Tổng quan về thị trường chứng khoán tuần 18 – 22/12, chỉ số tiếp tục xu hướng cuối tuần trước đó và giảm điểm đầu tuần. VN-Index rơi về vùng hỗ trợ 1.080 điểm, sau đó có 4 phiên hồi phục trở lại vùng 1.100 điểm, đóng cửa tuần ở 1.103,06 điểm.
Khi chỉ số lình xình quanh ngưỡng 1.100 điểm do thiếu vắng dòng cổ phiếu dẫn dắt, thanh khoản trên cả hai sàn tiếp tục giảm sâu. Tổng giá trị giao dịch đạt 70.938 tỷ đồng, giảm 17,8% so với tuần trước. Xét theo khối lượng, thanh khoản bình quân phiên tuần này trên HOSE đạt hơn 504,7 triệu đơn vị, thấp hơn 21,4% tuần trước. Tỷ lệ giảm của nhóm VN30 thấp hơn, với 19,2%.
Tự doanh đảo chiều bán ròng nghìn tỷ đồng cổ phiếu trên HOSE
Xét về dòng tiền, nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán ròng, nhưng cường độ có phần suy giảm, xuống thấp nhất ba tuần gần đây với hơn 2.600 tỷ đồng. Trong khi nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đóng vai trò nâng đỡ, tự doah công ty chứng khoán đảo chiều rút ròng mạnh tuần này trên HOSE.
Thống kê trên sàn HOSE, khối tự doanh không thay đổi giá trị mua khớp lệnh so với tuần trước, đạt 1.650 tỷ đồng. Trong khi đó giá trị bán khớp lệnh tăng vọt lên 2.531 tỷ đồng. Chênh lệch giá trị bán và mua khớp lệnh là 881 tỷ đồng, cao nhất trong 4 tháng trở lại đây.
Sau hai tuần mua vào, khối tự doanh đảo chiều rút 166 tỷ đồng qua kênh thỏa thuận. Tuần này chứng khiến giao dịch đột biến trong ngày 18/12 và 20/12. Cụ thể, tự doanh mua thỏa thuận 1.680 tỷ đồng ngày đầu tuần và bán thỏa thuận 1.588 hai phiên sau đó. Hai bên tham gia là tự doanh CTCK ngoại và tổ chức nước ngoài với số mã, khối lượng và giá trị không thay đổi.
Lũy kế từ đầu tháng 12, tự doanh bán ròng 1.474 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE, trong qua kênh khớp lệnh là 1.224 tỷ đồng và thỏa thuận 250 tỷ đồng.
Tâm điểm mua bán ròng những mã nào?
Với giao dịch chứng chỉ quỹ ETF nội, chứng quyền, tự doanh mua ròng tuần thứ 7 liên tiếp với giá trị 164 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể hai tuần trước đó. Mã được mua ròng nhiều nhất tuần này tiếp tục là FUEVFVND (337,2 tỷ đồng). Nguyên nhân là DCVFMVN Diamond ETF vẫn bị nhà đầu tư rút quỹ trong khi không huy động được vốn mới.
Về giao dịch cổ phiếu, tâm điểm bán ròng của tự doanh tuần này là những bluechip trong rổ VN30. Dẫn đầu là STB với gần 129 tỷ đồng, kế sau đó là MSN 125 tỷ đồng. Đây là hai mã có giá trị rút ròng trên 100 tỷ đồng.
Do DCVFMVN Diamond ETF chưa thể ngưng trạng thái rút ròng, khối tự doanh vẫn bán mạnh những cổ phiếu trong rổ VN Diamond tuần này như VPB (99 tỷ đồng), MWG (73 tỷ đồng), PNJ (70 tỷ đồng), ACB (58 tỷ đồng), TPB (50 tỷ đồng).
Ba bluechip khác có giá trị bán 40 – 50 tỷ đồng tuần này, gồm HDB, HPG và MBB.
Ở chiều mua vào, EIB được tự doanh mua nhiều nhất với 266,8 tỷ đồng. Quan sát trong tuần, tổ chức nước ngoài gia tăng áp lực bán cổ phiếu ngân hàng này.
Ngoài EIB, dòng tiền tự doanh tìm đến một số cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn với quy mô mua dưới 25 tỷ đồng như NHH, HAH, NKG, NBB, PVT. Lực mua xuất hiện tại hai bluechip là TCB và VNM, lần lượt là 18 tỷ đồng và 6 tỷ đồng.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước mua bán ra sao?
Như đã nêu trên, bộ phận tiếp tục có vai trò giữ nhịp dòng tiền tuần này là cá nhân trong nước. Đây là kịch bản lặp lại trong nhiều tháng gần đây khi nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo dữ liệu từ Fiinpro, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng hơn 3.200 tỷ đồng, thấp hơn so với tuần trước 3.500 tỷ đồng.
5 mã được cá nhân trong nước gom nhiều nhất đều có giá trị trên 220 tỷ đồng, đơn cử như STB, VPB, MSN, VCB và HPG.
Ở chiều bán ra, trong khi tổ chức ngoại mua vào sau nhiều tháng xả liên tiếp, cá nhân trong nước và tự doanh bán ròng trăm tỷ cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế giới Di động. Đây là mã duy nhất có giá trị bán trăm tỷ. Hai cổ phiếu ngân hàng khác là ACB và EIB bị rút ròng 75,2 tỷ đồng và 58,5 tỷ đồng. Dòng tiền từ cá nhân trong nước còn rút khỏi NKG (58 tỷ đồng) và PVT (43,8 tỷ đồng).