Ngày 17/6, ông Richard Prokypcak Giám đốc công ty khí đốt SPP do nhà nước Slovakia quản lý cho biết, phía Nga đã thông báo về việc giảm 50% khối lượng khí đốt cung cấp cho nước này. Lý do giảm vẫn chưa được làm rõ.
Cùng ngày, Gazprom cũng thông báo với Công ty khí đốt Eni của Ilaty rằng công ty năng lượng của Nga sẽ chỉ cung cấp 50% lượng khí đốt được yêu cầu trong ngày 17/6. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Nga giảm lượng khí đốt cung cấp cho Italy. Trước đó, Gazprom giảm 15% vào ngày 15/6, giảm 35% vào ngày 16/6.
Trong khi đó, Pháp không còn nhận được khí đốt tự nhiên từ Nga. Nhà điều hành mạng lưới khí đốt GRTGaz của Pháp cho biết nguồn cung từ Nga qua Đức đã dừng hoàn toàn vào ngày 15/6, sau khi giảm 60% trong 5 tháng đầu năm.
GRTGaz cho biết, việc Nga dừng cung cấp khí đốt sang Pháp dự kiến sẽ không gây ảnh hưởng lớn, một phần là nhờ Pháp vẫn còn nguồn cung cấp từ Tây Ban Nha.
Gazprom nói rằng việc giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu có liên quan đến việc bảo trì đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 1), chạy từ Nga đến Đức qua Biển Baltic. Hệ thống đường ống này vận chuyển khoảng 40% lượng khí đốt của Nga sang châu Âu.
Phía Nga nhắc tới một turbin bơm khí do công ty Siemens Energy của Đức sản xuất. Turbin này đã được gửi đến Montreal, Canada để bảo trì. Tuy nhiên cách đây vài ngày, Siemens Energy cho biết các lệnh trừng phạt của Canada đối với Nga đã làm trì hoãn việc hoàn trả turbin bơm khí sau khi bảo trì.
Châu Âu cáo buộc Nga chính trị hóa khí đốt
Các nhà lãnh đạo châu Âu chỉ trích việc Nga giảm cung cấp khí đốt ở thời điểm này, nhấn mạnh rằng, động thái mới của Nga được đưa ra khi các nhà lãnh đạo của Đức, Pháp và Italy có chuyến thăm mang tính biểu tượng tới Ukraine và có cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 16/6.
Tại cuộc họp báo ở thủ đô Kiev, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã cáo buộc giới chức Nga và Gazprom nói dối về lý do giảm lượng khí đốt cung cấp sang châu Âu.
“Trên thực tế, họ đang sử dụng khí đốt cho mục đích chính trị, giống như đã làm với ngũ cốc”, ông Draghi nói.
Trên Instagram ngày 16/6, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng đăng tải dòng trạng thái về việc Nga giảm lượng khí đốt cung cấp sang các nước châu Âu.
“Nga đang làm điều mà mọi người đều lo sợ ngay từ đầu. Moscow giảm lượng cung cấp khí đốt không phải trong một lần mà là từng bước”, ông Habeck cho biết.
Một người phát ngôn của EU mô tả động thái mới của Moscow là “một ví dụ khác cho thấy Gazprom và Nga sử dụng nguồn cung cấp năng lượng như một công cụ tống tiền”.
Nga sẽ chơi theo quy tắc riêng?
Trên thực tế, Moscow đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Phần Lan, Ba Lan, Bulgaria, công ty Orsted của Đan Mạch, GasTerra của Hà Lan và tập đoàn năng lượng khổng lồ Shell trong các hợp đồng với Đức, tất cả đều với lý do khách hàng từ chối thanh toán bằng đồng rúp.
Tuy nhiên động thái mới của Nga một lần nữa nhấn mạnh mức độ rủi ro của các nước châu Âu do phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại Moscow có thể siết chặt hơn nữa nguồn cung trong những tháng tới.
Giám đốc điều hành Gazprom, ông Alexei Miller, nói rằng Nga sẽ chơi theo quy tắc của riêng mình.
“Sản phẩm của chúng tôi, quy tắc của chúng tôi. Chúng tôi không chơi theo những quy tắc mà chúng tôi không tạo ra”, ông Miller phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg ngày 16/6.
Sau tuyên bố này, giá khí đốt bán buôn của Hà Lan - một tiêu chuẩn châu Âu cho giao dịch khí đốt tự nhiên, đã tăng tới 9% trong các giao dịch sáng 17/6.
Nguy cơ cạn kiệt khí đốt trong mùa đông
Các nhà phân tích cho rằng việc cắt giảm nguồn cung từ Nga không phải là mối đe dọa ngay lập tức đối với người tiêu dùng châu Âu, nhưng có thể báo hiệu sự thiếu hụt khí đốt đáng kể vào mùa đông năm nay. Nhiều nước châu Âu sử dụng những tháng mùa hè để dự trữ khí đốt cho mùa đông tiếp theo khi nhu cầu năng lượng tăng cao hơn.
Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu cho các thành viên đảm bảo các cơ sở lưu trữ khí đốt sẽ đạt mức 80% vào ngày 1/11 năm nay. Theo công ty dịch vụ tài chính toàn cầu ING, các cơ sở lưu trữ hiện đạt mức 52%.
Hiện châu Âu đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt, trong đó có cả khí đốt hỏa lỏng (LNG) từ Mỹ. Tuy nhiên, một vụ cháy và nổ xảy ra trong tuần này tại trạm LNG ở Freeport, Texas - một trong những trạm khí đốt đầu cuối lớn nhất ở Mỹ, đã khiến cơ sở này phải dừng hoạt động trong 90 ngày.
Giám đốc điều hành Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol tuần trước cảnh báo EU có thể gặp rủi ro về việc phân bổ năng lượng trong mùa đông nếu các thành viên không thực hiện thêm các bước để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.
“Trong trường hợp xấu nhất, châu Âu sẽ cần phải có một số hình thức phân bổ khí đốt để duy trì nguồn cung cấp cho các ngành công nghiệp và dịch vụ thiết yếu”, ông Henning Gloystein, nhà phân tích năng lượng tại Eurasia Group, trả lời Washington Post qua email.
Một số quốc gia, bao gồm cả Đức và Italy, đã xem xét hạn chế bắt buộc đối với tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, những biện pháp như vậy có thể sẽ bị phản đối vì lạm phát làm tăng giá tiêu dùng, gây thêm áp lực cho các chính phủ.
Đầu tuần này, Hiệp hội các thị trấn và thành phố của Đức đã kêu gọi thay đổi cơ chế pháp lý để giúp tiết kiệm năng lượng dễ dàng hơn, theo đó chủ cho thuê căn hộ có nghĩa vụ đảm bảo nhiệt độ ít nhất là 20 độ C.
Tuy nhiên người đứng đầu hiệp hội, ông Gerd Landsberg nói với nhật báo Rheinische Post của Đức rằng yêu cầu này cần phải được điều chỉnh.
“Ngay cả một căn hộ có nhiệt độ 18 hoặc 19 độ C cũng có thể được sống thoải mái. Mọi người có thể sẽ ủng hộ sự hy sinh nhỏ bé này”, ông Landsberg nói.
Trong bài đăng trên Instagram, Bộ trưởng Kinh tế Đức Habeck nhắc lại thông điệp dành cho người dân mà chính phủ đưa ra trong những tuần gần đây rằng: hãy giảm tiêu thụ năng lượng nhiều càng tốt.
“Bây giờ là lúc để làm như vậy. Mỗi kilowatt giờ tiết kiệm được đều sẽ giúp ích trong tình huống này”, ông Habeck nhấn mạnh./.