Chứng khoán

Tuần 30/5 - 3/6: NĐT cá nhân mua ròng 835 tỷ đồng trên HOSE, tâm điểm PNJ, HPG, VIC

Đà tăng điểm chững lại sau 2 tuần, VN-Index đóng cửa tuần thứ 23 của năm 2022 với 3 phiên giảm, 2 phiên tăng. Chỉ số chính sàn HOSE có thêm 2,53 điểm, chỉ tăng nhẹ 0,2% với 11/19 ngành tăng điểm nhưng số lượng cổ phiếu giảm lại áp đảo với 231 mã giảm/150 mã tăng.

Trong bối cảnh thanh khoản không tăng trưởng, dòng tiền tiếp tục luân chuyển quay lại các ngành như điện nước & xăng dầu khí đốt, dầu khí, bán lẻ, hóa chất.

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 16.827 tỷ đồng, tăng 7% so với tuần trước đó và 8% so với trung bình 5 tuần gần đây.

Trong bối cảnh thị trường gần như đi ngang, tổ chức trong nước là bên bán ròng duy nhất, trong khi nhà đầu tư cá nhân trong nước, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán và khối ngoại là các bên rót tiền nâng đỡ thị trường. Trong đó, NĐT cá nhân là bên mua ròng mạnh nhất với giá trị vào ròng trên HOSE đạt 835 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 262 tỷ đồng.

Dòng vốn cá nhân tiếp tục rút khỏi nhóm hóa chất, ngân hàng

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch khá cân bằng với tỷ lệ ngành được mua ròng/bán ròng là 9/9.

Trong đó, cổ phiếu nhóm hàng cá nhân & gia dụng được mua gom nhiều nhất với giá trị lên tới 296 tỷ đồng. Có thể thấy nhóm này bất ngờ trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền sau tuần bán ròng trước đó.

Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân của nhà đầu tư cá nhân cũng được đẩy mạnh ở nhóm cổ phiếu tài nguyên cơ bản với 290 tỷ đồng, bất  động sản với gần 245 tỷ đồng.

Ngoài ra, dòng tiền cá nhân nội cũng được duy trì ở các một số nhóm cổ phiếu như bán lẻ (118 tỷ đồng), thực phẩm và đồ uống (63 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (45 tỷ đồng),...

 

 Giao dịch khớp lệnh của nhà đầu tư cá nhân theo nhóm ngành. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều ngược lại, hoạt động rút vốn ròng diễn ra mạnh mẽ nhất ở nhóm cổ phiếu hóa chất với quy mô gần 400 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 388 tỷ đồng tuần trước. Có thể thấy NĐT cá nhân chưa ngừng chốt lời nhóm hóa chất khi ngành này diễn biến khởi sắc hơn thị trường chung với chỉ số giá ngành tăng gần 4,7%.

Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là ngân hàng (336 tỷ đồng), bảo hiểm (83 tỷ đồng), dầu khí (44 tỷ đồng),...

Tuần qua, nhóm dầu khí có tỷ trọng giá trị giao dịch tăng mạnh lên 7,83%, là mức cao nhất trong 10 tuần liên tiếp và gấp hơn 3 lần tuần thấp nhất. Điều này cho thấy cầu vào nhóm này tăng mạnh đẩy giá tăng (chỉ số giá ngành tăng 8,37% trong tuần).

Đây là nhóm ngành được hưởng lợi từ giá dầu liên tục duy trì ở mức trên 100 USD/thùng trong khi doanh nghiệp đặt kế hoạch năm dựa theo giá dầu thấp hơn rất nhiều. Ngoài ra, việc dự án Ô Môn B sẽ được trao quyết định đầu tư vào tháng 7 được dự báo sẽ là cú hích cho ngành.

Tập trung gom PNJ trong khi xả mạnh nhất mã DGC

Dẫn đầu danh mục bán ròng là cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang với 288,5 tỷ đồng, bỏ khá xa mã đứng thứ hai là CTG với 120,2 tỷ đồng.

DGC vừa công bố thông tin phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 117%. Tập đoàn dự kiến phát hành thêm gần 200,2 cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền là 100:117 tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 117 cổ phiếu mới.

Nguồn vốn phát hành là từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngày đăng ký cuối cùng để phân bổ quyền là ngày 6/6. Sau phát hành, vốn điều lệ của Hoá chất Đức Giang sẽ tăng từ 1.710 tỷ lên 3.712 tỷ đồng.

Hoạt động chốt lời diễn ra trong bối cảnh DGC tiến về gần vùng đỉnh cũ. Trái ngược với các cá nhân, cổ phiếu hóa chất này lại được cả khối ngoại và các tổ chức nội mua ròng đối ứng qua kênh khớp lệnh.

Bên cạnh CTG, một số đại diện của các nhà băng cũng bị xả ròng còn có HDB (110,9 tỷ đồng), MBB (74,4 tỷ đồng) và VCB (59,5 tỷ đồng).

Kế đó, cá nhân trong nước cũng bán ròng 95,8 tỷ đồng cổ phiếu MSN của Masan, trước khi bán ròng nhẹ hơn ở một số cổ phiếu như PLX (81,6 tỷ đồng), DCM (78,6 tỷ đồng), IJC (78,3 tỷ đồng) và MIG (66,5 tỷ đồng).

Top 10 mã được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh tuần 30/5 - 3/6. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều mua vào, giao dịch rót vốn ròng tập trung ở cổ phiếu PNJ của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận với giá trị lên đến 293 tỷ đồng. Xu hướng giao dịch tích cực ở cổ phiếu này xuất hiện sau khi thị giá PNJ tiên tục tăng và hiện đang neo quanh vùng đỉnh lịch sử.

Bên cạnh đó, dòng vốn cá nhân còn tìm đến HPG (217,2 tỷ đồng), VIC (176,7 tỷ đồng), MWG (160,3 tỷ đồng), VHC (108,8 tỷ đồng) và VJC (102,6 tỷ đồng). Theo sau, lực cầu dưới 100 tỷ đồng cũng được ghi nhận tại các đại diện NKG, VNM, HDG.

Mặc dù chốt lời loạt cổ phiếu ngân hàng, các cá nhân lại rót ròng 72,1 tỷ đồng vào mã VPB của VPBank. Theo báo cáo mới đây, Chứng khoán MB (MBS) dự báo rằng VPBank hoàn toàn có cơ sở đạt mức lợi nhuận trước thuế dự kiến là 29.662 tỷ đồng, tăng 107% so với thực hiện 2021 và mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 35%. Ngoài ra, FE Credit cũng có đóng góp lớn vào lợi nhuận trước thuế của ngân hàng, được kỳ vọng sẽ có sự chuyển mình và bứt phá trong năm 2022.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm