Ngày 29/7, tại Trường đại học Nam Cần Thơ diễn ra hội thảo khoa học quốc tế chủ đề “Quản lý ung thư trong thời đại mới: Cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư ở Việt Nam và trên thế giới”.
TS. Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng gần 20 triệu trường hợp mắc mới ung thư và trên 10 triệu ca tử vong vì căn bệnh này, trong đó 2/3 ở các nước đang phát triển.
Theo nghiên cứu, xu hướng mắc ung thư không ngừng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị, nhưng nhiều bệnh nhân ung thư vẫn phát hiện ở giai đoạn muộn, việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
PGS.TS.BS Đàm Văn Cương, Giám đốc Bệnh viện ĐH Nam Cần Thơ cho biết, theo số liệu từ Hội nghị ung thư quốc tế về phòng chống ung thư năm 2022 (tổ chức tại Hà Nội), tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam cao thứ 2 thế giới.
Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận có 200.000 ca mắc mới, số ca tử vong lên đến 82.000 trường hợp. Tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam là 73,5%, trong khi của thế giới ở mức 59,7%, các quốc gia đang phát triển 67,9%. Như vậy tỷ lệ tử vong do các bệnh ung thư tại Việt Nam ở mức cao , do đa số được phát hiện muộn, việc điều trị kết quả chưa cao.
Theo ông Cương, sự chuyển dạng từ một tế bào bình thường thành một tế bào ung thư là quá trình nhiều giai đoạn, từ một tổn thương tiền ung thư đến khối u ác tính. Những thay đổi này là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố di truyền của một người và ba loại tác nhân bên ngoài, bao gồm: các tác nhân sinh ung vật lý, như tia cực tím và bức xạ, phóng xạ, ion hóa; các tác nhân sinh ung hóa học, như a-mi-ăng (asbestos), các thành phần của khói thuốc lá, thuốc bảo vệ thực vật do ô nhiễm nguồn nước; các tác nhân sinh ung sinh học như nhiễm trùng một số virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng.