Doanh nghiệp

Từ Phở Thìn, nhìn lại những tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nổi nhất Việt Nam: Cuộc chiến Trung Nguyên, mì Hảo Hảo - mì Hảo Hạng, Asanzo, Wolfoo và Thần đồng đất Việt

Thời gian gần đây, lùm xùm giữa ông Nguyễn Trọng Thìn với các “truyền nhân” xung quanh thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trong khi ông Thìn khẳng định không triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh và cũng không sở hữu công ty nào, thì ông Đoàn Hải Trung - doanh nhân trẻ sinh năm 2001 chia sẻ với báo chí rằng mình là Giám đốc điều hành thương hiệu Phở Thìn.

Chưa hết, một vấn đề đáng chú ý khác là việc thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, còn thương hiệu Phở Thìn đã được cấp cho một quán phở trên phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), được biết đến với tên Phở Thìn Bờ Hồ.

Trường hợp này, nếu Phở Thìn Bờ Hồ đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và người đại diện hợp pháp của cơ sở này không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng nhãn hiệu Phở Thìn thì các bên sử dụng nhãn hiệu này bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đại diện của Phở Thìn Bờ Hồ có quyền yêu cầu xử lý đơn vị vi phạm và buộc đơn vị này thay đổi tên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ.

Cho đến hiện tại, vụ việc vẫn chưa được "ngã ngũ", và còn gợi nhắc về những vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi tiếng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xảy ra trong quá khứ phải mất nhiều năm liền, thậm chí là cả chục năm trời mới kết thúc tranh chấp.

Tranh chấp nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên tại Mỹ

Vào tháng 7 năm 2000, Công ty Trung Nguyên đã có những buổi tiếp xúc với Công ty Rice Field với mục tiêu xuất khẩu những sản phẩm của công ty sang thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, khi hai bên còn đang thương thảo, chưa đi đến ký thỏa thuận hợp đồng cuối cùng thì bên phía Công ty Rice Field đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Cafe Trung Nguyên với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Bảo hộ Trí tuệ Thế giới (WIPO).

Đứng trước nguy cơ mất thương hiệu tại thị trường Mỹ, Cafe Trung Nguyên đã nộp đơn đăng ký bảo hộ với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ và WIPO; đồng thời tiến hành thương thảo, đàm phán với Rice Field.

Từ Phở Thìn, nhìn lại những tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nổi nhất Việt Nam: Cuộc chiến Trung Nguyên, mì Hảo Hảo - mì Hảo Hạng, Asanzo, Wolfoo và Thần đồng đất Việt - Ảnh 1.

Mất đến 2 năm, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu của mình khi WIPO không chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu cho Rice Field. Rice Field cũng đành chấp nhận trở thành đại lý phân phối Cafe Trung Nguyên tại Mỹ.

Nhiều nguồn tin cho rằng, Trung Nguyên đã phải rất vất vả và tiêu tốn tốn hàng trăm nghìn USD để dàn xếp ổn thỏa sự việc và giành lại thương hiệu của mình. Sau bài học đắt giá, Trung Nguyên đã thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình tại hơn 60 nước và lãnh thổ trên toàn thế giới.

Mì Hảo Hảo kiện mì Hảo Hạng

Ngày 26/1/2015, Acecook phát hiện sản phẩm Hảo Hạng của Asia Foods có kiểu dáng thiết kế bao bì gây nhầm lẫn với mì Hảo Hảo. Cụ thể, kiểu chữ, hình tô mì, sợi mì tôm, màu sắc chủ đạo của bao bì tạo nên một tổng thể tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu Hảo Hảo đã được bảo hộ và Cục Sở hữu trí tuệ công nhận.

Cho rằng thiết kế mới đây của mì Hảo Hạng giống hệt với bao bì mì Hảo Hảo của mình, Acecook Việt Nam quyết định kiện ra tòa, yêu cầu bốn vấn đề: xác định hành vi vi phạm của Asia Foods, buộc chấm dứt vi phạm, Asia Foods đăng báo xin lỗi công khai trong ba kỳ, bồi thường thiệt hại gần 700 triệu đồng cho Acecook.

Đầu tháng 2, Acecook Việt Nam gửi công văn khuyến cáo Asia Foods về hành vi sản xuất kinh doanh hàng hóa vi phạm nhãn hiệu. Sau đó, 2 bên nhiều lần làm việc với nhau nhưng không đạt được thống nhất.

Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên mì Hảo Hạng của Asia Foods có hành vi xâm phạm về sở hữu trí tuệ đối với mì Hảo Hảo của Acecook. Do đó Asia Foods phải chấm dứt vi phạm, đăng báo xin lỗi công khai ba kỳ liên tiếp. Tòa cũng tuyên Asia Foods bồi thường 80 triệu đồng chi phí luật sư cho Acecook.

Từ Phở Thìn, nhìn lại những tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nổi nhất Việt Nam: Cuộc chiến Trung Nguyên, mì Hảo Hảo - mì Hảo Hạng, Asanzo, Wolfoo và Thần đồng đất Việt - Ảnh 2.

Vụ án vi phạm nhãn hiệu Asano

Năm 2008, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Asano.  Đến năm 2015, Công ty phát hiện trên thị trường có Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam sử dụng nhãn hiệu Asanzo có kiểu dáng, mẫu mã giống với nhãn hiệu Asano mà công ty đã được đăng ký bảo hộ.

Sau đó, Công ty Đông Phương đã gửi hồ sơ cho Viện Khoa học sở hữu trí tuệ để giám định. Kết luận giám định khẳng định, dấu hiệu Asanzo là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Asano.

Từ Phở Thìn, nhìn lại những tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nổi nhất Việt Nam: Cuộc chiến Trung Nguyên, mì Hảo Hảo - mì Hảo Hạng, Asanzo, Wolfoo và Thần đồng đất Việt - Ảnh 3.

Công ty Đông Phương sau đó gửi văn bản yêu cầu xử phạt hành vi trên tới các cơ quan chức năng, nhưng không nhận được phản hồi. Trong khi đó, Công ty Asanzo vẫn quảng bá rộng rã nhãn hiệu trên các phương tiện đại chúng.

Vì vậy, Công ty Đông Phương đã gửi khởi kiện vụ việc ra tòa án, yêu cầu Công ty Asanzo phải bồi thường thiệt hại số tiền tạm tính là 500 triệu đồng, xin lỗi cải chính công khai và xóa bỏ toàn bộ hàng hóa đang dán nhãn hiệu.

Bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM năm 2018 đã tuyên buộc Công ty Asanzo chấm dứt hành vi xâm phạm, xóa bỏ nhãn hiệu Asanzo, hình đã dán trên các sản phẩm và buộc công ty này phải bồi thường số tiền 100 triệu đồng cho Công ty Đông Phương.

Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nhân vật hoạt hình “make in Vietnam” Wolfoo

Tháng 11/2021, vụ tranh chấp bản quyền giữa eOne và Sconnect bắt đầu nổ ra, khi eOne liên tục đánh bản quyền các video (do Sconnect Việt Nam sở hữu) trên YouTube.

Cho đến đầu năm 2022, eOne nộp đơn khởi kiện Sconnect tại Tòa án Moscow (Liên bang Nga) với cáo buộc: Bộ nhân vật Wolfoo là sản phẩm làm lại của bộ nhân vật Peppa Pig (do Entertainment One UK Limited tại Vương Quốc Anh – gọi tắt là eOne hay EO sở hữu); Đăng tải và phổ biến bất hợp pháp trên Internet các tác phẩm phái sinh - tức là các video hoạt hình Wolfoo.

EOne đã yêu cầu Toà án bảo vệ độc quyền với các bộ nhân vật hoạt hình Peppa Pig. Nhưng đến giữa năm 2022, Hội đồng chuyên gia văn hóa, nghệ thuật của Nga kết luận “Bộ nhân vật Wolfoo là sự sáng tạo độc lập hoàn toàn và không phải là sản phẩm làm lại, phái sinh của Bộ nhân vật Peppa Pig”.

Kết quả này khẳng định Wolfoo là sản phẩm sở hữu trí tuệ độc lập cả về mặt khoa học, kỹ thuật sáng tạo cho đến giá trị pháp lý. Một tháng sau đó, eOne nộp đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện tại Nga. Tòa án Moscow đồng thời ra quyết định chấm dứt vụ kiện.

Từ Phở Thìn, nhìn lại những tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nổi nhất Việt Nam: Cuộc chiến Trung Nguyên, mì Hảo Hảo - mì Hảo Hạng, Asanzo, Wolfoo và Thần đồng đất Việt - Ảnh 4.

Những tưởng vụ việc đã khép lại, thì tháng 8/2022, Sconnect nộp đơn khởi kiện ngược lại eOne, yêu cầu bồi thường các tổn thất do vụ kiện.

Cập nhật diễn biến mới nhất, Sconnect Việt Nam cho biết ngày 10/11/2022, Tòa án thành phố Moscow đã ra phán quyết chấp nhận một phần yêu cầu của Sconnect Việt Nam về việc thu án phí.

Cụ thể, Tòa án sẽ thu từ nguyên đơn là eOne và trả lại cho bị đơn là Sconnect số tiền 240.000 RUB để bồi thường cho một phần chi phí mà Sconnect phải bỏ ra để tham gia vụ kiện do eOne đệ đơn.

Tranh chấp quyền tác giả 'Thần đồng đất Việt'

“Thần đồng đất Việt” - bộ truyện tranh nhiều tập nhất của Việt Nam, tạo được dấu ấn lớn trong làng truyện tranh Việt đã được cấp phép xuất bản tại VN tháng 2/2002, thực hiện bởi tác giả Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và Công ty Phan Thị.

Bộ truyện được Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận vào tháng 5.2002 cho đồng tác giả là ông Lê Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, riêng quyền tài sản (các quyền khai thác, sử dụng tác phẩm…) thuộc về Công ty Phan Thị.

Tập đầu tiên của Thần đồng đất Việt ra mắt năm 2002. Ông Lê Linh vẽ các nhân vật trong truyện từ năm 2002 đến 2005. Sau tập 78, ông ngừng sáng tác. Các tập tiếp theo do các họa sĩ khác hợp tác với Công ty Phan Thị thực hiện. Sau đó, Lê Linh phát hiện trong hồ sơ đăng ký bản quyền, bà Mỹ Hạnh ghi tên mình là đồng tác giả với ông.

Năm 2007, ông khởi kiện bà Hạnh và công ty ra tòa yêu cầu xác định anh là tác giả duy nhất của bộ truyện, đề nghị Phan Thị không được phép sáng tác những biến thể của nhân vật trong bộ truyện.

Trong thời gian Lê Linh theo đuổi vụ kiện, Công ty Phan Thị kiện ngược họa sĩ vì đã sử dụng nhân vật Trạng Tí trong Thần đồng đất Việt để sáng tác nhân vật Long Tinh truyện Long Thánh.

Đến tháng 9/2019, TAND TP.HCM ra bản án phúc thẩm, tuyên họa sĩ Lê Phong Linh (Lê Linh) là tác giả duy nhất của tác phẩm Thần đồng đất Việt sau hơn 12 năm ròng rã theo đuổi vụ kiện tranh chấp tác quyền.

Từ Phở Thìn, nhìn lại những tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nổi nhất Việt Nam: Cuộc chiến Trung Nguyên, mì Hảo Hảo - mì Hảo Hạng, Asanzo, Wolfoo và Thần đồng đất Việt - Ảnh 5.

Hình tượng 4 nhân vật các bên tranh chấp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm