Thời sự

Từ vụ tài xế bị phạt gần 49 triệu đồng: Trường hợp vi phạm giao thông nào bị Chủ tịch tỉnh xử phạt?

Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, trong đó có lỗi vi phạm về nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe, không có giấy tờ xe.

Đáng chú ý, có trường hợp ông V.H.H (SN 1993, ngụ huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) bị phạt tổng số tiền lên tới 48,5 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, Công an huyện Đơn Dương phát hiện ông Hiếu không chỉ vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà còn không có giấy phép lái xe. Chiếc xe ô tô ông Hiếu điều khiển cũng không có đăng ký xe.

Từ vụ tài xế bị phạt gần 49 triệu đồng: Trường hợp vi phạm giao thông nào bị Chủ tịch tỉnh xử phạt? - 1

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn với tài xế (Ảnh: Cục CSGT)

Liên quan tới sự việc trên, nhiều độc giả thắc mắc, Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt những vi phạm giao thông nào? Vì sao không phải CSGT, hay giám đốc công an tỉnh ra quyết định xử phạt mà là UBND tỉnh?

Trao đổi với PV về thắc mắc của độc giả, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết, Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100/2019/NĐ-CP), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định) có quy định rõ về thẩm quyền xử phạt tại Mục 1, Chương IV.

Trong đó, tại điều 74 của Nghị định quy định về “Phân định thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt” có nêu: Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này trong phạm vi quản lý của địa phương mình.

“Nói cách khác, Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền được xử phạt các hành vi vi phạm quy định trong Nghị định khi hành vi vi phạm xảy ra trên địa bàn địa phương mình quản lý.

Tuy nhiên, Nghị định cũng quy định về thẩm quyền cụ thể mức được phạt với Chủ tịch UBND các cấp xã, huyện và tỉnh”, luật sư Kiên nói.

Theo luật sư Lê Văn Kiên, khác biệt dễ nhận thấy nhất về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp là ở mức tiền xử phạt. Cụ thể, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền phạt đến 37.500.000 đồng. Trong khi Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền phạt tiền đến 75.000.000 đồng.

“Theo Nghị định, ngoài thẩm quyền phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có các quyền: Phạt cảnh cáo; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1, Điều 4 của Nghị định”, luật sư Kiên nói.

Trả lời thắc mắc, vì sao không phải CSGT, hay công an cấp tỉnh, huyện xử phạt mà UBND lại ra quyết định xử phạt? Luật sư Lê Văn Kiên cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về “Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân” tại điều 76. Trong đó quy định, Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Thẩm quyền xử phạt đến 75.000.000 đồng thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

“Như vậy, với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có tổng mức phạt vượt quá 37.500.000 đồng thì công an cấp tỉnh không có thẩm quyền xử phạt. Hồ sơ vi phạm sẽ được chuyển cho UBND cấp tỉnh, hoặc Cục CSGT… các cơ quan có thẩm quyền xử phạt đến 75.000.000 đồng để ra quyết định xử phạt”, luật sư Kiên cho biết.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm