Dân đồng nát cũng ám ảnh
Trên tuyến đường Phan Trọng Tuệ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) không xa điểm xảy ra vụ hỏa hoạn thương tâm nêu trên có tới hàng chục địa điểm thu mua phế liệu với đủ các chủng loại. Thậm chí, có những địa điểm nằm gần ngay cây xăng.
Trong 10 năm qua, trên địa bàn cả nước đã xảy rất nhiều vụ cháy liên quan đến kho bãi chứa phế liệu. Trong đó, nghiêm trọng nhất: Ngày 19/3/2016, ở Văn Phú, quận Hà Đông, TP. Hà Nội một người đàn ông thu gom phế liệu trong quá trình cưa bom đã phát nổ gây thiệt hại nghiêm trọng khiến 5 người chết, 10 người bị thương, hơn 200 ngôi nhà bị hư hại... Ngày 3/1/2018, một vụ nổ kinh hoàng tại kho phế liệu ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, làm chết 2 người, làm bị thương 9 người, làm sập 5 ngôi nhà kế bên. Nhiều nhà khác trong bán kính 500m bị tốc mái, vỡ kính. Ngày 11/11/2021, vụ cháy xảy ra tại một kho phế liệu ở T.P Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đám cháy lớn khiến người dân sinh sống gần đó hoảng sợ bỏ chạy ra ngoài trong đêm. |
Cửa hàng phế liệu xây dựng của anh Vũ Anh Kiên (47 tuổi) trên đường Phan Trọng Tuệ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) rộng khoảng 200m2 được lợp tôn, dựng lên trên sân một nhà dân. Là người cùng nghề với nạn nhân, anh Kiên rất đồng cảm, tiếc nuối và đưa ra những tư vấn dù muộn màng.
“Nếu người ta biết cách làm, thu mua và xử lý đúng kỹ thuật sẽ đảm bảo an toàn. Ví dụ, đối với những bình kín, hay thùng phi bên trong còn dầu, không ép hay đưa đèn khò vào để cắt ngay mà phải dùng dao hoặc vật sắc nhọn cắt khoanh 1 vòng đầu bên kia để đảm bảo thùng được thông thoáng.
Cách đây vài năm ở Văn Phú, Hà Đông, do cơ sở thu mua phế liệu kém hiểu biết đã đưa đèn khò vào cắt dẫn đến nổ, sập nhà khiến nhiều người chết, bị thương và còn ảnh hưởng cả những hộ xung quanh”, anh Kiên nói.
Hiện trường vụ cháy tại bãi thu gom phế liệu ở xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) khiến 3 người chết, 1 người bị thương. Ảnh: Nguyễn Hải
Để phòng xa, gia đình anh Kiên chỉ thu mua giàn giáo và phế liệu xây dựng bằng sắt, thép; không mua phế liệu dễ cháy như giấy, nhựa, bình ga… Tuy nhiên, việc sắt thép được sắp xếp cao đến mái tôn, có sử dụng các bình hàn hơi và một số bao bì được chất trong cửa hàng anh Kiên… cho thấy nguy cơ cháy nổ không phải đã hết. Trong khi, cả gia đình anh 4 người cùng ngủ trên gác xép và nấu nướng ở phía cuối cửa hàng.
Cũng thu mua phế liệu xây dựng trên đường Phan Trọng Tuệ, cơ sở của anh Lê Văn Tám (38 tuổi) chỉ được dựng tạm bợ, quây rào sắt xung quanh và lợp tôn khu vực nấu ăn, giường ngủ. Vị trí cửa hàng nằm ngay chân cột điện cao thế, cách cây xăng HFC khoảng 50m. Hai cửa hàng kế bên cũng kinh doanh loại hình tương tự.
Anh Tám cho biết: “Tôi ý thức được nguy cơ cháy nổ từ việc kinh doanh các loại hình dễ cháy nên chỉ thu mua phế liệu xây dựng bằng sắt. Cơ sở của tôi rộng rãi, thoáng và cũng có vòi nước, bình chữa cháy để dùng khi cần nên rất an tâm” - anh Tám phân trần và bày tỏ sự tiếc nối đối với gia đình “đồng nghiệp” ở gần đó.
Một cơ sở thu mua phế liệu trên đường Bạch Đằng Ảnh: Thành Đạt
Hiểm họa lơ lửng khắp nơi
Theo sau người điều khiển chiếc xe máy cũ nát được gắn thêm giá chở hàng, bên trên là những bao tải phế liệu được buộc bằng dây thun, cao đến 2- 3 m đang di chuyển trên đường Nguyễn Xiển, chúng tôi đến đường Tân Triều Mới (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Tuyến đường này là khu dân cư đông đúc, hàng quán san sát. Đan xen đó là gần chục cơ sở thu gom phế liệu đang hoạt động.
Ngay đầu ngã ba, nằm sát bãi rửa xe ô tô, là cơ sở thu gom quây bằng tôn, bên ngoài là biển hiệu lớn với nội dung “chuyên thu mua phế liệu 24/24- nhận tháo dỡ nhà xưởng”.
Cơ sở thu mua phế liệu tại đường Tân Triều Mới chất đầy phế liệu. Ảnh: Thành Đạt
Tại đây, đủ loại phế liệu như bình gas, giấy vụn, sắt,... sắp xếp lộn xộn. Những xe máy cũ nát còn nóng, nổ phành phạch “ăn hàng” về cũng đỗ cạnh đống phế liệu dễ cháy. Hệ thống dây điện chằng chịt, chạy qua cả đống phế liệu. Một góc nhỏ trong căn xưởng này được chia làm nơi ở, sinh hoạt của 4 thành viên trong gia đình. Khi được hỏi về vụ cháy ở Thanh Trì, chủ cơ sở này nói, đã nghe tin vụ cháy.
Tuy nhiên, với họ, nguy cơ cháy có vẻ còn rất xa. Chủ bãi phế liệu này nói, việc sắp xếp lộn xộn như này cũng nguy hiểm, nhưng hầu như hàng ngày nào gom xong sẽ đưa lên xe tải chuyển đi luôn. Khi hỏi, dây điện chạy loằng ngoằng trên đồ dễ cháy này sao không làm gọn lại, ông chủ nói: “Đây là đất dự án, thuê ở tạm rồi làm xưởng, cũng cả chục năm rồi đã xảy ra gì đâu”.
Cách đó chừng 100 m là một cơ sở chuyên thu gom đồ nhựa, chai, vỏ lon. Một công nhân đang ngồi cắt từng vỏ bao bì, phân loại chai để chuẩn bị cho vào máy xay nhựa. “Mọi công đoạn đều được làm thủ công, kỹ lưỡng trước khi cho vào máy. Đặc biệt, cơ sở chỉ thu gom riêng phế liệu nhựa, không để lộn xộn với nhiều phế liệu khác”, người này nói.
Tuy nhiên, nhìn cảnh những bao tải lớn, với đủ mọi chất liệu chất chứa khác nhau, thật khó có thể phân biệt được chai nào chứa nước, chai nào chứa chất dễ cháy nổ. “Thấy ngày nào cũng ầm ĩ tiếng máy móc, máy xay nhựa, rồi vật liệu chất kín trong không gian hẹp như thế, tôi rất lo lắng, nhất là sau khi nghe tin vụ cháy gần đây tại Thanh Trì”, một người dân bên cạnh của hàng này nói.
Mua bình xịt tóc hết hạn về ép bán phế liệu Ngày 27/10, liên quan đến vụ cháy nổ điểm kinh doanh phế liệu ở Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội làm 3 người trong một gia đình chết. Công an huyện Thanh Trì đang phối hợp với Công an TP Hà Nội điều tra làm rõ nguyên nhân. Theo anh M.V.Y (SN 1988, quê Nam Định) - nạn nhân sống sót sau vụ cháy, vào chiều tối 26/10, anh đang ép vỏ các bình xịt tóc bằng kim loại thì bất ngờ lửa bùng lên và lan ra xung quanh gây cháy, nổ. Lúc này, trần nhà bị sập xuống, anh chỉ kịp khoác chiếc chăn chạy ra ngoài. Khi biết bên trong có vợ là chị T. (SN 1992) và hai con là cháu Đ. (SN 2012), A. (SN 2018) mắc kẹt, anh Y. lập tức chạy vào để cứu nhưng không được. Bất lực trước ngọn lửa đang cháy rừng rực, anh Y. bật khóc nhìn vào trong ngôi nhà… Vụ việc khiến anh Y. bị bỏng và được đưa đi cấp cứu. Sau khi lực lượng PCCC dập tắt đám cháy, phát hiện thi thể vợ và hai con anh Y. bên trong. Anh Y. kể, gia đình mua một lô bình xịt tóc hết hạn sử dụng nhưng bên trong vẫn còn khí về để ép thành các khối để bán. Trước đó, gia đình cũng đã ép các bình này nhưng không xảy ra sự cố gì. Thanh Hà |