Thời sự

TS. Vũ Tiến Lộc: Nhiều hệ luỵ khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 81,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 21,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nguồn: Tình hình hoạt động doanh nghiệp 4 tháng đầu năm. (Nguồn: TCTK)

 

Kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cũng cho thấy mức độ lạc quan của doanh nghiệp ở mức thấp so với những năm trước. Cụ thể, khi doanh nghiệp được khảo sát về kế hoạch kinh doanh trong hai năm tới, chỉ 27% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong hai năm tiếp theo, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022.

Con số 27% này cũng thấp hơn cả mức đáy trước đây là năm 2012 - 2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.

Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp trong khảo sát 2023 lên tới 16,2%. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 10,7% được ghi nhận trong khảo sát năm 2022 và gần bằng mức cao kỷ lục 16,6% của khảo sát 2021 khi Việt Nam còn nằm trong tâm dịch COVID-19.

Đánh giá về những con số trên, TS. Vũ Tiến Lộc, cho rằng số lượng doanh nghiệp hoạt động sụt giảm thì chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Không chỉ vậy, doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng cao sẽ làm giảm động lực, niềm tin và ý chí khởi nghiệp của cả xã hội -  dù tác động chậm nhưng để lại hệ lụy lâu dài.

“Quan trọng nhất vì tinh thần khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp mới và phát triển vẫn là động cơ chủ yếu của phát triển đất nước này. Và chúng ta muốn tiến tới sự giàu mạnh, sự phát triển chắc chắn phải gắn với vấn đề phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp”, ông Lộc nhìn nhận.

Trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh là tiếp cận tín dụng, tìm kiếm mặt bằng kinh doanh, tìm kiếm nhà cung cấp, tìm kiếm nhân sự, thực hiện thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, biến động thị trường, biến động chính sách pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo thực hiện hợp đồng, và thiên tai, biến đổi khí hậu.

Vì vậy, để trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh và triển khai thực chất hơn nữa các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

“Các địa phương cần tập trung cải cách thủ tục hành chính ở các lĩnh vực còn nhiều phiền hà như thuế, phòng cháy, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, xây dựng, bảo vệ môi trường. Cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, cả chi phí chính thức và không chính thức”, ông Tuấn nêu rõ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI. (Nguỗn: Nguyễn Ngọc). 

Song song đó, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận nguồn lực để hoạt động. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung giải quyết hiệu quả những khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay như tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, biến động chính sách, pháp luật.

“Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2024 cần đậm nét hơn, thực chất hơn và đến được với doanh nghiệp nhiều hơn”, ông Tuấn nêu rõ.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ được bắt đầu trong tuần tới với nhiều nội dung quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Vì vậy, trên cơ sở thảo luận các báo cáo của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội sẽ đưa ra được những kế sách để thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn nói riêng.

Đặc biệt, Chính phủ đã trình phương án tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng VAT 2% vào những tháng cuối năm nay. Đây là chính sách quan trọng và hiệu quả cao không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng qua giảm thuế mà còn giúp sản xuất kinh doanh sôi động.

“Những chính sách hỗ trợ về giảm thuế phí thì doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được ngay, còn những chính sách hỗ trợ về vốn nếu không thực chất thì mức độ ảnh hưởng lan tỏa ít”, ông Lộc nêu rõ.

Cũng theo ông Lộc, tốc độ tăng trưởng GDP quý I dù cải thiện nhưng chưa có sự đột phá, chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững. Vì vậy, ông hy vọng việc giảm thuế VAT 2% không chỉ giảm trong 6 tháng cuối năm, mà ít nhất là trong 12 tháng tháng tới (giữa năm 2025) và có thể kéo dài đến hết năm 2025.  

“Tôi nghĩ là như vậy sẽ có một động lực hơn cho sự mở rộng thị trường và cũng đảm bảo cho các doanh nghiệp yên tâm kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình không chỉ trong năm nay mà năm tới nữa”, ông Lộc tin tưởng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm