Trước những chỉ tiêu đạt được trong năm 2022 như tăng trưởng GDP đạt 8,02%, lạm phát chỉ tăng 3,15%,...các chuyên gia cho rằng, không nên quá lạc quan mà cần đánh giá một cách thận trọng, đúng thực chất.
Trao đổi với người viết, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn theo xu hướng phục hồi và phục hồi tương đối tốt.
Tuy nhiên, việc Việt Nam tăng trưởng năm 2022 đạt 8,02% và quý III tăng gần 14% thì lại là điều rất bình thường so với thế giới, bởi nền năm trước của chúng ta rất thấp,.
Năm 2021 tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đặc biệt là những nước phát triển cũng đạt gần 6%, mức tăng này rất ngoạn mục trong khi đó Việt Nam chỉ tăng trưởng 2,58%. Vì vậy, theo TS. Cung, bước sang năm nay, là một quốc gia đang phát triển, kể cả khi chúng ta tăng trưởng GDP 8% cũng không có gì là quá "ghê gớm".
Chuyên gia phân tích, có hai yếu tố tạo nên sự bất thường trong tăng trưởng năm 2022 và đặc biệt là quý III.
Thứ nhất, tăng trưởng quý III năm ngoái rất thấp – 6,3%. Thứ hai là, từ quý IV/2021, Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế, bỏ hết các biện pháp ngăn sông cấm chợ và giãn cách xã hội. Sau gần ba năm cầu tiêu dùng bị đè nén, đến quý II/2022 trở đi, tiêu dùng nội địa bùng nổ tạo nên động lực tăng trưởng.
Tuy nhiên, hai yếu tố này chỉ là nhất thời của 9 tháng đầu năm và không có tác động từ quý IV/2022 và các năm tiếp theo. Trong khi đó, lại có hàng loạt yếu tố bất lợi tác động đến kinh tế 2023.
Hàng loạt yếu tố bất lợi ập đến từ bên ngoài
Phân tích về những bất lợi đối với kinh tế Việt Nam năm 2023, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, kinh tế thế giới từ bùng nổ năm 2021, sang năm 2022 bắt đầu suy giảm và có thể suy giảm sâu vào năm 2023. Điều này có nghĩa là nhu cầu nhập khẩu các loại hàng hoá từ Việt Nam sẽ giảm.
Hiện tại, có doanh nghiệp, lượng đơn hàng xuất khẩu đã giảm hơn 50%. Việc suy giảm đơn hàng buộc họ phải thu hẹp sản xuất nghĩa là phải sa thải lao động, công nhân bị giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, TS. Cung cho biết.
Bên cạnh đó, giá năng lượng tăng cao do xung đột Ukraine và Nga, tác động đến Việt Nam khiến chi phí nhập khẩu nguyên liệu gia tăng.
Một bên là doanh thu giảm, cầu giảm, một bên là chi phí nguyên liệu gia tăng thì phần lợi nhuận của doanh nghiệp trở nên giảm và thậm chí là thua lỗ. Trong mấy tháng gần đây, rất nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp khó khăn khiến nhiều dự án đầu tư phải dừng lại hoặc chuyển đổi.
Thêm vào đó, thị trường trong nước, lạm phát gia tăng và có nguy cơ vượt chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra. Do đó, Chính phủ phải thực hiện thắt chặt tiền tệ và thậm chí là cả tài khoá để chống lạm phát. Khi thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng, tín dụng suy giảm khiến tiếp cận vốn của doanh nghiệp trở lên khó khăn hơn nhiều so với trước.
Thị trường tài chính có thời điểm chao đảo, lung lay và có phần mất niềm tin. Rõ ràng, trong bối cảnh như vậy, mọi người đều chọn phương án dừng lại, không tiếp tục đầu tư khiến thanh khoản toàn thị trường suy giảm. Dòng vốn trong nền kinh tế trở nên cạn kiệt.
Với giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đã tích cực làm việc với các địa phương nhưng 11 tháng 2022 mới giải ngân được hơn 50%.
Động lực phát triển 2023
Bình luận về những động lực tăng trưởng kinh tế, Nguyên Viện trưởng CIEM thẳng thắn chỉ ra rằng những động lực tạo nên tăng trưởng của Việt Nam 2023 đang suy giảm dần.
Động lực về xuất khẩu hiện đang suy giảm, chính sách tiền tệ hiện đang ưu tiên số một là chống lạm phát nên sẽ không thúc đẩy tăng trưởng, đầu tư công khó khăn và nhu cầu trong nước chắc chắn giảm do lạm phát tăng cao, thu nhập giảm.
Vị chuyên gia nhìn nhận năm 2023 trở lên khó khăn hơn và trong bối cảnh khó khăn như vậy để tạo động lực mới thì cần có những cải cách đột phá. Nhìn lại kinh nghiệm của Việt Nam qua các thời kỳ, ông Cung đánh giá “khi có khủng hoảng thì luôn luôn có cải cách”.
"Thời kỳ khó năm năm 1997-2000, Luật Doanh nghiệp được ban hành tạo ra một luồng sinh khí mới trong môi trường kinh doanh. Đến năm 2010-2012 có Chương trình tái cơ cấu tổng thể phục hồi tăng trưởng, sau đó từ năm 2014, chúng ta đã có những Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02. Thời điểm hiện nay, rất cần có sự cải cách, đột phá như thế", ông Cung nói.
Nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, cần đánh giá tình hình kinh tế 2022 đúng thực chất và có sự cải cách theo hướng thị trường nhiều hơn, tránh lạc quan thái quá khi nhìn vào những số liệu có phần "tô hồng" như vậy.
Ông nhấn mạnh động lực quan trọng có thể thúc đẩy kinh tế năm 2023 không gì khác ngoài “đầu tư công”, đây là một thứ nằm trong tầm tay của Chính phủ.
Tuy nhiên, cần có cách tiếp cận mới chi phối từ việc xây dựng, điều chỉnh Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, phân bố, lựa chọn dự án và triển khai thực hiện thì mới có thể đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mang lại hiệu quả và tạo động lực đột phát cho nền kinh tế.
Theo ông Cung, cách tiếp cận mới đó là với những dự án quan trọng quốc gia, liên vùng mà có thể gọi là “không thể không làm” như: Dự án Vành đai 3,4 TP Hà Nội, TP HCM, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hoà – Bà Rịa Vũng Tàu,… thì cần có cơ chế mới, lấy hiệu quả làm thước đo đánh giá.
Đã là các dự án không thể không làm thì cần cơ chế đột phá và phải tập trung vốn, nguồn lực triển khai thật nhanh, lấy hiệu quả đặt lên hàng đầu. Vì nếu triển khai chậm sẽ càng đội vốn gây lãng phí, kém hiệu quả.
Các quy định, thủ tục cuối cùng cũng là để đảm bảo hiệu quả thì nên dùng cách tiếp cận khác, lấy hiệu quả là thước đo, tập trung chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát, phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau.
Giải ngân vốn đầu tư công hiện nay có tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế, từ thanh khoản, các tổ chức tín dụng, cách tiếp cận vốn của doanh nghiệp,… Nếu tháo được “đập nước” đầu tư công, tôi tin rằng “cánh đồng” kinh tế sẽ tươi tốt trở lại, vị chuyên gia này đánh giá.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, chỉ tiêu kiểm soát lạm phát 2023 dưới 4,5% là thách thức rất lớn và cần cân nhắc vì không nên thắt chặt quá mức cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá trong lúc này. Nếu thặt chặt tiền tệ thì cần nới lỏng chính sách tài khoá, giảm thuế, miễn thuế nhiều hơn nữa so với giá trị Chương trình phục hồi và phát triển mà Quốc hội đã thông qua.
Không giống như năm 2022, lạm phát chủ yếu từ chi phí đẩy, lạm phát 2023 chịu tác động từ cả các yếu tố bên trong như: Lãi suất tăng, tỷ giá tăng gần 10% tác động trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chi phí đẩy nhập khẩu từ bên ngoài chắc chắn sẽ cũng sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, theo TS. Cung, chính sách tài khoá là “phao cứu sinh” duy nhất đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.