Tài chính

Từng được mệnh danh là "Alibaba của Việt Nam", hệ sinh thái NextTech của Shark Bình có những gì?

Tập đoàn NextTech có tiền thân là Công ty CP Giải pháp phần mềm Hòa Bình (Peacesoft), doanh nghiệp do Shark Bình thành lập từ khi còn là sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2001.

Shark Bình tên đầy đủ là Nguyễn Hòa Bình. Ông sinh năm 1981 và hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch Tập đoàn NextTech. Ông tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam 2019 trong vai trò là nhà đầu tư. Cái tên Shark Bình cũng ra đời từ đây.

Ở Shark Tank Việt Nam mùa 4, Shark Bình đã có 9 thương vụ chốt deal thành công với tổng số tiền cam kết đầu tư hơn 37 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ có Coolmate qua được vòng thẩm định doanh nghiệp. Shark Bình đã tiến hành rót 500.000 USD đổi lấy 10% cổ phần cho startup Coolmate sau màn DD nhanh nhất lịch sử chương trình.

Coolmate là thương hiệu thời trang nam cung cấp sản phẩm trực tiếp đến khách hàng qua kênh thương mại điện tử (D2C E-commerce). Sau màn gọi vốn thành công này, Coolmate cũng đã huy động được thêm 2 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A với sự dẫn dắt của Access Ventures.

Về Tập đoàn NextTerch, kể từ khi thành lập, Tập đoàn liên tục ra mắt các sản phẩm mới như Giải pháp thanh toán thẻ tín dụng trên di động mPOS, cổng thương mại điện tử xuyên biên giới WeShop, giải pháp hậu cần kho vận cho thương mại điện tử Boxme, hay ví điện tử trên di động Vimo

Công ty Cổ phần Tập đoàn NextTech từng được ví như “Alibaba của Việt Nam” và được bầu chọn là một trong Top 10 doanh nghiệp có ảnh hưởng đến sự phát triển của Internet tại Việt Nam giai đoạn 2007-2017.

Trong danh mục đầu tư, NextTech đang rót vốn vào hơn 20 doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính, truyền thông.

Những doanh nghiệp đáng chú ý do NextTech xây dựng và rót vốn phải kể tới nhóm fintech với cổng thanh toán Ngân Lượng, ví điện tử Vimo, nền tảng thanh toán AlePay, mPOS, Nextpay hay Tienngay.vn…

Từng được mệnh danh là "Alibaba của Việt Nam", hệ sinh thái NextTech của Shark Bình có những gì? - Ảnh 1.

Ở lĩnh vực thương mại điện tử, NextTech cũng rót vốn vào nhiều nền tảng như Misell, Pushsale, Cuccu, Coolmate… Ngoài ra, tập đoàn này còn đầu tư vào lĩnh vực e-logistic với thương hiệu Boxme, HeyU, FastGo và lĩnh vực truyền thông với Topcv, Schola, Tick.com…

Từng được mệnh danh là "Alibaba của Việt Nam", hệ sinh thái NextTech của Shark Bình có những gì? - Ảnh 2.

Trong nhóm doanh nghiệp kể trên, Công ty CP Ngân Lượng được xem là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất.

Giai đoạn 2016-2018, doanh thu của Ngân lượng liên tục tăng trưởng. Đặc biệt, năm 2018, doanh thu đạt đỉnh ở mức gần 1.900 tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm 2017. Doanh nghiệp thu về gần 32 tỷ đồng lãi thuần.

Sang năm 2019, doanh thu của Ngân Lượng sụt giảm chỉ còn 424,2 tỷ đồng. Trái ngược lại với doanh thu, lãi thuần của công ty lại tăng lên đến gần 110 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần so với năm trước. Tính trong cả giai đoạn 2016-2019, Ngân Lượng đã ghi nhận tổng cộng gần 4.600 tỷ đồng doanh thu thuần và 166 tỷ đồng lãi thuần.

Một cái tên khác nổi bật trong hệ sinh thái của NextTech Group là ví điện tử Vimo. Đây là đơn vị trung gian thanh toán đầu tiên cho phép khách Trung Quốc sử dụng ví điện tử WeChat Pay thanh toán tại Việt Nam.

Trong giai đoạn 2016-2019, công ty này ghi nhận tổng cộng gần 730 tỷ đồng doanh thu thuần nhưng lỗ thuần hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2019, công ty ghi nhận gần 343 tỷ đồng doanh thu và lỗ thuần gần 8 tỷ đồng. Vimo chỉ báo lãi duy nhất vào năm 2017 (4,2 tỷ đồng).

Ngoài Ngân Lượng, Vimo, NextTech Group cũng có nhiều khoản đầu tư đáng chú ý khác như rót gần 10 tỷ đồng vào TopCV. Tuy nhiên, đại diện của TopCV cho biết, công ty chỉ nhận khoản tiền đầu tư chứ không thuộc về Hệ sinh thái của NextTech.

Bên cạnh đó, một thương hiệu đáng chú ý khác liên quan NextTech và Shark Bình là FastGo. Ra đời vào tháng 6/2018 sau 3 năm nghiên cứu phát triển, FastGo là sản phẩm của Công ty cổ phần FastGo Việt Nam, ứng dụng đặt xe tương tự như Grab và Gojek.

FastGo đã có những bước tiến rầm rộ ở giai đoạn đầu khi chỉ sau 6 tháng ra mắt, ứng dụng có 40.000 tài xế trong hệ thống. Thậm chí cuối năm 2018, FastGo tiến đánh thị trường Myanmar, bước đầu tiên trong chiến lược lọt top 3 hãng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á.

Sang đến tháng 8/2019, FastGo ký hợp tác chiến lược với VinFast về việc cung cấp 1.500 chiếc Fadil cho ứng dụng FastGo với nhiều ưu đãi đến tài xế và khách hàng. Tuy nhiên tốc độ mở rộng của FastGo lúc này có phần chững lại, khi hãng gọi xe thuần Việt lúc đó có 60,000 tài xế trong hệ thống, tức 8 tháng chỉ có thêm 20.000 tài xế gia nhập, thay vì 6 tháng là 40.000 người như giai đoạn đầu.

Từ sau khi FastGo chuyển hướng không "đốt tiền", sự hiện diện của ứng dụng này ngày một giảm dần. Một số tài xế phàn nàn về việc mở ứng dụng cả ngày cũng không có khách. Theo số liệu ABI Research công bố nửa đầu 2020, Grab, Gojek và Be chiếm tới 99,3% thị phần trong thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam. Trong khi đó, FastGo chỉ chiếm 0,7% thị trường.

Trên thực tế, FastGo đã dừng cập nhật vào tháng 5/2021, tức khoảng 3 năm ứng dụng gọi xe thuần Việt này ra mắt thị trường.

Các thương vụ đầu tư gần đây của tập đoàn này đều có thể kể đến như đầu tư 500.000 USD vào FoodHub.vn, rót vốn 6,4 triệu USD vào Công ty cổ phần dịch vụ Hậu cần Boxme Việt Nam hay 500.000 USD vào Coolmate.me.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm