Từ làm công ăn lương ở xưởng gỗ đến mua nhà 3,5 tỷ đồng
“30 tuổi, mình đã có một căn nhà 3,5 tỷ, một xe Mazda 6 giá 1 tỷ, và mấy trăm triệu dự phòng. Năm 24 tuổi lấy vợ, từ 2 bàn tay trắng mà vươn lên, hồi đó làm trong xưởng gỗ, đói quá còn phải bán cặp nhẫn cưới 3 triệu để ăn, cuộc sống đi lên từ cực khổ, giờ nghĩ lại mình thấy may mắn vì khi đó đã không bỏ cuộc.” Đó là lời chia sẻ của Nguyễn Bảo, sống tại Bình Dương, khi được hỏi “30 tuổi bạn đã có gì trong tay?”
Có nhiều câu chuyện truyền cảm hứng mua nhà trả góp ở tuổi 20 với lãi suất ngân hàng thấp và cách đầu tư thông minh. Nhưng vẫn còn nhiều thắc mắc: “Lương 2-30 triệu mua trả góp là bình thường, trong bài viết có ai lương 8 triệu như tôi đâu?”, “Vào để học hỏi kinh nghiệm, mà thấy lương ai cũng 50 triệu /tháng, thôi quay xe, chừng nào có lương mức đó thì đọc tiếp!”, hay “Lương 8 triệu thì chỉ có ở thuê suốt cuộc đời”… và còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra về việc lương tháng bao nhiêu thì mua được nhà trả góp.
Tôi đặt ra câu hỏi tương tự với Bảo về việc làm sao với lương 11 triệu/ tháng mà mua nhà tiền tỷ giỏi thế. Câu trả lời mới khiến tôi ngỡ ra: “Nếu chấp nhận mức lương như thế suốt đời, thì nhà và xe là giấc mơ xa vời với mình. Phải tìm cách vươn lên chứ làm sao mà sống với mức lương đó mãi được.”
Hành trình mua nhà của Bảo cũng là một cơ duyên, Bảo nói đời may hơn khôn. Khi làm ở xưởng gỗ, hồi đầu cực lắm, khóc lên khóc xuống, còn phải xa gia đình. May mắn sao gặp được người sếp thay đổi cả cuộc đời mình. Sếp của Bảo ngoài làm chủ 1 xưởng gỗ, còn kiêm thêm cả kinh doanh bất động sản. Thấy Bảo chăm chỉ, thật thà và luôn nỗ lực trong công việc, nên hỏi có muốn ăn theo nghề phụ nữa không. Đó là khi Bảo được tiếp xúc với nghề môi giới bất động sản, rồi tìm hiểu thêm, biết được mua nhà trả góp hóa ra không khó như mình nghĩ.
Thế rồi, năm 26 tuổi, Bảo quyết định dùng hết vốn liếng mua trả góp một căn nhà, đón gia đình sang ở cùng. Căn nhà Bảo chọn mua ở thời điểm đó có giá 1,2 tỷ đồng, trả trước 50%, trả góp trong 5 năm, lãi suất ưu đãi năm đầu là 3,5%/ năm, những năm sau đó theo lãi suất thả nổi, tính ra trung bình Bảo phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 12 triệu đồng mỗi tháng.
“Lúc quyết định mua trả góp tài sản lớn như thế, mình cũng băn khoăn lắm. Nhưng khi đón được vợ con sang ở cùng, mình thấy mọi khó khăn đều xứng đáng." Và tất nhiên, để có đủ tiền sinh hoạt và trả nợ hàng tháng, Bảo đã phải vừa làm ở xưởng gỗ, vừa làm môi giới bất động sản, ngày làm việc 15-16 tiếng là chuyện bình thường. 2 năm sau đó tích được ít vốn, anh chàng chuyển qua làm bất động sản luôn. Đến khi có trong tay 2 tỷ, Bảo quyết định mua đi bán lại và chuyển sang căn nhà mới trị giá 3,5 tỷ đồng mà bây giờ anh chàng đang sở hữu.
Lương 8 triệu/ tháng thì có mua nổi nhà không? Trước vấn đề này, Bảo trả lời: “Sự lựa chọn là do mình hết. Lương 8 triệu đâu có nghĩa là hạn mức cuối cùng đâu, khi mục tiêu đủ lớn rồi, ai cũng sẽ tìm được cách để biến ước mơ thành sự thật. Mình chỉ muốn nói rằng mình còn trẻ, còn có sức làm nhiều thứ lắm.”
Bài học mình rút ra ở đây là gì? Đó là dù có đọc bao nhiêu bài viết đi chăng nữa, thì cũng không có ai chỉ được chính xác cho bạn phải làm gì với mức lương mà bạn đang có, hay cụ thể hơn là không ai chỉ bạn lương 8 triệu thì làm sao mua được nhà. Hầu hết tất cả những bài viết đều có mục đích khiến bạn nhận ra rằng con số đó là chưa đủ, giá trị con người bạn ở thời điểm đó cần phải được nâng lên, cũng giống như mức lương 11 triệu/ tháng giúp cho Bảo mua được nhà ở tuổi 30 vậy.
Sau 30 tuổi, ở thuê không ổn nữa, phải mua nhà thôi!
Tại sao nhiều người trẻ lựa chọn vay tiền mua nhà , mua đất trả góp mà không lựa chọn tiết kiệm đủ tiền rồi mới mua? Đối với nhiều người, có một mái ấm để vun đắp quan trọng hơn một nỗi sợ về nợ nần.
Giống như lời Tuấn (1992, Hà Nội) từng chia sẻ: “Sắp 30 tuổi mình bắt đầu có nhiều suy nghĩ khác lắm. Lúc thanh niên, ra ngoài xã hội kiếm tiền, nghe mấy ông nhiều tiền bảo nhà chỉ là tiêu sản thôi, nghe vậy rồi cứ kiếm tiền thuê mấy khu cao cấp ở. Nhưng khi bước sang tuổi 30, mình thấy các cụ nhà mình nói đúng, an cư mới lạc nghiệp. Lúc nhìn thấy bé Bi, con gái mình, lật đật theo ba mẹ mỗi lần chuyển nhà, là đã thấy không ổn rồi, cả lúc vợ mình bầu nữa. Tâm lý nhà đi thuê, mình chẳng trau chuốt gì nhiều, bởi vì nó không phải là nhà của mình. Thế nên khi đó, mình biết là mình cần phải có một cái nhà!”
Kể từ đó, Tuấn ấp ủ một dự định mới là có một mái ấm riêng thuộc về mình, để có thể cùng chăm sóc cho ngôi nhà đó. Đi thuê thì không dám mua nhiều đồ, sợ mỗi lần chuyển nhà lại cực. “Thế là mình có một mục tiêu mới là cần phải có một cái nhà cái đã, nhà to nhà bé nhà đắt nhà rẻ thì mình chưa bàn.”
Nghĩ là làm luôn, Tuấn quyết định mang tài sản vợ chồng tích góp được trước đây mua một căn chung cư ở gần trung tâm thành phố, cũng tiện đường đi làm. Căn chung cư lúc đó Tuấn chọn mua, 2 phòng ngủ 1 phòng khách, giá 2,8 tỷ đồng. Ngân sách 2 vợ chồng dành ra mua nhà cao hơn so với dự tính ban đầu, nhưng với suy nghĩ lâu dài vẫn quyết định vay thêm để mua được căn nhà đó.
“Lúc biết khoản mua nhà vượt qua dự tính, mình cũng không bất ngờ lắm. Mình cũng xác định, 2 vợ chồng đang trẻ, làm thêm vài năm nữa là trả xong nợ, có thể cho con mình được 1 môi trường sống tốt hơn, vất vả thêm vài năm nữa thì có sao. .Theo như tính toán về mức dư ra của 2 vợ chồng lúc bấy giờ, Tuấn chọn trả trước 60%, còn 40% trả góp trong vòng 5 năm, trung bình mỗi tháng phải dành ra gần 20 triệu để trả nợ. “Con số đó đối với mình thì không thấy áp lực lắm, vì ngoài làm cho doanh nghiệp, mình còn kiêm thêm cả mảng làm content freelancer hướng nghiệp nữa, thu nhập cũng coi là ổn định.”
Mua bất động sản là kênh đầu tư hiệu quả nhất trong 20 năm qua
Theo Grand Capital, thì đầu tư vào bất động sản có mức sinh lời bình quân khoảng 11,9% /năm, ở Việt Nam trong năm 2021, “cơn sốt” về bất động sản còn khiến cho mức tăng bình quân trên cả nước lên tới 30-100%. Tom Peng - CEO của Mediastep Software Việt Nam có nhận định rằng: “Bất động sản ở Việt Nam đi ngược lại lý thuyết kinh tế, giá bất động sản Việt Nam là hoàn toàn không đoán trước được. Nên tôi chỉ có thể đoán rằng, nó sẽ tăng giá. Giá bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên dù có biến cố gì trên thế giới đi nữa.”
Chính vì những khẳng định như vậy, ở Việt Nam bạn sẽ luôn được khuyên rằng hãy mua bất động sản càng sớm càng tốt. Câu chuyện này cũng giống với trường hợp của Hùng (1993, Bắc Ninh): “Muốn mua đất ở quê thì cũng phải mất tầm 2-3 tỷ, chưa tính tiền xây nhà, sợ đến lúc kiếm đủ tiền mua đất thì nó lại tăng gấp 2 gấp 3.”
Đó cũng là khi Hùng nghĩ đến việc vay ngân hàng để đầu tư vào BĐS. Cũng như dự tính ban đầu, anh chàng không mua chung cư: “Mình không thích sống ở chung cư, cảm giác được hít hương đồng gió nội vẫn thích hơn, với cả bây giờ có mua thì cũng chỉ đủ khả năng mua được mấy căn chung cư giá rẻ, dễ mất giá lắm. Mình mua đất rồi tích góp tự xây căn nhà của mình thôi.”
Với số tiền ban đầu không đủ, Hùng quyết định vay ngân hàng, vì việc làm ăn kinh doanh vẫn cần tiền xoay vòng vốn, không thể bê nguyên cục tiền mua đất được. Ngân hàng vẫn là sự lựa chọn tốt và an toàn nhất. Vì có điểm tín dụng cao, nên tiền lãi Hùng phải trả nhẹ hơn rất nhiều so với những người mới vay.
Ở thời điểm đó, anh chàng quyết định chốt lô đất thổ cư gần 2 tỷ đồng. Ban đầu, Hùng dành tiền trả 65% trước, số tiền còn lại thì vay ngân hàng trả lãi trong vòng 3 năm. Đối với Hùng mà nói, lựa chọn vay tiền mua đất là khi quá trình khởi nghiệp đã bắt đầu ổn. Tiền kiếm ra được đủ để anh chàng chi trả khoản nợ đất mà không bị áp lực hàng tháng.