ như Intel, Qualcomm. Ông so sánh AI với sự tiên phong này, nhưng lo ngại nó có thể bị lợi dụng cho mục đích quân sự.
"Nó có thể mở đường cho sự phát triển của các loại vũ khí dẫn đường và các phương tiện chiến tranh hiện đại. Cuộc đua trí tuệ nhân tạo sẽ nhanh chóng trở nên phức tạp như cuộc chiến chip silicon đang diễn ra", Adani nhận định.
Cũng theo ông, Trung Quốc có lợi thế hơn Mỹ trong cuộc đua AI vì số lượng nghiên cứu vượt trội năm 2021. Trước đó, Nikkei Asia và nhà xuất bản khoa học Hà Lan Elsevier đã thống kê và nhận thấy số bài báo học thuật về AI đã bùng nổ từ 25.000 bài năm 2012 lên 135.000 năm 2021.
Trong đó, Trung Quốc liên tục dẫn đầu về số bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học. Riêng năm 2021, nước này xuất bản 43.000 bài, gần gấp đôi Mỹ. Về chất lượng của những nghiên cứu được đăng, Trung Quốc cũng có tiến bộ nhanh chóng. Năm 2012, Mỹ dẫn đầu với 629 bài báo được trích dẫn, còn Trung Quốc ở vị trí thứ hai với 425 bài. Đến 2019, Trung Quốc lần đầu vượt Mỹ. Năm 2021, Trung Quốc chiếm 7.401 bài báo được trích dẫn, nhiều hơn 70% so với vị trí thứ hai của Mỹ.
Tỷ phú Gautam Adani khởi nghiệp và làm giàu từ nông nghiệp, than đá và đang tích cực mở rộng ra mảng nhiên liệu hóa thạch. Năm 1988, ông thành lập Adani Enterprises, công ty con thuộc Adani Group và hiện là hãng kinh doanh than đá lớn nhất Ấn Độ. 2022 được đánh giá là năm thịnh vượng của Adani khi ông vượt qua đồng hương Mukesh Ambani để trở thành người giàu nhất châu Á. Hồi tháng 8/2022, ông cũng là người giàu thứ ba thế giới với 127 tỷ USD, trên Jeff Bezos và Bill Gates, còn hiện ông đứng thứ tư trong danh sách tỷ phú của Bloomberg. Trong khi phần lớn tỷ phú khác mất tiền, Adani kiếm được 40 tỷ USD năm ngoái, trở thành người có tài sản tăng mạnh nhất thế giới.
(theo CNN)