Doanh nhân

Từ tuổi thơ nghèo khó đến cú ra giá 47 tỷ USD: Chủ sở hữu Circle K và tham vọng "nuốt chửng" 7-Eleven

9 tháng sau khi Alimentation Couche-Tard - đơn vị sở hữu Circle K, ngỏ ý mua lại Seven & i - chuỗi 7-Eleven, các cuộc đàm phán kéo dài cùng phản ứng không mấy thiện chí từ phía 7-Eleven đang đặt ra câu hỏi: liệu tập đoàn đến từ Canada sẽ theo đuổi thương vụ 47 tỷ USD này đến bao giờ?

Nhân vật giữ vai trò then chốt trong quyết định này là Alain Bouchard. Ông là đồng sáng lập, chủ tịch điều hành và cũng là cổ đông lớn của Couche-Tard. Dù đã ngoài 70 tuổi, ông vẫn tham gia sâu vào hoạt động của công ty, dù đã chuyển giao vị trí CEO từ năm 2014.

“Tôi không nghĩ họ sẽ rút lui”, Guy Gendron, người viết tiểu sử của Bouchard, nhận định. “Điều họ mong muốn là đề nghị của mình được đưa ra trước các cổ đông. Họ vẫn tin mức giá đó là hợp lý”.

Đây được xem là lời đề nghị lớn nhất từ trước đến nay của một công ty nước ngoài đối với một doanh nghiệp Nhật Bản. Gia đình sáng lập 7-Eleven cũng từng tìm cách phản hồi, nhưng không thể đưa ra mức giá tương xứng.

Đồng sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Couche-Tard ông Alain Bouchard. (Ảnh: Nikkei).

Bouchard là người nổi tiếng kiên trì. Ông xây dựng Couche-Tard từ con số 0 thành doanh nghiệp trị giá 66 tỷ đô la Canada (48 tỷ USD). Ông mở rộng chuỗi bán lẻ của mình bằng cách đi từng nơi, gõ cửa từng công ty để đàm phán mua lại từng cửa hàng.

Alain Bouchard là một trong những người giàu nhất Canada. Dù vậy, ông có lối sống kín đáo. Suốt 50 năm qua, ông cùng gia đình vẫn ở trong một căn nhà gỗ nhỏ ở phía bắc Montreal. Ông làm việc trong một văn phòng giản dị ở tầng trệt, nhìn ra bãi đậu xe.

Tuổi thơ của Bouchard gắn liền với nhiều biến cố. Sau khi công việc kinh doanh của cha phá sản, gia đình ông rơi vào khó khăn. Cha ông phải đi làm xa. Mẹ ông nhập viện tâm thần. Chị cả phải nghỉ học để chăm lo cho năm anh em. Những năm tháng đó đã tạo cho Bouchard một cảm giác như “phải đòi lại những gì cuộc đời từng lấy đi”.

Nếu thành công trong thương vụ mua lại 7-Eleven, ông sẽ tiến thêm một bước trong tham vọng xây dựng chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới. Đây cũng là cơ hội để ông khẳng định vị trí trong ngành bán lẻ, nhất là sau khi thất bại trong thương vụ mua lại Carrefour với giá 20 tỷ USD vào năm 2021.

Đầu tháng 5, Couche-Tard xác nhận đã ký thỏa thuận bảo mật với Seven & i Holdings. Thỏa thuận này liên quan đến kế hoạch mua lại toàn bộ công ty. “Chúng tôi đánh giá cao việc phía Seven & i đã tham gia thảo luận nghiêm túc và cho phép tiếp cận thông tin cần thiết”, ông Alex Miller, Chủ tịch kiêm CEO Couche-Tard, cho biết.

Trước đó, quá trình ký kết bị trì hoãn vì bất đồng về điều khoản “cam kết không hành động” mà Seven & i cho là bắt buộc. Cuối cùng, hai bên đã tìm được hướng giải quyết và thống nhất đưa điều khoản này vào nội dung thỏa thuận.

 

Trong buổi họp báo tại Nhật Bản hồi tháng 3, Bouchard khẳng định sẽ không từ bỏ thương vụ. Dù vậy, ông cũng thừa nhận sự chậm trễ trong đàm phán khiến ông cảm thấy không hài lòng.

Với ông, sự nghiệp kinh doanh luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn. Ngay từ nhỏ, ông đã quen với cách suy nghĩ như một doanh nhân. 

Khi cha ông từ nơi làm việc trở về, ông thường đưa cả gia đình đi thăm các tiệm nhỏ, gara cũ để tìm cơ hội kinh doanh. Bouchard giỏi toán. Cha ông thường hỏi: “Tính thử xem, con có biến được chỗ này thành việc làm ăn không?” Từ đó, tư duy kinh doanh đã hình thành một cách rất tự nhiên trong ông.

Khi mới khởi nghiệp, Alain Bouchard tự mình đi tìm mặt bằng, tiếp cận từng cửa hàng để đàm phán mở rộng. Nếu bị từ chối, ông vẫn quay lại sau vài năm. 

Ông tin rằng mỗi cửa hàng gắn liền với con người, và hoàn cảnh của họ có thể thay đổi theo thời gian. Có thể hôm nay họ chưa sẵn sàng, nhưng năm sau hoặc vài năm nữa thì khác. Đó là cách công ty của ông dần lớn lên.

Tại cuộc họp báo vào tháng 3, Bouchard cho biết ông đã quan tâm đến Seven & i từ khoảng 20 năm trước. Ông từng đề xuất mua lại mảng kinh doanh tại Bắc Mỹ của Seven & i ngay từ thời điểm đó. Đến năm 2020, Couche-Tard tiếp tục tiếp cận Seven & i, cho thấy mối quan tâm này chưa bao giờ nguội đi.

Couche-Tard có nhiều kinh nghiệm trong việc sáp nhập và vận hành các công ty mới như một phần trong hệ thống của mình, ngay cả khi quy mô giao dịch khiến công ty tăng trưởng gấp đôi hoặc gấp ba. 

Công ty mở cửa hàng đầu tiên tại Quebec năm 1980. Năm 2001, Couche-Tard bước vào thị trường Mỹ bằng cách mua lại chuỗi Bigfoot. Năm 2003, công ty tiếp tục mua lại đơn vị vận hành Circle K từ ConocoPhillips.

Năm 2012, Couche-Tard thâu tóm Statoil Fuel & Retail – một công ty bán lẻ nhiên liệu tại Bắc Âu – và bắt đầu mở rộng sang châu Âu.

Một cửa hàng Circle K ở Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Trong quá khứ, Couche-Tard từng cạnh tranh trực tiếp với Seven & i trong nhiều thương vụ. Năm 2010, cả hai cùng đề xuất mua lại chuỗi bán lẻ Casey’s General Stores tại Mỹ nhưng không thành công. Couche-Tard vấp phải sự phản đối mạnh từ Casey’s và thậm chí còn bị kiện ra tòa.

Công ty Canada này cũng được cho là đã tham gia vào quá trình đấu thầu mua lại Speedway – doanh nghiệp sau đó được Seven & i mua vào năm 2021.

Năm 2021, Couche-Tard từng đề xuất mua lại tập đoàn bán lẻ Carrefour của Pháp. Tuy nhiên, thương vụ này không được chính phủ Pháp chấp thuận do lo ngại ảnh hưởng đến an ninh lương thực và nền kinh tế trong nước. 

Couche-Tard khi đó đã cam kết niêm yết song song tại Pháp và Canada, đồng thời hứa đầu tư thêm vào hệ thống cửa hàng. Dù vậy, đề xuất vẫn bị từ chối và thương vụ bị hủy bỏ.

Couche-Tard hiện sở hữu khoảng 17.000 cửa hàng trên toàn cầu. Trong đó, 62% là cửa hàng có quy mô lớn và do công ty trực tiếp vận hành. 

Mô hình này khác hoàn toàn với 7-Eleven. Tại Nhật Bản, gần như tất cả các cửa hàng 7-Eleven đều được điều hành theo hình thức nhượng quyền, tính đến tháng 2/2024.

 

Cả hai công ty đều có mức doanh thu tương đương. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của Couche-Tard trong năm tài chính kết thúc tháng 4/2024 đạt 2,7 tỷ USD. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức 1,2 tỷ USD (tương đương 173 tỷ yên) mà Seven & i ghi nhận trong năm tài chính kết thúc tháng 2/2025.

Couche-Tard không quan tâm đến việc chỉ mua lại mảng hoạt động tại Mỹ. Điều mà họ thực sự nhắm đến là thị trường Nhật Bản. Đây mới là phần giá trị cốt lõi của 7-Eleven. 

Sau thương vụ mua lại Statoil Fuel & Retail, Couche-Tard từng đưa mô hình máy pha cà phê lớn vào các cửa hàng khác trong hệ thống. Điều này cho thấy họ luôn học hỏi và áp dụng lại kinh nghiệm từ các công ty đã thâu tóm. 

Mảng thực phẩm tại Nhật Bản là yếu tố hấp dẫn nhất. Bởi Seven & i có chuỗi cung ứng riêng, có thể cung cấp thực phẩm tươi mỗi ngày.

Các tin khác

Giá vàng quay đầu giảm

Sáng nay (15/5), giá vàng trong nước lại quay đầu giảm. Theo đó, giá vàng miếng SJC về mốc 120 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn giá thấp nhất còn quanh mốc 114 triệu đồng/lượng.

Choáng ngợp trước viễn cảnh tương lai của khu tập thể cũ nát ở Hà Nội: "Biến hình" thành cao ốc 55 tầng, tái định cư tại chỗ cho toàn bộ 8.300 cư dân

Mục tiêu của việc lập quy hoạch cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân là xây dựng lại theo hướng tăng tầng cao công trình và hệ số sử dụng đất, giảm mật độ xây dựng để dành không gian trống, không gian xanh cho hoạt động công cộng.

Thấy gì từ lãi suất vay mua nhà thấp chưa từng có?

Liên tiếp các ngân hàng đưa ra các gói vay lãi suất thấp cho người mua nhà. Hiện, mức lãi vay thấp nhất lịch sử, có ngân hàng chỉ từ 3,6%/năm. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính đưa ra cảnh báo người vay cần thận trọng với lãi suất thả nổi, tránh rơi vào "bẫy" lãi suất.

Đề xuất bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng trong thu, chi ngân sách Nhà nước

Ngoài xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm sau, dự thảo luật cũng quy định theo hướng, Thủ tướng quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng bộ, cơ quan Trung ương, chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên theo từng lĩnh vực và từng tỉnh, thành phố.

VN-Index vượt 1.300 điểm

3 phiên tăng liên tiếp giúp VN-Index lấy lại mốc 1.300 điểm sau khi đánh mất trong nhịp điều chỉnh mạnh vì biến động thuế quan cách đây một tháng.

Thị trường chứng khoán tháng 5 qua lăng kính các công ty chứng khoán

Sau cú điều chỉnh mạnh vì cú sốc chính sách thuế từ Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần hồi phục trong tháng 5. Nhiều công ty chứng khoán kỳ vọng VN-Index sẽ tích lũy và đi lên trong biên độ hẹp, trong khi chiến lược đầu tư được đề xuất vẫn thiên về phòng thủ, chọn lọc cơ hội và giải ngân theo nhịp điều chỉnh kỹ thuật.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội ngàn năm hay thách thức thế kỷ?

"Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là cơ hội ngàn năm có một, nhưng nếu không sẵn sàng, nó cũng có thể là thách thức thế kỷ đối với ngành xây dựng Việt Nam nói chung và nhà thầu trong nước nói riêng" - ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - cho hay.

Triệu chứng phát ban do lậu

Bệnh lậu lây lan khắp cơ thể có thể dẫn tới triệu chứng phát ban với các đốm sẩn, mụn mủ, xuất huyết dưới da.